Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La - Biểu tượng của ý chí cách mạng kiên cường • Kỳ cuối: Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng
Ngày 31/12/2014, Nhà tù Sơn La đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Mỗi năm, nơi đây đón hàng trăm ngàn lượt khách trong nước, quốc tế đến tham quan, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Trường học cách mạng
Trong hồi ký của mình, đồng chí Xuân Thủy kể: “Sau giờ lao động nặng nhọc, trên những sàn đá sàn xi măng, sàn gỗ đầy rệp, từng đám người rất náo nhiệt, chỗ này học văn hóa, chỗ kia học chính trị, chỗ nọ nhóm binh vận, dân vận, đây là Ban biên tập báo Suối reo...”. Các tài liệu huấn luyện do đồng chí Tô Hiệu, Trần Huy Liệu, Trần Đình Long... soạn thảo phải viết bằng mẩu giấy nhỏ, giấy cuốn thuốc lá để dễ thủ tiêu và cất giấu, điều đó nói lên việc học trong tù vô cùng phức tạp và mạo hiểm. Các đồng chí còn học ngoại ngữ Anh, Pháp, Trung Quốc, đặc biệt là học tiếng dân tộc Thái để tiếp xúc với đồng bào, tuyên truyền đường lối cách mạng và gây cơ sở cách mạng ở bên ngoài...
Còn đồng chí Ngô Gia Khảm đã ghi lại trong hồi ký: “Nhà tù Sơn La thật là một trường học lớn với tôi, ở đây tôi học đọc, học viết, học lý luận về Chủ nghĩa Cộng sản, học kinh nghiệm đấu tranh, khắc sâu vào trong xương tủy mối thù đế quốc, vững tin hơn bao giờ hết ở sự tất thắng của cách mạng”.
Theo tài liệu của Bảo tàng tỉnh Sơn La, trưởng thành từ trường học cách mạng đặc biệt này, đã có 121 đồng chí giữ chức vụ cao của Đảng và Nhà nước, như: Đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Trường Chinh giữ chức vụ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam; nhiều đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư các tỉnh, thành phố; đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Phó Chủ tịch nước; Đặng Việt Châu, Phó Thủ tướng Chính Phủ; Đại tướng Văn Tiến Dũng. Các đồng chí khác từng là Bộ trưởng các bộ, ban ngành trên các lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, lực lượng vũ trang, ngoại giao...
Tại Nhà tù Sơn La, trang trọng ghi lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Biến cái rủi thành cái may, các đồng chí đã lợi dụng những ngày tháng ở tù để hội họp và học tập lý luận. Một lần nữa, việc đó lại chứng tỏ rằng chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù chẳng những không ngăn cản được bước tiến của cách mạng. Mà trái lại, nó đã trở thành một thứ lửa thử vàng, nó rèn luyện cho người cách mạng càng thêm cứng rắn”.
Điểm thăm quan lịch sử
Năm 1952, khi thực dân Pháp thua trận tại Chiến dịch Tây Bắc, trước khi rút khỏi Sơn La, chúng đã ném bom nhằm xóa đi dấu vết tội ác dã man của chúng. Đến năm 1965, khi đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, bắn phá thị xã Sơn La đã phá hủy một phần của nhà tù. Khu di tích đã được trải qua ba lần phục chế lại một số trại giam như trại 3 gian, 2 gian, nhà bếp, trại giam lớn và 3 chòi canh. Cây đào mang tên đồng chí Tô Hiệu vẫn vươn mình bên tường nhà ngục, là biểu tượng về sức sống mãnh liệt, về tinh thần đấu tranh bất khuất của các chiến sỹ cộng sản.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Phương, Trưởng phòng Giáo dục - Truyền thông, cho biết: Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La luôn thu hút nhiều đoàn khách du lịch, đặc biệt là những đoàn viên thanh niên đến tìm hiểu về lịch sử truyền thống của ông cha về tinh thần đấu cách mạng bất khuất của những người chiến sĩ cộng sản kiên trung nơi nhà tù được mệnh danh là “địa ngục trần gian”.
Anh Lạc Quang Trung, Chiến sĩ Tiểu đoàn Bộ binh 1, Trung đoàn 754, Bộ CHQS tỉnh, chia sẻ: Là một người con của Tây Bắc, tôi thấy rất xúc động, cảm nhận được sự hào hùng của cuộc đấu tranh cách mạng qua những hiện vật lịch sử. Vượt qua gian khó, thế hệ ông cha đã kiên cường đấu tranh, vì sự độc lập, tự do của dân tộc. Đến thăm nơi đây để nhắc nhở bản thân mình sống, làm việc, học tập, rèn luyện sao cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả đó. Tôi sẽ nỗ lực cùng đồng đội phấn đấu bảo vệ đất nước, quê hương giàu đẹp.
Chia sẻ về cảm nghĩ của mình, chị Nguyễn Thị Hồng Mai, ở Thanh Xuân, Hà Nội, cho biết: Mỗi lần về với Sơn La, tôi đều đến thắp hương tưởng nhớ và tri ân những Anh hùng Liệt sĩ đã đấu tranh kiên cường, bất khuất vì độc lập, tự do dân tộc.
Vượt qua gian khổ, hy sinh, lớp lớp các thế hệ chiến sĩ cộng sản ở Nhà tù Sơn La đã kiên cường đấu tranh, đã vượt lên gông cùm của kẻ thù để biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, biến những bức tường đá lạnh lẽo của nhà tù thành những viên gạch hồng ấm tình đồng chí, biến bóng đêm đen tối của nhà tù đế quốc thành những tia sáng cách mạng soi rọi khắp núi rừng Tây Bắc. Nhà tù Sơn La chính là biểu tượng của ý chí cách mạng kiên cường, bất khuất của đồng bào Sơn La và của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược.