Di tích lịch sử căn cứ Dốc Miếu cần được tôn tạo, phục hồi

Là di tích lịch sử quốc gia nhưng đến nay, căn cứ Dốc Miếu - hàng rào điện tử Mc.Namara vẫn chưa được quan tâm bảo tồn, phục hồi. Vì vậy, căn cứ quân sự Dốc Miếu cần được phục hồi, bảo tồn để trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, kết hợp với các hoạt động du lịch hoài niệm về chiến trường xưa...

Tượng đài Giao bưu - Thông tin liên lạc tại Dốc Miếu - Ảnh: T.T

Tượng đài Giao bưu - Thông tin liên lạc tại Dốc Miếu - Ảnh: T.T

Được công nhận di tích quốc gia

Hàng rào điện tử Mc.Namara là hệ thống các phương tiện điện tử phát hiện thâm nhập được đế quốc Mỹ xây dựng dọc theo phía Nam khu phi quân sự và đường Hồ Chí Minh như một biện pháp trinh sát mặt đất tự động nhằm phát hiện các hoạt động thâm nhập, chi viện của miền Bắc vào miền Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robet Mc.Namara trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Hàng rào này bao gồm một hệ thống gần 20 căn cứ quân sự, kết hợp với hệ thống vật cản, các thiết bị trinh sát điện tử mặt đất và trên không.

Tất cả được bố trí liên hoàn trong khu vực phía Nam vĩ tuyến 17, từ bờ biển lên biên giới Việt-Lào. Phòng tuyến Mc.Namara thực chất là tuyến phòng thủ được kết hợp nhiều thành phần, lực lượng, được sử dụng nhiều trang thiết bị kỹ thuật điện tử hiện đại, vũ khí tối tân nhất hình thành trong kế hoạch thử nghiệm chiến trường tự động hóa, điện tử hóa của Mỹ ở Việt Nam.

Trong toàn bộ tuyến hàng rào điện tử Mc.Namara, căn cứ Dốc Miếu giữ một vị trí chiến lược vô cùng lợi hại. Nằm trên quả đồi đất đỏ ba dan rộng khoảng 262ha, ở bình độ 50m, có thể quan sát, khống chế cả một vừng rộng lớn Đông, Bắc Gio Linh. Đây được mệnh danh là “con mắt thần” bất khả xâm phạm của đế quốc Mỹ.

Là một trung tâm điều khiển, xử lý các phương tiện điện thám tinh vi, của hỏa lực toàn tuyến. Căn cứ Dốc Miếu được phòng thủ hết sức nghiêm ngặt nhằm chống lại sự xâm nhập và các cuộc tấn công của ta. Bên trong căn cứ có một loạt lô cốt, hầm hào kiên cố; các trận địa pháo mặt đất hạng nặng; hệ thống đài quan sát, rađa và thiết đoàn tăng-thiết giáp có nhiệm vụ tuần tra, ứng cứu, bảo vệ hàng rào điện tử.

Căn cứ Dốc Miếu chỉ còn một xác xe tăng M41, nằm cạnh một tấm bảng bằng bê tông nhỏ, lẩn khuất dưới tán rừng tràm của người dân - Ảnh:T.T

Căn cứ Dốc Miếu chỉ còn một xác xe tăng M41, nằm cạnh một tấm bảng bằng bê tông nhỏ, lẩn khuất dưới tán rừng tràm của người dân - Ảnh:T.T

Đối với quân và dân ta, tiêu diệt căn cứ quân sự Dốc Miếu đã trở thành mục tiêu quan trọng. Tại đây đã diễn ra nhiều trận đánh mưu trí, dũng cảm và quyết liệt của các lực lượng vũ trang nhân dân ta. Tiêu biểu là trận đánh của bộ đội pháo binh ngày 20/3/1967. Trận thắng này đã làm tiêu hao nhiều lực lượng của địch, phá hủy nhiều xe tăng, xe bọc thép, xe vận tải, máy bay lên thẳng, kho xăng, kho vũ khí…

Trong chiến dịch tiến công nổi dậy mùa xuân 1972, căn cứ Dốc Miếu nằm trong sự bắn phá dữ dội của pháo binh mặt trận, buộc địch phải tháo chạy vào ngày 1/4, bỏ lại một bãi chiến trường ngỗn ngang hầm hào, súng đạn, phương tiện chiến tranh.

Mặc dù đế quốc Mỹ đã tốn rất nhiều tiền của cũng như công sức cho việc xây dựng và vận hành hệ thống hàng rào điện tử Mc.Namara, cùng với những thủ đoạn chống phá dã man, tàn bạo cũng đành phải chấp nhận sự xóa sổ của một vị trí phòng thủ được coi là mạnh nhất tồn tại gần 5 năm ở Quảng Trị. Chiến thắng này đã đi vào lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam và lịch sử của quân và dân Quảng Trị anh hùng.

