Di tích khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi bị bỏ hoang
Dù được công nhận là di tích cấp quốc gia từ năm 2013 nhưng đến nay, Di tích khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi thuộc xã Xuân Viên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vẫn bị người dân đào xới nham nhở.
Di tích khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi nằm gọn trong thung lũng núi Hồng Lĩnh với diện tích khoảng 1 km2.
Năm 1974, trong quá trình nghiên cứu dấu vết liên quan thời kỳ Hùng Vương ở Nghệ Tĩnh, nhóm nhà khảo cổ học thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tình cờ phát hiện nhiều hiện vật đá, gốm, đồng tại đây.
Sau nhiều lần tổ chức khảo sát, khai quật tại Phôi Phối – Bãi Cọi, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều đồ gốm, đồ đá, rìu mài ở lớp trên, công cụ ghè, đẽo lớp dưới. Từ những hiện vật khai quật được, các nhà khoa học đã đưa ra kết luận: Đây là một di chỉ khảo cổ học có niên đại hậu kỳ đá mới thuộc nền văn hóa Bàu Tró; là địa bàn giao thoa, hội tụ của nền văn hóa Đông Sơn (khu vực phía Bắc) và văn hóa Sa Huỳnh (khu vực Nam Trung bộ) - một di tích khảo cổ học hiếm có trong hệ thống di tích khảo cổ học Việt Nam.
Năm 2013, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch ra Quyết định số 672/QĐ-BVHTTDL xếp hạng “Di tích khảo cổ học Phôi Phối – Bãi Cọi là di tích quốc gia”.
Tuy nhiên, có mặt tại Di tích khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi thời điểm này, chúng tôi ngỡ ngàng bởi đây chỉ là một bãi đất nham nhở những hố đất mới đào. Một số người dân đào những gốc cây keo tràm, cưa cắt rồi hun lửa đốt; nhiều khu vực trong khuôn viên, hàng chục con bò gặm cỏ.
Toàn bộ khu di tích không hề có một tấm biển báo thể hiện đây là di tích quốc gia, cũng không có biển báo chỉ dẫn; không có hàng rào bao quanh phân định ranh giới.
Bí thư Chi bộ thôn Nam Viên Phan Xuân Cảnh cho biết: “Thời gian gần đây, tình trạng người dân các xã khác đến đào trộm cát về xây nhà ngày càng nhiều khiến người dân địa phương rất bức xúc. Do khuôn viên di tích không được khoanh bao, không có biển báo, cũng không có người bảo vệ nên ai muốn làm gì thì làm".
Tại nhiều cuộc họp HĐND xã Xuân Viên, HĐND huyện Nghi Xuân, người dân đã nhiều lần kiến nghị cần có phương án bảo vệ nhưng mọi việc vẫn “án binh bất động”.
Bí thư Đảng ủy xã Xuân Viên Đậu Minh Ngụ thẳng thắn thừa nhận: “Những năm trước, xã có triển khai đào đường hào để ngăn cản các phương tiện ô tô vào khai thác cát. Nhưng 5 năm lại nay, do không có kinh phí nên xã không tiến hành xây bao cũng như triển khai những biện pháp bảo vệ di tích. Vì thế, một số người dân đã có những hành vi tác động tiêu cực đến khu di tích này".
Nghi Xuân là địa phương sở hữu trên 200 di tích văn hóa - lịch sử; trong đó, có 83 di tích được xếp hạng gồm: 1 di tích văn hóa cấp quốc gia đặc biệt (Khu di tích Nguyễn Du), 8 di tích văn hóa quốc gia và 74 di tích văn hóa cấp tỉnh. Trong khi tất cả các di tích văn hóa khác đã và đang được bảo vệ, nâng cấp khá tốt và bài bản thì Di tích Phôi Phối – Bãi Cọi lại bị xâm hại.
Các cấp chính quyền, ngành chức năng Hà Tĩnh cần sớm có giải pháp xử lý để bảo tồn và phát huy giá trị Di tích khảo cổ học Phôi Phối – Bãi Cọi, xứng đáng là di tích cấp quốc gia.
Hoài Nam