Đi tìm dấu tích tuyến đường sắt răng cưa lừng danh ở Đà Lạt
Cùng với tuyến đường sắt vẫn còn hoạt động ở Thụy Sĩ, tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt là hai tuyến đường sắt răng cưa độc đáo nhất thế giới.
Hành trình tìm lại vết tích tuyến đường răng cưa nói trên bắt đầu từ ga Đà Lạt, nhà ga cổ đẹp nhất Đông Dương, hạng mục duy nhất của tuyến đường sắt được bảo tồn nguyên vẹn. Từ ga này, du khách lên tàu điện vượt qua đoạn đường sắt vào loại ngắn nhất thế giới (7 km) để đến ga Trại Mát (Phường 11, Đà Lạt). Từ ga Trại Mát, du khách đi xe máy, hoặc đi bộ xuyên rừng để tìm những dấu tích còn lại của tuyến đường sắt.
Đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt dài 84 km được xây dựng từ năm 1908- 1932. Đến năm 1976, ngành đường sắt cho tháo dỡ các thanh ray và tà vẹt để sử dụng vào việc sửa chữa tuyến đường sắt Bắc-Nam. Hiện toàn tuyến chỉ còn sót lại 7 km để phục vụ khách tham quan nhưng phải sử dụng đầu máy điện để chạy, vì toàn bộ các đầu máy hơi nước cổ đã được phía Thụy Sĩ mua lại (năm 1990).
Sau hơn 4 thập niên, 8 trong số 9 nhà ga dọc đường còn là những bộ khung bê tông cốt thép.
Tuyến đường sắt này từng có tới 5 hầm xuyên núi với tổng chiều dài cả ngàn mét và 46 cây cầu với hàng trăm cột đá vươn thẳng để gác đường ray, đưa tàu vượt núi cao, vực sâu từ đồng bằng ven biển lên Đà Lạt với độ cao 1.500m.
Muốn vượt độ cao “trên mây” đó, tàu không thể chạy trên đoạn ray trơn thông thường mà phải chạy trên đường sắt được thiết kế đặc biệt với 3 đường ray song song, trong đó đường ray ở giữa có răng cưa. Đầu máy xe lửa cũng phải gắn thêm bánh răng.
Khi tàu chạy đến gần đoạn răng cưa, lái tàu giảm tốc độ, khởi động giàn bánh răng ở đầu tàu, cho móc vào đường ray răng cưa rồi khóa hệ thống bánh răng. Bánh răng của đầu máy bám chặt vào răng cưa đường ray để tàu leo dốc và xuống dốc.
Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã lập các dự án khôi phục nguyên trạng tuyến đường sắt lịch sử này với số vốn từ 5.000 - 10.000 tỷ đồng.