Di tích khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) là Di tích Quốc gia đặc biệt
Di tích khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt theo quyết định ký ngày 29-12.
Di tích khảo cổ học Sa Huỳnh phân bố trên dải cồn cát dọc Bãi biển Sa Huỳnh gồm: Gò Ma Vương, Phú Khương (xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ) và gò Thạnh Đức (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) cách trung tâm TP Quảng Ngãi khoảng 60km về hướng Nam.
Di tích này được Nhà khảo cổ học người Pháp tên là M.Vinet phát hiện lần đầu tiên vào năm 1909 tại khu vực gò Ma Vương - Sa Huỳnh. Đây là khu mộ chum lớn của cư dân văn hóa Sa Huỳnh, có niên đại cách đây trên 2.500-3.000 năm. Các mộ táng bằng gốm có hình dạng trứng và hình trụ cao gần 1m, bên trong chum chứa nhiều đồ như: loại lục lạc, vòng tay, rựa cuốc, thuồng… bằng sắt, hạt chuỗi mã não, khuyên tai… và nhiều đồ gốm như: nồi, bát bồng, bình…được trang trí bằng nhiều hoa văn, ánh chì.
Hố khai quật phía nam gò Ma Vương phục dựng 16 ngôi mộ táng của cư dân Sa Huỳnh.
Đến nay, Sa Huỳnh được các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước nghiên cứu và 7 lần đào thám sát, khai quật lớn mà tiêu biểu nhất là cuộc khai quật năm 1978 do Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành đã thu được hàng trăm hiện vật. Những hiện vật này đã đem lại cách nhìn mới, nhận thức mới về sự hình thành, phát sinh và phát triển của Văn hóa Sa Huỳnh.
Hiện nay Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh đã đi vào hoạt động, trưng bày và giới thiệu nhiều hiện vật tiêu biểu của nền Văn hóa Sa Huỳnh.
Ngoài Di tích khảo cổ học Văn hóa Sa Huỳnh được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt thì trong đợt 13 này, Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định xếp hạng cho 4 di tích khác trên cả nước gồm: Di tích khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai), Di tích kiến trúc nghệ thuật Cụm đình Hương Canh (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc), Di tích lịch sử Đền thờ Vua Mai Hắc Đế (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) và Di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Ấp Bắc (thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).