'Đi tìm ánh sáng' - Cuốn sách không lời đầy xúc động về Thạc sĩ khiếm thị Nguyễn Thành Vinh

Dựa trên câu chuyện có thật về Nguyễn Thành Vinh, một người khiếm thị, tác giả Phan Thị Khánh Quỳnh cùng họa sĩ Thanh Vũ đã tạo nên cuốn sách tranh không lời đầy xúc động: 'Đi tìm ánh sáng'. Sách thuộc dự án toàn cầu Children in Care của Room to Read.

 "Đi tìm ánh sáng" là cuốn sách đặc biệt dựa trên một nhân vật có thật là Thạc sĩ Giáo dục đặc biệt Nguyễn Thành Vinh

"Đi tìm ánh sáng" là cuốn sách đặc biệt dựa trên một nhân vật có thật là Thạc sĩ Giáo dục đặc biệt Nguyễn Thành Vinh

Đi tìm ánh sáng tái hiện thời thơ ấu của Nguyễn Thành Vinh khi cậu rời xa gia đình đến sống và học tập tại Trường giáo dục đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu.

Nguyễn Thành Vinh bị mất thị lực do tai nạn năm 1 tuổi. Từ đó, cậu sống trong bóng tối cho đến 6 tuổi, ba mẹ ly hôn, cậu được gửi tới trường nội trú dành cho trẻ khiếm thị và không còn trở về nhà.

Ban đầu, Vinh thấy cô đơn và tách biệt với các bạn ở ngôi trường mới. Cho đến khi cậu gặp chị Mai, một sinh viên tình nguyện và người bạn đồng hành đặc biệt của chị là chú dế nhỏ.

Nhờ sự quan tâm của chị Mai, Vinh dần mở lòng.

Nhưng khi chị Mai rời đi, cậu rơi vào khoảng trống đau lòng. Chú dế, người bạn mà cậu trò chuyện hàng ngày cũng không còn. Đó là khoảnh khắc Vinh bật khóc, bộc lộ sự tổn thương.

Những giọt nước mắt ấy đã trở thành điểm khởi đầu cho một bước ngoặt. Các bạn học đã cùng Vinh chia sẻ nỗi đau, giúp cậu nhận ra xung quanh mình vẫn có tình bạn và sự gắn kết sâu sắc. Cũng từ đây, tâm hồn Vinh được thắp sáng bởi yêu thương và sự chia sẻ.

 Hình ảnh được sử dụng trong cuốn sách "Đi tìm ánh sáng"

Hình ảnh được sử dụng trong cuốn sách "Đi tìm ánh sáng"

Cuốn sách tranh không lời Đi tìm ánh sáng là thử thách lớn đối với cả tác giả lẫn họa sĩ minh họa.

Tác giả Phan Thị Khánh Quỳnh chia sẻ: "Thế mạnh của mình là ngôn từ, nhưng lần này mình phải kể câu chuyện mà không dùng chữ. Mình cảm thấy như trở thành một đạo diễn, xây dựng kịch bản và “quan sát” nhân vật qua nét vẽ của họa sĩ Thanh Vũ. Có lúc cần cắt gọt, có lúc lại phải thêm chi tiết để minh họa thể hiện trọn vẹn cảm xúc".

Họa sĩ Thanh Vũ chia sẻ, trong các sách tranh mà anh từng minh họa, những câu chuyện không lời luôn mang đến những thử thách rất lớn. Lý do là lời kể thường đóng vai trò quan trọng trong truyền tải câu chuyện, và khi không thể sử dụng lời, các nhân vật phải thể hiện cảm xúc mạnh mẽ hơn, còn người họa sĩ cần tìm cách kể chuyện bằng hình ảnh.

Tuy nhiên, với Đi tìm ánh sáng, thử thách không dừng lại ở đó. Bởi nhân vật chính là một cậu bé khiếm thị nên đôi mắt cậu không thể biểu lộ cảm xúc.

Câu chuyện còn xoay quanh những người bạn khiếm thị khác của Vinh, điều này có nghĩa trong suốt cuốn sách, không ai nói một lời nào. Vì thế, Đi tìm ánh sáng trở thành cuốn sách tranh khó nhất mà Thanh Vũ từng minh họa.

Với sự hạn chế trong việc thể hiện cảm xúc của nhân vật, họa sĩ Thanh Vũ tập trung vào các sự tương tác và cử chỉ giữa các nhân vật, để độc giả cảm nhận được sự quan tâm và tình cảm họ dành cho nhau. Do không có lời nói, chú dế được tạo ra như một đại diện cho âm thanh, kết nối mọi người với nhau.

Đi tìm ánh sáng do Room to Read kết hợp NXB Văn học ấn hành. Bạn đọc có thể thưởng thức cuốn sách đặc biệt này tại Thư viện Mây, qua link: https://literacycloud.org/stories/7488-seeking-the-light/

Vượt qua những khó khăn thử thách, hiện Nguyễn Thành Vinh đã hoàn thành chương trình Thạc sĩ Giáo dục Đặc biệt tại Đại học Exeter với học bổng Chevening danh giá.

Ngoài ra, anh còn đang là thành viên của tổ chức phi chính phủ VIP Companion, nơi hỗ trợ các bạn trẻ khiếm thị phát triển bản thân và hòa nhập cộng đồng.

Chính ý nghĩa đặc biệt này, nhóm thực hiện dự án dự định chuyển thể câu chuyện của Vinh sang phiên bản chữ nổi Braille để Đi tìm ánh sáng đến gần hơn với cộng đồng khiếm thị.

QUỲNH YÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/di-tim-anh-sang-cuon-sach-khong-loi-day-xuc-dong-ve-thac-si-khiem-thi-nguyen-thanh-vinh-post781058.html