Di tích lịch sử, văn hóa Đền Làng Lúc

Di tích lịch sử - văn hóa đền Làng Lúc được xây dựng để tỏ lòng tôn kính của đồng bào các dân tộc nơi đây đối với 3 vị tướng của quan Hoàng Bảy đã có công đánh đuổi giặc phương Bắc, khai ấp lập làng.

Di tích lịch sử - văn hóa đền Làng Lúc tọa lạc tại bản Lúc, xã Bảo Hà (huyện Bảo Yên). Đền được xây dựng để tỏ lòng tôn kính của đồng bào các dân tộc nơi đây đối với 3 vị tướng của quan Hoàng Bảy. Các ông đã có công đánh đuổi giặc phương Bắc, khai ấp lập làng, dạy Nhân dân phát triển kinh tế, cung cấp quân lương cho tướng Nguyễn Hoàng Bảy đánh giặc vào cuối thời Lê (thế kỷ XVII).

Sử sách còn ghi lại, bấy giờ, khắp vùng Quy Hóa thuộc châu Thủy Vĩ, châu Văn Bàn (khu vực Bảo Hà ngày nay) luôn bị giặc phương Bắc xâm chiếm, cướp phá, giết hại người dân vô tội. Nhận thấy tình hình ngày càng cấp bách, triều nhà Lê, niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1786) cử viên tướng thứ Bảy họ Nguyễn lên trấn thủ Quy Hóa. Danh tướng họ Nguyễn đưa quân tiến đánh dọc sông Hồng, giải phóng Khảu Bàn và xây dựng căn cứ Bảo Hà vững chắc, chờ thời cơ đánh đuổi giặc xâm lược.

Đền Làng Lúc nằm yên bình bên những cánh đồng thuộc bản Lúc, xã Bảo Hà.

Đền Làng Lúc nằm yên bình bên những cánh đồng thuộc bản Lúc, xã Bảo Hà.

Trong số quân lính của danh tướng họ Nguyễn, có 3 anh em họ Hoàng nhiều lần góp công đánh đuổi quân xâm lăng, đã xin lệnh tướng được đi tìm vùng đất mới để đưa dân tới khai hoang, lập bản, làm nơi luyện tập binh sĩ và tăng gia, sản xuất, cung cấp lương thực cho nghĩa quân. 3 anh em họ Hoàng chọn địa điểm tại bản Lúc rồi chiêu mộ đồng bào dân tộc Tày, Dao các vùng lân cận về đây lập bản. Sau một thời gian, các ông cùng dân bản khai phá được 4 cánh đồng lớn, đặt tên là Cốc Tràm, Tàng Luông, Nà Kê, Cốc Tún. 3 ông dạy dân cấy lúa nước, trồng ngô, sản xuất lương thực phục vụ đời sống hằng ngày và chi viện cho đoàn quân của tướng Nguyễn Hoàng Bảy thêm hùng mạnh.

Đền Làng Lúc về đêm.

Đền Làng Lúc về đêm.

Những đóng góp to lớn của 3 anh em họ Hoàng đã nhận được sự tôn kính, niềm tin của đồng bào các dân tộc nơi đây. Sau khi mất, các ông được người dân tôn làm thành hoàng làng, lập miếu thờ ở chính giữa làng Lúc.

Nhìn từ ngoài vào, ngôi đền trang nghiêm gồm 3 gian thờ lần lượt là: Cung thờ Ban công đồng; cung thờ tướng Hoàng Bảy; cung thờ Tam tòa Thánh Mẫu. Từng chi tiết trong ngôi đền đều được chạm khắc tinh tế, tạo vẻ uy linh.

Ngày 9/6/2021, đền Làng Lúc được UBND tỉnh cấp Bằng công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.

Đền Làng Lúc là nơi lưu giữ, thực hành và trao truyền các di sản văn hóa của người dân địa phương.

Đền Làng Lúc là nơi lưu giữ, thực hành và trao truyền các di sản văn hóa của người dân địa phương.

Đền Làng Lúc còn là nơi lưu giữ, thực hành và trao truyền các di sản văn hóa trong tín ngưỡng thờ tứ phủ của người Việt, có sự giao thoa giữa miền ngược và miền xuôi, giữa tín ngưỡng người Việt với tín ngưỡng của người Tày. Vào ngày mùng 7 tháng Giêng hằng năm, đền Làng Lúc tổ chức lễ hội cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ hội diễn ra với các hoạt động đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, như lễ hội xuống đồng (lồng tồng), hội chọi trâu; giao lưu, biểu diễn hát then, múa xòe, múa chuông…

Với vị trí thuận lợi, có tuyến đường chính chạy qua, đền Làng Lúc có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch tâm linh.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/di-tich-lich-su-van-hoa-den-lang-luc-post368050.html