Đi tìm giá trị 'lõi' cho nông nghiệp đô thị TP Hà Tĩnh (bài 2): 'Bẻ lái' tư duy, phát triển nông nghiệp đô thị bền vững
Đi tìm giá trị 'lõi' cho nông nghiệp đô thị TP Hà Tĩnh (bài 2): 'Bẻ lái' tư duy, phát triển nông nghiệp đô thị bền vững
Video: Khu quy hoạch nuôi tôm VietGAP tại vùng Đồng Ghè, xã Thạch Hạ. Thực hiện: Thành Nam
Cách đây 2 năm, anh Đặng Đình Thái (thôn Quyết Tiến, xã Đồng Môn) đầu tư xây dựng 400 m2 nhà màng để trồng dưa lưới theo hướng khép kín, sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Chỉ sau 2,5 tháng, mô hình cho thu hoạch khoảng 2 tấn dưa (1.300 gốc), thu về khoảng 50 - 60 triệu đồng/vụ. Nhận định được hướng đi cho mình, anh đã đầu tư thêm nhà màng thứ hai, đưa tổng diện tích sản xuất dưa lưới của gia đình lên đến 800 m2, trồng gối thời vụ.
Mô hình trồng dưa trong nhà lưới của anh Đặng Đình Thái, thôn Quyết Tiến, xã Đồng Môn đầu tư hướng khép kín, sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Isreal.
Theo tính toán, khoảng 1 tháng nữa, anh sẽ tiếp tục thu hoạch lứa dưa mới. “Đây là loại giống dưa khó trồng, đầu tư nhiều và mất công chăm sóc, tuy nhiên, với cách làm bài bản và tuân thủ quy trình kỹ thuật thì mô hình cho năng suất ổn định, đồng nhất cả về chất lượng và hình thức, qua đó sản phẩm có thể tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Tôi đang tiếp tục tìm hiểu các công nghệ chăm sóc mới để nâng cao chất lượng, đảm bảo sự đồng nhất của sản phẩm và có thể tăng 3 vụ/năm” - anh Đặng Đình Thái cho biết.
Toàn thành phố đã có hơn 14.000 m2 nhà lưới với 37 hộ tham gia, tập trung nhiều nhất ở các xã Đồng Môn, Thạch Hạ, các phường Thạch Linh, Hà Huy Tập, Văn Yên…
Trong điều kiện quỹ đất ngày càng hạn hẹp thì mô hình sản xuất trong nhà màng là lựa chọn của nhiều nông dân đô thị. Hiện nay, toàn thành phố đã có hơn 14.000 m2 nhà màng với 37 hộ tham gia, tập trung nhiều nhất ở các xã, phường: Đồng Môn, Thạch Hạ, Thạch Linh, Hà Huy Tập, Văn Yên… Bình quân, bà con có thể sản xuất 3 - 4 vụ/năm, tùy vào đối tượng cây trồng. Quan trọng hơn, quy trình sản xuất khép kín, không bị tác động của thời tiết, môi trường và sâu bệnh giúp người dân ứng dụng tốt các công nghệ phát triển theo hướng VietGAP, sản xuất hữu cơ để gia tăng hiệu quả kinh tế và xu thế của thị trường đô thị về sản phẩm sạch, an toàn.
Đầu năm 2021, lần đầu tiên mô hình nuôi hàu sữa Thái Bình Dương được thí điểm ở xã Thạch Hạ.
