Di tích xuống cấp, ai chịu trách nhiệm ?

Trên thực tế, Hà Nội hiện có khoảng 600 di tích đang xuống cấp, hàng trăm di tích bị chiếm dụng ở các mức độ khác nhau... Ngoài nguyên nhân khách quan, không thể không nói đến nguyên nhân chủ quan là trách nhiệm của chính quyền cơ sở người trực tiếp được giao quản lý và ý thức bảo tồn của cộng đồng dân cư.

Cùng với thời gian, các di tích bị xuống cấp là lẽ đương nhiên, và việc bảo tồn di tích là chuyện không có "hồi kết". Bởi sau khi trùng tu một thời gian, các hạng mục sẽ lại hư hỏng. Trong công tác bảo tồn di tích, bên cạnh tu bổ, bảo tồn, còn có công việc quan trọng là chống xuống cấp. Nhưng dân gian có câu "của bền tại người". Cũng vẫn di tích ấy, nếu được quan tâm giữ gìn, nếu được xử lý ngay khi có sự hư hại, thì hẳn nhiên, sự xuống cấp sẽ bị hạn chế rất nhiều. Vụ việc ở chùa Một Cột xảy ra thời gian qua là một thí dụ. Một số hạng mục của chùa bị xuống cấp, nhất là phần mái của nhà Tổ - nhà Mẫu bị dột. Ðể minh chứng cho việc xuống cấp này, sư trụ trì chùa Một Cột mặc áo mưa, đội nón cho tượng Phật. Sự việc này nhận được nhiều phản ứng khác nhau. Phó Giáo sư Trần Lâm Biền phản đối gay gắt việc mặc áo mưa, đội nón cho tượng, cho rằng đây là hành động hết sức phản cảm. Trong khi đó, nhà chùa có thể tránh hư hại cho tượng Phật bằng nhiều cách khác. Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi chờ phương án tu bổ có tính tổng thể, nhà chùa và chính quyền địa phương hoàn toàn có thể làm một biện pháp hết sức đơn giản để bảo vệ các hạng mục và tượng Phật là dọi lại ngói. Chắc chắn, việc dọi ngói sẽ không bị các cơ quan chức năng "tuýt còi" vì phạm luật.

Nhiều năm qua, Hà Nội là địa phương luôn dẫn đầu cả nước trong quan tâm tu bổ di tích. Ba năm gần đây, mỗi năm thành phố chi hơn 800 tỷ đồng cho công tác tu bổ. Tuy nhiên, thành phố vẫn còn khoảng 600 di tích đang bị xuống cấp. Nếu tính mức trung bình cho một di tích cần tu bổ là 10 tỷ đồng, thành phố sẽ phải chi một khoản là 6.000 tỷ đồng. Ðây là điều không thể thực hiện cùng lúc do kinh phí quá lớn. Việc một số di tích bị xuống cấp nhưng vẫn phải chờ kinh phí là điều không thể tránh khỏi. Trong khi đó, lại có thêm những di tích xuống cấp phát sinh.

Trong công tác bảo tồn di tích hiện nay, ngành văn hóa phụ trách vấn đề công tác chuyên môn, hướng dẫn việc bảo tồn, tiếp thu ý kiến khi có tình trạng xuống cấp, phối hợp các cơ quan lập phương án tu bổ... Còn các di tích được giao cho chính quyền, nhân dân địa phương quản lý, bảo tồn, thành phố chỉ trực tiếp quản lý 12 di tích. Phần lớn di tích được giao trực tiếp cho chính quyền xã, phường, thị trấn. Ở cấp xã, phường, thị trấn, Phó Chủ tịch UBND phụ trách văn hóa - xã hội chính là người trực tiếp chỉ đạo, theo dõi tình hình các di tích tại địa phương. Ở các thôn, làng, tổ dân phố lại có Tiểu ban quản lý di tích. Ðối với các ngôi chùa, bản thân sư trụ trì luôn luôn là thành viên của Ban quản lý di tích. Như vậy, di tích là của dân và do dân, trong đó chính quyền, nhân dân địa phương là chủ thể. Nói cách khác, cơ sở chính là người "giữ" di tích, và di tích có "bền" hay không, phụ thuộc chính chủ sở hữu của chúng.

Trở lại vấn đề chùa Một Cột, hiện tại, một số cấu kiện gỗ bị mục, mủn do nước mưa thấm lâu ngày, một số mảng tường ngấm nước mưa dẫn đến bong tróc. Rõ ràng, nếu hành động đơn giản là dọi ngói được thực hiện, kết quả sẽ khác. Cũng tại chùa Một Cột, ngay trước tòa Liên hoa đài, mấy năm trở lại đây xuất hiện một cặp sư tử đá, được làm nguyên mẫu theo kiến trúc của Trung Quốc, nhưng chưa thấy cơ quan nào can thiệp để di dời, trong khi đó, chính quyền cấp phường, xã, thị trấn là những người trực tiếp tham gia quản lý di tích này.

Gần đây, lại có thêm một di tích "kêu cứu", đó là chùa Ðậu (xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín). Ngoài mái nhà giải vũ bị hư hỏng, thì chùa còn bị một số gia đình lấn chiếm tam quan chùa làm nơi bán hàng. Ðây cũng là tình trạng chung của rất nhiều di tích trên địa bàn thành phố. Nhưng việc lấn chiếm di tích, ngoài những đối tượng thuộc phạm vi "lịch sử để lại" (do cán bộ được phân ở tạm trong di tích, do lấn chiếm trước khi có các quy định pháp luật về bảo tồn di tích) cần có lộ trình di dời, giải tỏa, thì người có trách nhiệm "cứu" di tích bị lấn chiếm như trường hợp chùa Ðậu chính là chính quyền xã, phường, thị trấn. Không lẽ, việc vài hộ dân lấn chiếm di tích làm hàng quán cũng phải đợi trung ương, thành phố xuống "cứu" khi sự phân cấp đã rõ ràng?

Mỗi khi có tình trạng di tích bị xuống cấp, bị lấn chiếm, người ta hay tìm nhiều nguyên nhân để đổ lỗi, nhưng bên cạnh lỗi khách quan, nhiều người "quên" sự phân cấp trách nhiệm. 600 di tích trên địa bàn thành phố sẽ lần lượt được tu bổ. Sau khi tu bổ, thành phố sẽ bàn giao lại cho địa phương quản lý. Và di tích đó sẽ được gìn giữ thế nào, có nhanh xuống cấp hay không, một phần quan trọng phụ thuộc vào chính quyền, nhân dân địa phương và người trực tiếp trông nom di tích.

GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/hanoi/tin-moi-nhan/item/20500302-.html