Đi tìm đồng đội - Hành trình tri ân. Bài 2: Những việc làm thầm lặng nghĩa tình
Nói đến thành tích chung của Đội 584 không thể không nhắc đến sự đóng góp của rất nhiều người dân, mà những người chúng tôi gặp dưới đây chỉ là đại diện. Hàng chục năm nay, những người này đã phối hợp với Đội 584 trong việc cung cấp thông tin, tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ. Nếu như trong chiến tranh, tình quân - dân tạo nên sức mạnh để chiến thắng kẻ thù thì nay, trong hòa bình, mối quan hệ này vẫn tiếp tục được phát huy.
* Đi tìm đồng đội - Hành trình tri ân. Bài 1: Mệnh lệnh từ trái tim
Cơ duyên dẫn lối
Những ngày này, ông Hồ Văn Phúc (sinh năm 1966) ở thôn An Nha, xã Gio An, huyện Gio Linh cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi nhận được Bằng khen của Bộ Quốc phòng vì có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Là một cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang, với ông công việc này còn là trách nhiệm với những đồng đội đã hy sinh.
Tháng 3/2014, Đội 584 về địa bàn thôn An Nha để triển khai công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Lúc đó, ông Phúc là trưởng thôn đã phối hợp giúp đỡ đơn vị khảo sát, nắm bắt thông tin các khu vực trên địa bàn thôn trong thời kỳ chiến tranh có chôn cất liệt sĩ, tìm hiểu nhân chứng xác minh thông tin, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đội thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ đạt kết quả cao.
Nhưng cơ duyên khiến ông gắn bó với công việc tìm kiếm mộ liệt sĩ lại đến từ trước đó, vào năm 1989, khi ông lặn lội ra Vị Xuyên, Hà Giang để tìm mộ đồng đội. Đó là người con của làng An Nha cùng nhập ngũ với ông một ngày, cùng tham gia chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên vào năm 1984. Tháng 2 năm đó lên đường ra mặt trận thì tháng 7 người này hy sinh. Dẫu biết ra chiến trường là đối mặt với mất mát, hy sinh nhưng khi nghe tin dữ, ông bàng hoàng đau xót.
Ngay trong đêm, ông xin đơn vị về cao điểm 610, bản Khối Mạn, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên, để biết chính xác địa điểm chôn cất đồng đội và tự hứa với lòng mình bằng mọi giá sẽ đưa đồng đội trở về quê hương. Bằng quan sát và ghi lại trong trí nhớ khi chiến sự vẫn diễn ra ác liệt nhưng may mắn là 3 năm sau, ông cùng gia đình liệt sĩ đã trở lại chiến trường và đón được đồng đội về quê. Từ đây, câu chuyện về tìm kiếm hài cốt liệt sĩ luôn là nỗi trăn trở trong lòng cựu chiến binh này.
Còn đối với ông Ngô Gia Truyền (sinh năm 1967), xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, cơ duyên đó bắt đầu từ việc đi tìm mộ của ba mình. Ba ông là liệt sĩ, hy sinh vào năm 1972. Vì không có thông tin chính xác nên suốt từ năm 1972 - 1986, gia đình đã nhiều lần đi tìm hài cốt nhưng không thấy. Năm 1986, ông có việc về xã Hải Ba, huyện Hải Lăng. Giữa trưa nắng, ông vào nhà người dân để xin nước uống.
Bên chén nước, giữa khách và chủ nhà dẫn dắt từ câu chuyện này sang câu chuyện khác cho đến khi ông biết được một thông tin rất quan trọng: chủ nhà chính là đồng đội của ba mình và chính tay người này đã chôn cất ba ông. Lần gặp gỡ tình cờ đó đã kết thúc cuộc tìm kiếm bấy lâu của gia đình nhưng cũng từ đây mở ra nhiều cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ khác mà ông Truyền tham gia. Ông chia sẻ rằng: "Việc nhiều người lao tâm, khổ tứ đi tìm mộ liệt sĩ đều được giải thích bởi cơ duyên, được chỉ đường, dẫn lối bằng hai chữ nghĩa - tình”.
Để việc nghĩa được trôi tròn
Từ năm 1982 đến nay, ông Phúc đã cung cấp thông tin cho Đội 584 để tìm kiếm và cất bốc được 33 hài cốt liệt sĩ đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Gio Linh.
Để cung cấp cho Đội 584 những thông tin chính xác nhằm giảm bớt thời gian, công sức và chi phí tìm kiếm, ông Phúc phải tìm hiểu thông tin từ người dân. Do đó, công tác vận động luôn được ông đặt lên hàng đầu. Thông qua nhiều cuộc họp thôn, ông đã giải thích cho bà con biết về chủ trương và ý nghĩa nhân văn của công việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ do Đảng, Nhà nước đề ra, cũng là trách nhiệm của mỗi một người dân.
