Di tích Nhà tù Hỏa Lò - đổi mới tăng sức hút

Gần một tháng mở cửa đón khách trở lại sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) tiếp tục khẳng định là điểm đến hấp dẫn của Thủ đô nhờ sự chủ động, tích cực gia tăng các trải nghiệm cho du khách…

Tại thời điểm đầu tiên được phép mở cửa đón khách trở lại, nhằm kích cầu du lịch nội địa, Di tích Nhà tù Hỏa Lò nhanh chóng triển khai chương trình ưu đãi phí tham quan; tăng các trải nghiệm cho du khách, như tổ chức trưng bày “Khát vọng tự do” nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Triển lãm đã mang lại những ấn tượng sâu sắc với du khách, thu hút sự quan tâm của các cơ quan, đơn vị, trường học…

Di tích Nhà tù Hỏa Lò đang tích cực khởi động lại các chương trình hậu Covid-19 để phục vụ khách tham quan

Di tích Nhà tù Hỏa Lò đang tích cực khởi động lại các chương trình hậu Covid-19 để phục vụ khách tham quan

Ông Đặng Văn Biểu - Phó Trưởng ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết, tác động của Covid-19 khiến cho ngành du lịch cũng như các di tích, điểm tham quan của Hà Nội gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng nội lực, thời gian tới đơn vị tiếp tục xây dựng thêm các đề án trải nghiệm, đưa đến nhiều điều thú vị, tăng sức hút mới cho du khách. “Để không thụ động chờ khách tham quan tìm đến, Di tích Nhà tù Hỏa Lò đang tìm nhiều hướng đi mới hậu Covid-19. Nhưng hơn hết cả, mục tiêu chính vẫn luôn là giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay những bài học lịch sử đầy thuyết phục, tránh giáo điều”- ông Biểu nói.

Xây dựng từ năm 1896, Di tích Nhà tù Hỏa Lò là nơi giam giữ những người đấu tranh chống chế độ thực dân Pháp. Các nhà tù khác thường biệt lập với khu dân cư, riêng Nhà tù Hỏa Lò nằm tại trung tâm Hà Nội - thủ phủ của chính quyền thực dân khi đó. Bên cạnh nhà tù là tòa đại hình và sở mật thám, tạo thành thế chân kiềng, sẵn sàng đàn áp phong trào cách mạng.

Theo thiết kế ban đầu, Nhà tù Hỏa Lò chỉ đủ giam 500 tù nhân, nhưng nó đã nhiều lần được mở rộng để có thêm chỗ giam giữ tù nhân. Những năm 1950 - 1953, Hỏa Lò giam cầm tới 2.000 người tù. Nhiều thế hệ người Việt Nam đã bị giam cầm tại nhà tù Hỏa Lò, đó là các nhà nho yêu nước như cụ Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Dương Bá Trạc. đến các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười... Dù bị kẻ thù đánh đập, giam cùm vào ngục tối, thậm chí phải hy sinh cả tính mạng nhưng các chiến sĩ vẫn giữ vững ý chí đấu tranh. Nhà tù Hỏa Lò đã trở thành trường học cách mạng, là môi trường rèn luyện tư tưởng, ý chí đấu tranh cách mạng.

Hiện nay, Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò còn khá nguyên vẹn với nhiều tư liệu quý, được trưng bày khoa học, là điểm tham quan hấp dẫn, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước mỗi dịp đến Hà Nội.

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/di-tich-nha-tu-hoa-lo-doi-moi-tang-suc-hut-138145.html