Đình Thạch Lỗi là một ngôi đình nằm ở làng Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Đình được xây dựng vào thời Hậu Lê (khoảng thế kỷ XVII) trên nền một ngôi miếu cổ, thờ Lý Quốc Bảo (cháu ruột của vua Lý Nam Đế) và phu nhân là bà Vũ Thị Hương.
Đây là một trong những ngôi đình cổ tiêu biểu của Việt Nam, có quy mô lớn theo kiểu tiền nhất hậu đinh. Các công trình hiện còn bao gồm tòa tiền tế 7 gian, tòa trung đình 9 gian và 3 gian hậu cung được xây dựng vào cuối thế kỷ 18. Hiện vật của đình còn nhiều cổ vật có giá trị đặc biệt là tấm bia Hành tại đình bi được khắc vào năm Chính Hòa thứ 10 (1689).
Di tích lịch sử quốc gia đình Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Năm 1997, đình Thạch Lỗi được xếp hạng di tích quốc gia.
Các bậc cao niên làng Thạch Lỗi cho biết, vào ngày 21 tháng 5 năm Giáp Tý (1744) đình bị giặc tàn phá, nhân dân phiêu tán, đến năm Canh Ngọ (1750) bắt đầu khôi phục, mua sắm vật liệu, năm Tân Tỵ (1761) sửa đình, chỗ nào dập nát thì tu bổ lại. Đến năm 1997, đình được xếp hạng di tích quốc gia, sau đó được Nhà nước và nhân dân địa phương đầu tư kinh phí để tu sửa một số hạng mục như tam quan, sân đình và hậu cung...
Trải qua hàng trăm năm chống trọi với tự nhiên, đến nay, đình Thạch Lỗi đang bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sập rất cao. Theo ghi nhận, hầu hết hệ thống các cột, kèo, vì, hệ thống gỗ chống mái tại ngôi đình Thạch Lỗi đều đã bị mục nát, các họa tiết chạm khắc bằng sứ đều bị bung vỡ làm mất đi giá trị của một di tích lịch sử quốc gia và không đảm bảo an toàn cho người dân làng Thạch Lỗi mỗi dịp ghé qua đình vui chơi, thắp hương khói.
Ông Chuẩn, thành viên trong ban quản lý đình Thạch Lỗi (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) cho biết: "Hiện tại, đình Thạch Lỗi đang xuống cấp nghiêm trọng, nhiều bộ phận như cột, đặc biệt là phần mái phía trước đình do bị hư hỏng, thậm chí bị gãy phần mái hiên của đình, nên đợt vừa rồi tôi và các thành viên Ban quản lý phải mượn tạm thợ hồ ở bên Bắc Ninh về dọi lại ngói và chống lại phần mái để đảm bảo an toàn. Hỏng chỗ nào thì chúng tôi tu sửa chỗ đó, chứ không thể tu sửa một lúc cả ngôi đình vì chi phí rất tốn kém. Mà không được duy tu, sửa chữa kịp thời thì không đảm bảo an toàn cho người dân làng này".
"Tôi rất mong được phía chính quyền, các mạnh thường quân giúp đở để chúng tôi có thêm nguồn kinh phí để duy tu, sửa chữa lại ngôi đình này, vì đây là nơi sinh hoạt văn hóa chung của người dân làng Thạch Lỗi vào mỗi dịp Hè hàng năm", ông Chuẩn cho biết.
Một số hình ảnh đình Thạch Lỗi xuống cấp nghiêm trọng
Theo ghi nhận, đình Thạch Lỗi tọa lạc trên khu đất rộng 1.092m², cao thoáng, bằng phẳng, nhìn về hướng nam. Trước mặt đình bên kia con đường nhỏ là hồ đình rộng 9.370m². Giữa hồ đình có một gò đất tròn mà trong truyền thuyết về phong thủy được gọi là Tam Thai.
Cấu trúc mặt bằng đình được chia thành các lớp trụ biểu, sân đình, tòa tiền tế 7 gian hình chữ nhật, tòa đại đình 7 gian to, 2 gian xép hình chữ đinh. Hậu cung gồm 3 gian nhỏ, được ngăn làm hai.
Mặt sân trước của đình Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Lớp không gian trong một gian là cấm cung, nơi bày ngai thờ, bài vị hai đức thành hoàng. Hai bên sân đình là hai dải vũ, xung quanh đình có tường bao cao 1,2m. Phía trước có 3 cổng được hình thành bởi các trụ biểu, hai bên có hai cổng.