Căn cứ Dốc Miếu đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận di tích quốc gia theo Quyết định số 236/VH-QĐ ngày 12/12/1986, nằm trong cụm di tích đường mòn Hồ Chí Minh.

Cần được tôn tạo, phục hồi

Mặc dù là di tích lịch sử được xếp hạng quốc gia nhưng hiện nay, không chỉ khách du lịch mà ngay cả người dân địa phương cũng khó có thể hình dung ra hình dáng của căn cứ quân sự, dấu tích lịch sử trong kháng chiến chống Mỹ.

Bởi, không có bất kỳ một bảng chỉ dẫn, hướng dẫn hay bảo tàng, tượng đài nào liên quan đến di tích này giúp khách du lịch và người dân nhận diện. Có chăng, chỉ là một xác xe tăng M41, nằm cạnh một tấm bảng bằng bê tông nhỏ, lẩn khuất dưới tán rừng tràm của người dân. Chúng tôi phải dò hỏi, lần tìm mới thấy được dấu tích cuối cùng còn sót lại này.

Tìm hiểu được biết, ngày 3/5/1996 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 281/TTg phê duyệt Dự án quy hoạch tổng thể đầu tư, bảo tồn, tôn tạo hệ thống các di tích lịch sử tỉnh Quảng Trị giai đoạn 1996-2010. Căn cứ Dốc Miếu-hàng rào điện từ Mc.Namara là một trong những di tích được ưu tiên đầu tư tôn tạo hàng đầu theo như dự án này.

Đầu năm 2003, tại buổi làm việc với lãnh đạo UNBD tỉnh Quảng Trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị lập và triển khai Dự án tôn tạo một phần di tích căn cứ Dốc Miêúhàng rào điện từ Mc.Namara thuộc giai đoạn 2001-2005.

Ngày 7/1/2004, UBND tỉnh Quảng Trị ra Quyết định số 50/2004/QĐ-UB về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu di tích lịch sử căn cứ Dốc Miếu. Đến ngày 25/1/2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 184/QĐ-UBND, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu di tích lịch sử căn cứ Dốc Miếu và hàng rào điện tử Mc.Namara. Tuy nhiên, qua nhiều lần thay đổi chủ đầu tư, đến nay dự án này vẫn chưa được triển khai thực hiện.

Nếu được đầu tư phục hồi, bảo tồn và khai thác hợp lý, nơi này sẽ trở thành điểm tham quan lý thú - Ảnh:T.T

Nếu được đầu tư phục hồi, bảo tồn và khai thác hợp lý, nơi này sẽ trở thành điểm tham quan lý thú - Ảnh:T.T

Căn cứ Dốc Miếu-hàng rào điện tử Mc.Namara là một chứng tích tiêu biểu tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ. Với âm mưu xâm lược nước ta, chúng đã không từ bỏ một thủ đoạn nào để đạt được ý đồ cuồng vọng của mình. Từ việc ném bom, bắn phá ra khu vực giới tuyến nhằm ngăn chặn khát vọng thống nhất đất nước của Nhân dân ta đến âm mưu hủy diệt sự sống bằng các loại bom, chất độc hóa học khác. Đây cũng là nơi minh chứng hùng hồn về sức mạnh vĩ đại của dân tộc ta.

Vì thế, việc triển khai phục hồi, tôn tạo di tích căn cứ Dốc Miếu-hàng rào điện tử Mc.Namara thêm một lần nữa khẳng định sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân. Đồng thời, hình thành nên một “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm, khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cho thế hệ mai sau.

Mặt khác, đây còn là nguồn tư liệu sinh động cho công tác nghiên cứu về nghệ thuật quân sự, góp phần vào sự nghiệp xây dựng quốc phòng an ninh vững mạnh. Mặt khác, Di tích căn cứ Dốc Miêúhàng rào điện tử Mc.Namara nằm trên Quốc lộ 1, gần với các di tích lịch sử, như: Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Địa đạo Vịnh Mốc, Thành Cổ Quảng Trị, Đường mòn Hồ Chí Minh...

Do đó, nếu được đầu tư phục hồi, bảo tồn xứng tầm và khai thác tiềm năng hợp lý, nơi này sẽ trở thành điểm tham quan lý thú, tạo thành chuỗi di tích phục vụ du lịch tâm linh, hoài niệm về chiến trường xưa.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/di-tich-lich-su-can-cu-doc-mieu-can-duoc-ton-tao-phuc-hoi/176133.htm