Đi tìm bức tranh ''Bình hoa cúc và hoa anh túc''của Van gogh
Năm 2014, bức 'Bình hoa cúc và hoa anh túc' được bán tại nhà đấu giá Sothebys, đã trở thành bức tĩnh vật đắt giá nhất của danh họa Hà Lan Vincent Van Gogh. Kể từ đó, người ta chỉ nhìn thấy nó một vài lần, khiến các chuyên gia nghi ngờ tính minh bạch của thương vụ này.
Vẫn như xưa, không ai biết chủ nhân đích thực của bức tranh, tuy nhiên, có thể, một tỷ phú Trung Quốc bị kết án tù dài hạn vì tội lừa đảo và thuộc hạ của ông ta, có liên quan đến việc mua bức tranh này.
Vài tuần trước khi Van Gogh qua đời
Tháng 5/1890, Vincent Van Gogh đến thị trấn Auvers-sur-Oise, cách Paris 27km về phía Tây - Bắc. Tâm trạng họa sĩ vô cùng chán nản. Năm đó, ông phải điều trị ở bệnh viện tâm thần, sau khi tự cắt tai trái của mình trong một cơn quẫn trí, nhưng các bác sĩ không thể giúp được gì.
Tuy nhiên, ở Auvers-sur-Oise, đã xảy ra một sự kiện khiến Van Gogh trở nên khởi sắc trong một thời gian ngắn: ông gặp Paul-Ferdinand Gachet, bác sĩ và người sành sỏi hội họa ấn tượng. Trong bức thư gửi cho em gái Wilhelmina, họa sĩ thừa nhận rằng ở bác sĩ, ông tìm thấy "thậm chí không phải là một người bạn, mà là một người anh".
Gachet thuyết phục Van Gogh bỏ qua những cơn u sầu và tiếp tục làm việc. Trong hai tháng tiếp theo, họa sĩ ấn tượng đã vẽ khoảng 80 bức tranh, trong đó có bức chân dung bác sĩ, được coi là một trong những kiệt tác chính của ông. Bức tĩnh vật "Bình hoa cúc và hoa anh túc" cũng được vẽ trong thời kỳ này - theo các nhà viết tiểu sử, họa sĩ có thể đã tặng nó cho Gachet như một lời tri ân.
Sau khi Van Gogh qua đời năm 1890, bức tranh được bán cho một nhà sưu tập người Paris, và năm 1911, khi họa sĩ nổi tiếng, nó được nhà kinh doanh nghệ thuật Đức Paul Cassirer mua lại. "Bình hoa cúc và hoa anh túc" đã đổi chủ một vài lần, cho đến năm 1928, khi nó thuộc về doanh nhân kiêm nhà từ thiện Mỹ Anson Goodyear, một trong những người sáng lập Bảo tàng Nghệ thuật đương đại New York. Đầu những năm 1960, con trai ông, George, đã chuyển bức tĩnh vật cho Albrigh-Knox Art Gallery (Phòng trưng bày nghệ thuật Albright-Knox) ở thành phố Buffalo, New York, nơi nó được trưng bày gần 30 năm tiếp theo.
Vào những năm 1990, Goodyear-con quyết định bán "Bình hoa cúc và hoa anh túc" để tài trợ cho một bảo tàng mới. Ban đầu, ông hy vọng sẽ bán được từ 12 đến 16 triệu USD, nhưng khi không tìm thấy người mua, ông đồng ý hạ giá. Cuối năm 1990, bức tĩnh vật được một nhà sưu tập ẩn danh mua.
Số phận bức tranh sau cuộc đấu giá năm 2014
Gần 20 năm, người ta không biết gì về "Bình hoa cúc và hoa anh túc", cho đến tháng 11/2014, nó được đem bán tại nhà đấu giá Sothebys” ở New York. Nhà sản xuất phim Trung Quốc Vương Trung Quân đã mua bức tĩnh vật với số tiền rất lớn, gần 62 triệu USD. Không lâu trước cuộc đấu giá, Hãng phim “Hoa Nghị Huynh Đệ” của ông là một trong những hãng phim có uy tín nhất ở Trung Quốc, đã phát hành bộ phim “Cuồng nộ” về Thế chiến II do Brad Pitt thủ vai chính.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn được đăng trên trang web của nhà Sotheby's, Vương Trung Quân nói rằng "bức tranh đã làm rung động trái tim ông" ngay khi ông vừa nhìn thấy nó trong danh mục. Như vậy, "Bình hoa cúc và hoa anh túc" trở thành bức tĩnh vật đắt giá nhất của Van Gogh. Khác với hầu hết các nhà sưu tập, Vương Trung Quân không giấu tên mình và mua bức tranh công khai, sau đó vui vẻ trả lời phỏng vấn, và tự hào nói về việc mua bức tranh.
Một ngày sau khi mua bức tranh, Vương Trung Quân thừa nhận rằng ông mua "Bình hoa cúc và hoa anh túc" không phải một mình, nhưng không cho biết cụ thể. Sau này, ông cũng không bao giờ nhắc đến những người mua khác. Tháng 10 năm 2015, Vương Trung Quân giới thiệu bức tĩnh vật tại một triển lãm ở Hồng Kông, nhưng sau khi kết thúc, không ai nhìn thấy bức tranh nữa. Phóng viên tờ “The New York Times” xác nhận rằng, mặc dù nhà tỷ phú Trung Quốc thừa nhận rất mê trường phái ấn tượng và Van Gogh, nhưng thực ra "Bình hoa cúc và hoa anh túc" thuộc về một người khác.