Ngôi đình này thờ 2 vị thành hoàng làng có công với triều Tiền Lý là tướng Lý Bảo Quốc và vợ ông là bà Vũ Thị Hương. Năm 1996, Đình Thạch Lỗi được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.
Tòa tiền tế gồm 7 gian được tạo dựng theo nguyên tắc sự liên kết của các vì kèo. Thành phần chịu lực là các hàng cột được đặt trên đá tảng. Cả tòa tiền tế có 32 cột, khoảng cách các cột cái theo chiều dọc là 3,2m, chiều ngang là 3,7m, khoảng cách từ cột cái đến cột quân là 2,25m, chiều cao của ngôi đình là 5,68m (tính từ nền đình đến thượng lương).
Các vì kèo liên kết với nhau bởi hệ thống xà ngang, xà dọc, con rường, kẻ, bẩy. Ráp nối các thành phần kiến trúc là mộng luồn, mộng thắt, mộng mang cá… Mái tòa tiền tế rộng bằng 2/3 chiều cao của ngôi nhà và được làm theo kiểu tầu đao, mái lá thoải dần, 4 đầu đao vuốt vút dần lên ở bốn góc.
Trải qua hàng trăm năm, đến nay, đình làng Thạch Lỗi đang bị xuống cấp nghiêm trọng, toàn bộ hệ thống kèo, cột, vì, hệ thống mái ngói cũng mục nát, vỡ vụn, thậm chí phải dùng tới cột chống đỡ phần mái hay dây thép gai buộc cố định để đảm bảo ngôi đình không bị đổ sập nguy hiểm cho người dân.
Ông Chuẩn, thành viên trong ban quản lý đỉnh Thạch Lỗi cho biết, thời điểm hiện tại, đầu đao và mái ngói phía Đông tòa tiền tế đã bị mục có nguy cơ sụp đổ, phải gia cố bằng cột, chôn chân bê tông. Còn khu đầu đao tòa đại đình phía Tây cũng bị gãy cụt hàng chục năm nay đều sử dụng cột để chống đỡ.
Phần mái trên của đình bị mục nát do sự bào mòn theo thời gian.
Phần mái hiên nhà phải dùng cột gỗ chống đỡ, chắp vá bằng vôi vữa tránh trường hợp bị đổ sập.
Hiện trạng ngôi đình ở thời điểm hiện tại rất đáng báo động, đe dọa tới sự an toàn của toàn thể người dân làng Thạch Lỗi.
Rất nhiều cột gỗ được dùng để chống đỡ cho phần mái. Hầu hết các cơ sở vật chất đều xuống cấp và hư hỏng nặng.
Ông Chuẩn, người dân làng Thạch Lỗi và cũng là thành viên trong ban quản lý rất lo sợ trước sự xuống cấp nghiêm trọng của ngôi đình Thạch Lỗi. Ông rất mong các cấp chính quyền, các mạnh thường quân chung tay duy tu, cải tạo lại di tích lịch sử quốc gia này.
Một số cột cái, cột quân bị mối mọt dẫn đến bị mục phải dùng cột chống đỡ hay dây thép buộc lại.
Sự mục nát, xuống cấp có thể thấy rõ bằng mắt thường.
Hiện trạng của tấm chướng tại khu vực trung tại đình Thạch Lỗi.
Một số hình ảnh bên trong ngôi đình Thạch Lỗi, xã Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Gắn bó với mái đình tuổi thơ từ nhỏ, bà Loan (82 tuổi) cho biết: "Tôi sống tại làng Thạch Lỗi đến nay đã 82 năm chưa biết ngôi đình này có từ lúc nào, chỉ biết nó đã có cách đây vài trăm năm trước. Tuy nhiên, đến nay ngôi đình này đã bị mục nát nghiêm trọng gây nguy hiểm cho người dân. Tôi rất mong các cấp chính quyền sớm quan tâm, tu bổ lại để có thể giữ gìn được ngôi đình cho thế hệ sau này".
Trước đó, vào ngày 5/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức khảo sát đánh giá hiện trạng của đình Thạch Lỗi để có được phương án nâng cấp, sửa chữa trong thời gian tới để đảm bảo an toàn cho người dân làng Thạch Lỗi mỗi khi tới ngôi đình sinh hoạt văn hóa.
Tin và ảnh: Trung Nguyễn