Trong năm 2020, TP Hà Tĩnh thực hiện thí điểm hàng loạt các mô hình sản xuất mới, lần đầu tiên có mặt trên địa bàn như: nuôi hàu sữa Thái Bình Dương thương phẩm trên lồng bè (xã Thạch Hạ); nuôi ong lấy mật ven rừng ngập mặn, nuôi trai lấy ngọc (xã Đồng Môn); sản xuất rau, quả tập trung ở xã Thạch Trung; trồng hoa sen, hoa súng ở các xã Đồng Môn, Thạch Hưng, phường Thạch Linh… Đây được xem là “bước chuyển” của nông nghiệp đô thị TP Hà Tĩnh, không chỉ mở ra hướng sản xuất mới mà còn đưa người dân đến gần hơn với tiến bộ KHKT, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Ông Lê Ngọc Khôi (thôn Liên Hà, xã Thạch Hạ) cho biết: “Hàu là loài quen thuộc với người dân sông nước nhưng đây là lần đầu tiên tôi nuôi hàu Thái Bình Dương trong lồng bè. Từ lúc thả giống đến bây giờ, chúng tôi được cán bộ Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi thành phố hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc, hàu phát triển tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên, độ mặn của nước. Tôi đang thả nuôi thí điểm 160 m2, nếu tháng 6, tháng 7 tới cho thu hoạch tốt thì sẽ mở rộng bè nuôi”.
Mô hình thí điểm nuôi ong lấy mật ở xã Đồng Môn bắt đầu cho “quả ngọt”.
Trong khi đó, các mô hình nuôi trai lấy ngọc, nuôi ong lấy mật ven rừng ngập mặn hay nuôi gà thảo dược… đã cho những “quả ngọt” đầu tiên; mô hình trồng hoa sen, hoa súng tiếp tục khảo sát, mở rộng để tận dụng các diện tích mặt nước tự nhiên. Giá trị của các mô hình công nghệ cao này ngoài mục tiêu gia tăng hiệu suất đầu tư nông nghiệp thì còn tạo ra sức hấp dẫn, kích thích nhu cầu khám phá của khách du lịch đối với những sản vật đặc trưng, riêng biệt của nông nghiệp đô thị TP Hà Tĩnh. Đây sẽ là điểm gặp nhau của kinh tế nông nghiệp - du lịch sinh thái.
Ông Phan Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Hưng cho hay: “Hiện, chúng tôi đang cải tạo, trồng thí điểm 2,5 ha sen để tạo cảnh quan, môi trường, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp. Nếu phù hợp, chúng tôi sẽ chuyển đổi 14 ha mặt nước ngọt sang trồng sen, tạo thành vành đai tự nhiên kết nối với nội đô bằng dịch vụ du lịch sinh thái hấp dẫn”.
Thời điểm này, khu nuôi tôm VietGAP tại vùng Đồng Ghè, xã Thạch Hạ đã cơ bản hoàn chỉnh hạ tầng. Tuyến giao thông nối thẳng từ đường Quang Trung vào khu vực nuôi trồng, hệ thống ao hồ được đầu tư đồng bộ, đảm bảo mật độ, sự phân bố theo quy định. Phía ngoài là vùng quy hoạch các nhà hàng hải sản, tạo tính kết nối, tập trung và chuyên nghiệp. Hiện nay, nhiều khu vực tiếp tục được trồng mới cây xanh, tạo nên “hình hài” của vùng quy hoạch khu ẩm thực sinh thái 90 ha này.
Khu quy hoạch nuôi tôm VietGap, an toàn dịch bệnh tại vùng Đồng Ghè, xã Thạch Hạ được đầu tư hoàn chỉnh, bài bản tạo điều kiện cho bà con nuôi trồng theo hướng công nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Ảnh: Thành Nam
Vùng quy hoạch khu ẩm thực sinh thái Đồng Ghè tiếp tục được đầu tư, nâng cấp xứng tầm là trung tâm của nông nghiệp đô thị TP Hà Tĩnh.
Ông Nguyễn Sông Hàn - Chủ tịch UBND xã Thạch Hạ cho biết: “Xã đã hoàn thành quy hoạch 3 vùng sinh thái, bao gồm: khu ẩm thực sinh thái Đồng Ghè; khu vui chơi giải trí sinh thái với kết cấu đa dạng sinh học và khu dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp ở thôn Liên Hà. Sự đầu tư bài bản ngay từ đầu giúp địa phương thu hút được nguồn lực “tại chỗ” dồi dào của hơn 430 hộ kinh doanh, doanh nghiệp, HTX nuôi trồng, kinh doanh thủy hải sản trên địa bàn để hoàn chỉnh hạ tầng nuôi trồng, xây dựng đường giao thông, chuỗi nhà hàng ẩm thực, trồng cây xanh. Đây là cơ sở để địa phương thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp đô thị, xây dựng các tour, tuyến du lịch sinh thái gắn với phát triển thương mại - dịch vụ vùng ven thành phố”.