Nghi vấn chủ sở hữu bức tranh bị bắt
Hồ sơ bán "Bình hoa cúc và hoa anh túc" không hề phạm luật, nhưng vẫn không thể gọi thương vụ này là bình thường. Nhà Sotheby's đã chuyển quyền sở hữu bức tranh cho nhân vật trung gian ở Thượng Hải, vốn không phải là người mua hoặc sưu tập các tác phẩm nghệ thuật. Theo “The New York Times”, người này đại diện cho Tiêu Kiến Hoa, tỷ phú mang quốc tịch Canada và Trung Quốc, sở hữu khối tài sản lên tới 6 tỷ USD. Trong số những tài sản này, có bức "Bình hoa cúc và hoa anh túc". Tuy nhiên, tại lễ bàn giao bức tranh, người nhận không phải là Tiêu Kiến Hoa hay nhân vật trung gian, mà là nhà sản xuất phim Vương Trung Quân.
Theo các phóng viên, tháng 11/2014, khi nhà sản xuất phim mua "Bình hoa cúc và hoa anh túc", Vương Trung Quân và Tiêu Kiến Hoa định mở một công ty đầu tư khác ở Seychelles (Đông Phi). Nhưng đến năm 2015, do thị trường chứng khoán Trung Quốc sụp đổ, tình hình tài chính của các đối tác xấu đi rõ rệt. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng nguyên nhân của cuộc khủng hoảng là sự thao túng của các doanh nhân quyền lực, nhiều người trong số họ đã biến mất và sau đó bị bắt.
Năm 2017, điều tương tự cũng xảy ra với Tiêu Kiến Hoa: vào một đêm, 6 người đàn ông đến nhà, bắt ông ta ngồi lên xe lăn, bịt mắt lại và đưa ra khỏi căn hộ ở Hồng Kông. Từ đó, nhà tỷ phú được giải đến Trung Quốc đại lục, nơi vào năm 2022, ông bị kết án 13 năm tù vì tội nhận hối lộ, gian lận tài chính và biển thủ số tiền hơn 20 tỷ USD. Theo các công tố viên, Tiêu Kiến Hoa phạm tội vào khoảng thời gian bức tranh của Van Gogh được bán tại nhà Sotheby's.
Sau khi người bảo trợ của mình bị bắt, một thời gian, Vương Trung Quân vẫn duy trì lối sống phóng túng quen thuộc. Chẳng hạn, năm 2017, Vương mở một bảo tàng tư nhân ở Bắc Kinh, nơi ông trưng bày bức "Bình hoa cúc và hoa anh túc" và bức "Người phụ nữ búi tóc trong chiếc ghế bành" của Picasso suốt mấy tháng trời. Nhưng ngay sau đó, những cáo buộc chống lại Tiêu Kiến Hoa đã dẫn đến sự sụp đổ của hãng phim “Hoa Nghị Huynh Đệ”. Vài năm sau, hãng phim thua lỗ nặng, còn Vương Trung Quân phải bán tài sản của mình để trả nợ. Năm 2022, ông bán bảo tàng của mình ở Bắc Kinh và biệt thự ở Beverly Hills, California.
Ai là chủ nhân chính thức của bức tĩnh vật?
Quá trình tìm kiếm bức tranh của Van Gogh đã dẫn các nhà báo đến gặp Lưu Hải Long, nhân vật trung gian sống ở Thượng Hải. Theo thông tin của nhà Sotheby's, ông ta chính là người năm 2014 trở thành chủ nhân chính thức của bức “Bình hoa cúc và hoa anh túc”. Nhưng trong cuộc trò chuyện với các phóng viên báo “The New York Times”, Lưu Hải Long nhiều lần tự nhận mình là họa sĩ, từ chối trả lời các câu hỏi tiếp theo và đóng sập cửa trước mũi các phóng viên. Không ai biết gì về tiểu sử của ông ta, ngoại trừ việc ông ta 46 tuổi và tình nhân của ông ta là Triệu Đình Đình, trước đây từng làm lãnh đạo trong công ty của tỷ phú thất sủng Tiêu Kiến Hoa.
Khi các phóng viên đề nghị làm rõ vấn đề, Triệu Đình Đình nói bà và Lưu Hải Long chỉ là "những nhân viên quèn không quyết định được điều gì và không biết gì hết". Tuy nhiên, Lưu Hải Long được coi là chủ sở hữu và giám đốc của hãng Islandwide Holdings Limited, nằm ở quần đảo Virgin thuộc Anh - hãng này chính thức trả tiền mua bức tĩnh vật của Van Gogh. Trong dân gian, những người như họ Lưu và họ Triệu được gọi là "chân gỗ" - tức những ông chủ giả được thuê để giấu những ông chủ thật. Ngoài Islandwide, Lưu Hải Long còn đứng tên bốn công ty offshore nằm trong đế chế của Tiêu Kiến Hoa trước khi ông ta bị bắt.
Cho đến nay, người ta vẫn không biết tung tích của bức "Bình hoa cúc và hoa anh túc", nhưng có tin đồn rằng bức tranh lại được rao bán. Theo các chuyên gia, một trong những người mua sẵn sàng trả khoảng 70 triệu USD cho bức tranh. Tuy nhiên, những lùm xùm đáng ngờ của thương vụ trước đây khiến nhiều người nghi ngại.