Di tích cầu Ngói Thanh Toàn về đêm.
Đầu tháng 4/2020, di tích cấp quốc gia cầu Ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy) tiến hành khởi công “đại trùng tu” theo quyết định của UBND tỉnh TT-Huế.
Kể từ năm 1990, đây là lần trùng tu mới nhất và được cho là bài bản nhất đối công trình di tích lịch sử độc đáo có tuổi đời 245 năm này.
Theo sử liệu, cầu Ngói Thanh Toàn do bà Trần Thị Đạo, vợ của một vị quan phát tâm đóng góp tiền của xây dựng vào năm 1776, nhằm để tích phước đức và góp phần giúp đỡ nông dân trong vùng qua lại dòng sông Như Ý dễ dàng và an toàn hơn.
Tồn tại qua 245 năm, di tích cầu Ngói Thanh Toàn đã từng được trùng tu, sửa chữa, tôn tạo vào các năm năm 1847, 1906, 1956, 1971… Lần trùng tu gần đây nhất là vào năm 1986, do người dân tự nguyện góp công sức, tiền của để tôn tạo lại cây cầu độc nhất vô nhị ở xứ Huế, thậm chí là ở khu vực miền Trung này. Đến sau năm 1990, mái lợp của cầu được thay bằng ngói thanh lưu ly, do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế hỗ trợ.
Theo tìm hiểu của PV, cùng với cầu Ngói chợ Lương (Nam Định), cầu Chùa (Hội An), cầu Ngói Thanh Toàn là một trong 3 cây cầu được thiết kế, xây dựng theo kiến trúc “thượng gia, hạ kiều” độc đáo hiện còn tồn tại ở Việt Nam. Cầu có chiều dài 17m - rộng 4m, hai bên thân cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để ngồi tựa lưng. Trên cầu có mái che, lợp ngói ống tráng men chia làm 7 gian...
Bên trong ngôi nhà dựng trên cầu. Hai bên là hai dãy bục gỗ và lan can để ngồi tựa lưng.
Theo thời gian, mặc dù đã được trùng tu nhiều lần, nhưng cây cầu bị xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là phần kết cấu gỗ, cho nên UBND tỉnh TT-Huế đã có quyết định cho hạ giải toàn phần, trùng tu lại di tích này.
Theo các quy chuẩn, quy định và nguyên tắc về bảo tồn, đơn vị thi công phải tiến hành tu bổ, phục hồi hệ thống ván sàn và kết cấu khung chính bằng gỗ lim (cột, kèo, xuyên, trến, lan can, kệ ngồi...); phục hồi hệ mái lợp bằng ngói âm ống men Thanh Lưu Ly; hệ trang trí bờ mái, bờ quyết, ô hộc, bờ nóc, con giống gắn sành sứ... theo công nghệ truyền thống.
Xây phục hồi hai tường đầu hồi; phục hồi nguyên gốc hai câu đối, các chi tiết trang trí gắn sành sứ và toàn bộ màu sắc tổng thể công trình bằng sơn truyền thống...
Theo ông Võ Ngọc Thành, Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng khu vực thị xã Hương Thủy - chủ đầu tư Dự án trùng tư, đến nay, việc trùng tu cầu Ngói Thanh Toàn cơ bản đã hoàn tất. Cơ quan chức năng hiện thực hiện các thủ tục bàn giao để chính thức đưa công trình vào sử dụng, khai thác cho mục đích du lịch, phát huy giá trị văn hóa của địa phương.
Điều bất ngờ, sau khi vừa thông cầu trở lại, di tích độc đáo này đón nhận rất nhiều du khách các nơi và dân quanh vùng đến tham quan, khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của công trình đã thực sự “lột xác” sau bảo tồn, tôn tạo.
Giới trẻ thích thú check-in bên trong cây cầu ngói với kiến trúc chủ yếu là gỗ, trên lợp ngói, hai đầu hồi xây bằng bê tông gắn nhiều họa tiết trang trí.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn ra nhiều nơi, du khách e ngại đi tham quan, du lịch, nhiều địa chỉ tham quan nổi tiếng tại Huế đang hiu hắt, thưa vắng khách, thì cầu Ngói Thanh Toàn vẫn có nhiều người tìm đến để khám phá vẻ đẹp di tích 245 năm tuổi này là điều hết sức bất ngờ.
Những hình ảnh khác về di tích cầu Ngói Thanh Toàn 245 năm tuổi vừa hoàn thành trùng tu:
Ngọc Văn