Đi tìm động lực tăng trưởng cho cổ phiếu ngân hàng 2024
Tăng trưởng tín dụng phục hồi và biên lãi thuần cải thiện,... là những yếu tố được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng trong năm 2024.
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023 trải qua nhiều biến động và chịu áp lực lớn từ diễn biến bất lợi của thế giới. Trong nửa đầu năm, sự suy giảm tăng trưởng của các nền kinh tế lớn, “bóng ma” lạm phát và căng thẳng địa chính trị phức tạp khiến thị trường trầm lắng, thì từ quý III cho đến nay đã chứng kiến những sự phục hồi nhất định.
Đóng góp cho đó không thể không kể tới các cổ phiếu ngân hàng, nhóm ngành chiếm tới ¼ vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam. Sắc xanh quay trở lại với nhóm cổ phiếu “vua” sau một năm giao dịch ảm đạm trước đó, với 20/27 mã tăng giá, 7 mã giảm và chỉ có 3 trong 7 mã này có mức giảm 2 chữ số.
Cổ phiếu NAB của Nam A Bank là tâm điểm của sự chú ý trong năm vừa qua, khi đạt mức tăng hơn 130%, kết thúc năm với mức giá 15.300 đồng/cp. Đà tăng của cổ phiếu này một phần đến từ việc được HOSE chấp thuận niêm yết trong năm nay.
Xếp sau đó là cổ phiếu PGB với mức tăng 61,9%, đạt 26.200 đồng/cp. Cổ phiếu của PGBank cũng có câu chuyện của riêng mình. Trong năm nay, Petrolimex đã hoàn tất chuyển nhượng tổng cộng khoảng 40% cổ phần tại PGBank, cùng với đó, hàng loạt lãnh đạo cấp cao được thay thế, đổi mới tên ngân hàng.
Xét riêng những cổ phiếu đã được niêm yết trên HOSE hiện tại, LPB là mã có mức tăng tốt nhất với mức giá đóng cửa năm là 15.750 đồng/cp, cao hơn 55% so với một năm trước. Cổ phiếu HDB của HDBank cũng có những diễn biến tích cực khi tăng gần gấp rưỡi sau một năm.
Ngoài ra, nhiều cổ phiếu của các ngân hàng lớn đạt mức tăng từ 10 - 30% trong năm vừa qua, bao gồm cổ phiếu của cả 3 ngân hàng quốc doanh BID, VCB và CTG.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu giảm giá trong năm qua chủ yếu tập trung ở các ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ. Trong đó, cổ phiếu NVB của Ngân hàng NCB giảm mạnh nhất năm qua, khi giá trị mất gần một nửa (-46,2%), xuống còn 10.500 đồng/cp. Giá cổ phiếu NCB phần nào phản ánh tình hình trên báo cáo tài chính năm nay.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế NCB giảm 47 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do thu nhập lãi thuần trong quý III chỉ ghi nhận lãi 7 tỷ đồng. Ba quý đầu năm ngoái ngân hàng này cũng lỗ trước thuế gần 180 tỷ đồng, trước khi ghi nhận lãi 8 tỷ cho cả năm 2022.
Ngoài NVB, chỉ có 2 mã SSB và VAB có mức giảm 2 con số trong năm 2023. Các mã còn lại gồm BAB, KLB, SGB, EIB giảm dưới 7%.
Triển vọng cổ phiếu ngân hàng năm 2024
Theo nhận định của giới phân tích, lợi nhuận ngân hàng được kỳ vọng khả quan hơn trong năm 2024 nhờ các yếu tố tăng trưởng tín dụng phục hồi và biên lãi thuần (NIM) cải thiện.
Về tăng trưởng tín dụng, bộ phận phân tích của nhiều công ty chứng khoán dự báo con số của năm 2024 đạt 12-14%. Ước tính này là có cơ sở khi công tác điều hành, thúc đẩy tín dụng đang được các nhà chức trách quan tâm, phản ảnh qua tốc độ tăng trưởng trong những tháng cuối năm nay.