Ông Phúc chia sẻ: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Gio An là chiến trường ác liệt phía Nam vĩ tuyến 17, biết bao người con ưu tú của cả nước đã nằm lại trên mảnh đất này. Hòa bình lập lại, người dân sơ tán trở về địa phương làm ăn sinh sống, thành lập nông trường cao su, trồng rừng, do vậy địa hình có nhiều thay đổi. Bên cạnh đó, do không có sơ đồ mộ chí, những người trực tiếp mai táng, chôn cất liệt sĩ nay đã già yếu hoặc đã mất… nên việc xác minh, tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ hết sức khó khăn.
Nhiều người dân vì không muốn hư hại hoa màu, cây cối nên khẳng định trên phần đất của gia đình họ không có hài cốt; có người đặt câu hỏi sau 3 năm kể từ khi tìm kiếm trên đất gia đình họ, nếu cây cối chết có được đền bù không; hoặc có người đồng ý nhưng chỉ cho đào bằng cuốc và chỉ đào xuống khoảng 60 cm…
Rất nhiều tình huống đặt ra khiến ông Phúc phải khéo léo vận động người dân để việc nghĩa được trôi tròn. Khi đã hiểu ra thì họ phối hợp rất nhiệt tình, như trường hợp bà Hoàng Thị Liễu (năm nay hơn 70 tuổi). Cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên diện tích đất vườn của gia đình bà kéo dài trong vòng 3 - 4 năm trời, tìm được 10 - 12 ngôi mộ. Càng mở rộng tìm kiếm thì càng thiệt hại đối với cây cối trong vườn nhưng bà vẫn chấp nhận.
Kể từ khi gắn bó với công việc này, ông Truyền có thói quen ghi chép các thông tin liên quan đến việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ vào sổ. Lật cuốn sổ tay để trên mặt bàn, ông chỉ cho chúng tôi về những thông tin được ghi chép, đánh dấu trong đó. “Đây là danh sách các liệt sĩ đã được tìm thấy; đây là danh sách đăng ký tìm liệt sĩ và cả sơ đồ mộ chí được vẽ bằng tay do các cựu chiến binh cung cấp”, ông chia sẻ.
Việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ trên địa bàn xã Hải Lệ được tiến hành từ sau ngày quê hương giải phóng. Tuy nhiên thời điểm đó, do số lượng hài cốt quá nhiều nên chỉ quy tập tập trung. Lúc đó, bom đạn còn sót lại trong lòng đất rất nhiều nên người đi tìm mộ phải đối mặt với nhiều hiểm nguy. Dẫu vậy, khi bắt tay vào công việc này, ông không hề sợ hãi. Trong hàng trăm câu chuyện tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, mỗi câu chuyện đều đọng lại trong ông những cảm xúc khó quên.
Ông kể cho chúng tôi một trong những câu chuyện đó: “Em trai của một liệt sĩ là đại tá công an từ ngoài Bắc vào nhờ tôi tìm mộ anh trai mình hy sinh ở khu vực động Ông Do (xã Hải Lệ). Theo lời kể của người đồng đội (cũng là cháu thúc bá) đi cùng thì liệt sĩ hy sinh vì bị phục kích khi đến gần khu vực Trạm xá 75. Đồng đội chôn ông dưới một gốc cây to, cạnh giao thông hào vào năm 1972. Chuyến tìm kiếm lần đó, cả đoàn dựng lán trong rừng, tìm xung quanh khu vực được xác định chôn mộ liệt sĩ những ròng rã 3 tuần vẫn chưa có kết quả. Điều đó khiến người em trai rất buồn.
Một đêm, trời mưa rất to, ông không ngủ được nên gọi tôi ngồi dậy trò chuyện. Được một lúc, cả hai chúng tôi thấy một bóng người vụt chạy ra ngoài, điểm lại người trong lán thì thấy thiếu người cháu thúc bá, cũng chính là người đã chôn cất liệt sĩ. Chúng tôi đốt đuốc đi tìm cho đến 5 giờ sáng thì thấy ông chui vào một lùm cây. Cả đoàn đưa ông về lán chăm sóc, đồng thời đánh dấu vị trí này. Thật không tin nổi là sau khi khoanh vùng tìm kiếm thì phát hiện ra đó chính là nơi chôn cất liệt sĩ, hài cốt vẫn nằm trong tăng và có di vật kèm theo”...
Đến nay, ông Truyền đã phối hợp cung cấp thông tin, tìm kiếm và quy tập khoảng 700 - 800 ngôi mộ liệt sĩ. Với những vị trí xác định đúng số liệt sĩ hy sinh nhưng chưa tìm kiếm hết, ông đều báo cho Đội 584 để tiếp tục tìm kiếm.
"Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình"*
Đã hơn 30 năm gắn bó với công việc tìm hài cốt liệt sĩ nhưng anh - người con của vùng đất Hải Lăng - một trong những nhân vật chính của bài viết này lại không muốn xuất hiện trên báo, cũng không muốn cho biết số mộ liệt sĩ mà mình đã cung cấp thông tin và tìm kiếm (hoặc phối hợp tìm kiếm), quy tập. Bởi theo anh “việc làm và con số đó quá nhỏ so với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ trên mảnh đất Quảng Trị”. Nhưng chúng tôi vẫn muốn chia sẻ câu chuyện của anh, để mọi người hiểu hơn về hành trình thầm lặng mà thấm đẫm nghĩa tình này.
Từ những dòng tin ngắn về thông tin liệt sĩ được tìm thấy ở địa phương do anh gửi đăng báo vào những năm 80, nhiều gia đình liệt sĩ khắp mọi miền đất nước đã kết nối với anh. Nhưng phải đến năm 1990 anh mới bắt đầu đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.
Anh tâm sự: “Câu chuyện về những cựu chiến binh đi tìm đồng đội từ năm này sang năm khác với một khát vọng cháy bỏng là đón cho được đồng đội mình về đoàn tụ với gia đình, với quê hương khiến tôi rất khâm phục. Thêm vào đó, bài học về lòng nhân hậu của người cha luôn nhắc nhủ tôi phải sống thật tử tế, phải biết tri ân những người ngã xuống vì độc lập của Tổ quốc”.
Vốn là một cán bộ nhà nước, thời còn trẻ, cứ vào ngày nghỉ, anh lại xách ba lô rong ruổi trong những cánh rừng để tìm mộ liệt sĩ. Có những chuyến băng rừng, lội suối đến tận núi Đá Bàn (thuộc huyện Đakrông) để tìm kiếm. Từ xã Ba Lòng lên đến Đá Bàn phải đi bộ qua 9 ngọn núi, vô số đèo cao, suối sâu, trên lưng phải gùi theo lương thực và nước uống nên vất vả vô cùng.
Để các cuộc tìm kiếm đạt kết quả, anh nghiên cứu rất kỹ lịch sử địa phương và hồ sơ tư liệu của các sư đoàn từng tham gia các chiến dịch lớn tại Quảng Trị. Tuy nhiên, quan trọng nhất, theo anh vẫn phải dựa vào ký ức của đồng đội. Nhờ sự kết nối của anh, nhiều gia đình liệt sĩ đã tìm được mộ người thân của mình, như trường hợp gia đình liệt sĩ Tiên Anh Tần (hy sinh năm 1972).
Người em ruột của liệt sĩ là Tiên Văn Tô ở Kinh Môn, Hải Dương luôn đau đáu với việc tìm hài cốt của anh trai mình. Mỗi năm gia đình nuôi mấy lứa lợn bán dành tiền làm kinh phí để đi tìm mộ anh trai, cho dù cuộc tìm kiếm này nhiều năm không có kết quả. Khi kết nối với anh, dựa vào thông tin do gia đình cung cấp về địa điểm hy sinh của liệt sĩ ở điểm cao 12.7 (xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị), anh nghi ngờ có sự nhầm lẫn với đồi 12 ly 7 hoặc điểm cao 127 m. Để chính xác hơn, anh kết nối gia đình liên lạc với người đồng đội của liệt sĩ tên là Lê Xuân Nhâm ở Nghệ An.
Người này lập tức vào Quảng Trị, cung cấp nhiều thông tin quan trọng như: Thời điểm liệt sĩ Tần hy sinh là khi cùng đồng đội gồm 13 người giữ chốt (ở độ cao hơn 100 m) và có chòi dã chiến để theo dõi các điểm địch tấn công. Trong trận đánh đó, đơn vị chia thành 2 tổ. Tổ của liệt sĩ Tần gồm 6 người chốt giữ ở chân cao điểm 127 để bảo vệ tuyến trên, sau đó hy sinh 3 người, trong đó có liệt sĩ Tần. Từ lời kể của đồng đội, kết hợp khai thác thông tin người dân địa phương, lực lượng tìm kiếm đã phát hiện được 3 ngôi mộ, trong đó có mộ của liệt sĩ Tiên Anh Tần.
Đến nay, sức khỏe không cho phép anh “băng rừng lội suối” với những chuyến đi xa để tìm mộ liệt sĩ như trước đây nhưng anh vẫn gắn bó và trân quý công việc nghĩa tình này. Bởi anh, cũng như ông Phúc, ông Truyền vẫn luôn tâm niệm rằng: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”…
Phan Hoài Hương - Lâm Thanh
(*) Thơ Tố Hữu