TP Hà Tĩnh ưu tiên phát triển nguồn lợi thủy sản, nhằm giữ gìn hệ sinh thái nông nghiệp phong phú, phát triển cân bằng với tự nhiên.
Cùng với xã Thạch Hạ, 4 xã trọng điểm nông nghiệp còn lại của TP Hà Tĩnh là Thạch Hưng, Thạch Bình, Thạch Trung và Đồng Môn cũng đã lựa chọn hướng đi phù hợp để “nâng tầm” nông sản.
Vào cuối năm 2020, HĐND thành phố Hà Tĩnh quyết định tiếp tục kéo dài 2 nghị quyết: số 42/NQ-HĐND ngày 27/12/2018 và số 62/NQ-HĐND ngày 20/12/2019 của HĐND thành phố về thực hiện một số cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Đây được xem là nguồn lực quan trọng giúp các địa phương xây dựng nền tảng, “mở đường” mời gọi nhà đầu tư.
Vùng nuôi trồng thủy sản công nghệ cao rộng 36 ha của Công ty TNHH Vạn An Hà Tĩnh (thôn Tân Học, xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) được đầu tư theo hướng an toàn, hữu cơ. Ảnh: Thành Nam
Bí thư Thành ủy Dương Tất Thắng chia sẻ: “Năm 2021, TP Hà Tĩnh coi phát triển nông nghiệp đô thị theo chuỗi liên kết gắn với khai thác dịch vụ sinh thái ven thành phố là nhiệm vụ trọng tâm. Đó không chỉ là kế hoạch của một năm mà là mở đầu cho cả chiến lược lớn, tạo ra kết nối những trục phát triển đô thị mới, gắn với quy hoạch tổng thể của TP Hà Tĩnh về phía Đông và phía Tây, từng bước xây dựng mục tiêu trở thành một trong những trung tâm của Bắc Trung Bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó, ưu tiên chính là tập trung quy hoạch các vùng sản xuất, lựa chọn sản phẩm có lợi thế, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị, thu hút doanh nghiệp, tích tụ ruộng đất… nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, thân thiện với môi trường sinh thái”.
Theo Bí thư Thành ủy, đầu tư cho nông nghiệp đô thị không phải là câu chuyện đầu tư dàn trải mà phải lựa chọn đúng trọng điểm cho từng giai đoạn để dồn nguồn lực, phát triển một cách quy mô, bền vững. Điều này không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn phát triển vành đai xanh, tạo thế cân bằng sinh thái cho đô thị. Đối với TP Hà Tĩnh, lợi thế nhất vẫn là nuôi thủy sản nước mặn, lợ và trồng rau, củ, quả công nghệ cao. Bên cạnh đó thì áp dụng phương pháp “len lỏi”, tận dụng hết quỹ đất để xây dựng các mô hình sản xuất nhỏ, phù hợp với thị trường để đáp ứng nguồn thực phẩm tại chỗ và thêm không gian xanh cho thành phố.
Tới đây, TP Hà Tĩnh sẽ rà soát, bổ sung lại quy hoạch tổng thể KT-XH và xây dựng quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất, vừa đảm bảo cái riêng và liên kết vùng. TP Hà Tĩnh sẽ có vùng sản xuất hàng hóa (rau, củ, quả), vùng đặc thù (hoa, cây cảnh), các làng nghề… với hạ tầng đồng bộ, hiện đại giúp nông nghiệp đô thị “cất cánh”.
Bài: Nguyễn Oanh
Ảnh, video: Nguyễn Oanh - Thành Nam
thiết kế: huy tùng