Cùng với đó, với chủ trương gỡ khó, linh hoạt đối với cho vay bất động sản cũng sẽ là động lực cho tăng trưởng tín dụng ngân hàng chung cho năm 2024.
Trong báo cáo mới đây, nhóm phân tích của Chứng khoán MB kỳ vọng NIM trong năm 2024 của hầu hết các ngân hàng sẽ tăng nhẹ so với năm 2023. Theo các chuyên gia, mức lãi suất huy động toàn hệ thống hiện nay đang thấp hơn so với đáy trong giai đoạn COVID-19 sẽ giúp giảm đáng kể chi phí vốn của các nhà băng trong thời gian tới. Qua đó, giúp lợi nhuận sau thuế của hầu hết các ngân hàng lạc quan trong năm 2024, dự báo tăng trưởng ở mức 25,1%.
Đồng quan điểm, Chứng khoán VPBank dự báo NIM của các ngân hàng sẽ phục hồi trở lại mức 3,8% trong năm 2024 sau khi đã đi lùi trong cả ba quý của năm 2023.
Dù vậy, giới chuyên môn và bản thân các ngân hàng đều tỏ ra lo lắng về tình hình nợ xấu có thể trở thành gánh nặng cho các nhà băng trong năm tới.
Cũng trong báo cáo về triển vọng ngành, các chuyên gia Chứng khoán VPBank nhấn mạnh triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết phụ thuộc rất lớn vào việc kiểm soát chất lượng tài sản.
Nhóm phân tích dự kiến tình hình kinh tế vĩ mô bắt đầu có điểm sáng rõ ràng hơn vào quý cuối năm 2023, nợ xấu toàn ngành trong quý IV sẽ tương đương quý III và có sự cải thiện nhẹ từ nửa đầu năm 2024. Với sự hỗ trợ chính sách từ Thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và chưa chuyển nhóm nợ, áp lực lên nợ xấu được hoãn đến hết nửa đầu 2024.
Tuy nhiên, trong kịch bản Thông tư 02 không được gia hạn, nợ xấu toàn ngành được dự báo sẽ tăng nhanh khi nợ tái cơ cấu tới thời hạn trả. Nhóm phân tích Chứng khoán Vietcombank (VCBS) kỳ vọng tỷ lệ nợ tái cơ cấu sẽ giảm kể từ quý II/2024, tuy nhiên có sự phân hóa.
“Nhóm ngân hàng chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu và nợ tái cơ cấu kiểm soát ở mức vừa phải. Còn nhóm ngân hàng có tỷ trọng tín dụng doanh nghiệp cao và có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro nợ xấu và áp lực trích lập tăng cao trong năm 2024 – 2025”, VCBS nhận định trong báo cáo mới đây.
Về giá cổ phiếu ngân hàng, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng sau khi một số nút thắt liên quan đến bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp được gỡ rối, giá cổ phiếu ngân hàng đã bật tăng trở lại mức bình quân 10 năm. Tuy nhiên, sự giảm tốc trong bức tranh kinh doanh năm 2023 đã làm giá cổ phiếu ngân hàng trở lại mức thấp hơn 1 độ lệch chuẩn.
“Do đó mặc dù khó khăn phía trước vẫn còn hiện hữu, chúng tôi nhận định đây là mức định giá hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn tích lũy một vài cổ phiếu ngân hàng có chất lượng tài sản ở mức tốt để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn nhằm đón đầu sự hồi phục”, VDSC khuyến nghị.
Chung ý kiến, VCBS đánh giá triển vọng đầu tư cổ phiếu ngành ngân hàng đang ở mức phù hợp thị trường. Cụ thể, định giá P/B toàn ngành hiện thấp hơn khoảng 15% so với mức trung bình 5 năm. Do đó, nhóm cổ phiếu có thể xem xét đầu tư trong dài hạn là các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và duy trì tốc độ tăng trưởng vượt trội so với ngành.