Di tích lịch sử, văn hóa ở Lý Sơn: Cần được sửa chữa, tôn tạo
Hiện nay, trên địa bàn huyện Lý Sơn còn bảo tồn và lưu giữ khá nguyên vẹn gần 60 di tích lịch sử, văn hóa; trong đó có 4 di tích, 1 di sản phi vật thể, 2 cây di sản Quốc gia và 17 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh các di tích lịch sử, văn hóa đang phát huy giá trị, thì nhiều nơi lại xuống cấp nghiêm trọng, cần sớm được trùng tu, bảo vệ.
Đảo Lý Sơn là nơi lưu giữ nhiều bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Tổ quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; nơi có những kiến tạo địa chất độc đáo và giàu bản sắc văn hóa... Hiện Lý Sơn còn tồn tại những nét sinh hoạt văn hóa cổ xưa như tế đình, tế thần, lễ hội, đua thuyền, đặc biệt là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa...
Đình làng An Hải, di tích cấp Quốc gia, đang bị xuống cấp trầm trọng.
Lễ hội cùng với hệ thống di tích kiến trúc tín ngưỡng đình, chùa, miếu mạo... đã tạo nên một Lý Sơn giàu truyền thống văn hóa, tâm linh. Hằng năm, người dân tổ chức nhiều loại hình sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống, tín ngưỡng độc đáo của Lý Sơn.
Người dân Lý Sơn luôn ý thức bảo vệ, gìn giữ các loại hình lễ hội cũng như các di tích trên địa bàn, tích cực đóng góp kinh phí để trùng tu, tôn tạo di tích, điển hình như Di tích kiến trúc nghệ thuật Lăng Tân thờ ông Nam Hải, ông Đức Ngư... Từ đầu năm 2020 đến nay, huyện đang xây dựng nhà trưng bày bộ xương cá Ông, được phục dựng với niên đại 400 - 500 năm. Ngoài ra, 2 năm qua, huyện Lý Sơn đã phục dựng Lăng Chánh, xã An Hải, phục dựng nhà thờ Phạm Quang Ảnh, sửa chữa đình An Vĩnh. Ông Phạm Trai - Ban Quản lý di tích Lăng Tân cho biết: “Những năm qua, người dân địa phương đã chung tay đóng góp hơn 500 triệu đồng để xây dựng, trùng tu các kiến trúc tại di tích”.
Cùng với di tích Lăng Tân, người dân ở các xã trên đảo đều chung tay xây dựng, giữ gìn đình làng, miếu mạo để thờ thần thành hoàng làng, Thiên Y A Na...
Tuy nhiên, do số lượng di tích nhiều, thời gian xây dựng đã lâu, bị tác động bởi thiên nhiên khắc nghiệt và con người, nên nhiều di tích ở Lý Sơn đã và đang xuống cấp trầm trọng, nhất là số di tích lịch sử, văn hóa rất cần được quan tâm đầu tư, phục dựng, tôn tạo. Điển hình như di tích đình làng và nhà thờ tiền hiền xã An Hải, xây dựng từ đầu những năm 1820. Đây là công trình kiến trúc cổ còn nguyên vẹn, rất có giá trị. Năm 1997, di tích đình làng An Hải được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia, nhưng hiện nay ngôi đình này đã xuống cấp trầm trọng.
Trưởng Ban khánh tiết đình làng An Hải Bùi Minh Cảnh cho hay: “Trước tình trạng ngôi đình xuống cấp, mới đây tỉnh đã bố trí gần 1 tỷ đồng để sửa chữa, nhưng không thấm vào đâu. Ban khánh tiết đình làng mong muốn thời gian tới, Nhà nước quan tâm đại tu ngôi đình này để lưu giữ công trình văn hóa cấp quốc gia cho con cháu mai sau".
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Lê Văn Ninh, trước tình trạng nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị đang xuống cấp, địa phương đã khảo sát và triển khai sửa chữa, trùng tu. Song, vì nguồn kinh phí khá hạn hẹp, nên Lý Sơn mong các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ để kịp thời bảo tồn các di tích.