Đi tìm liệu pháp điều trị giảm nhẹ hội chứng COVID kéo dài
Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng vaccine ngừa COVID-19 có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng của COVID kéo dài (long COVID). Hiện các nhà khoa học cũng đang nỗ lực tìm hiểu xem các biện pháp điều trị COVID-19 hiện nay như thuốc kháng virus, thuốc chống viêm, kháng đông... có góp phần giảm nhẹ tình trạng này hay không?
COVID kéo dài - còn gọi là di chứng hậu COVID-19 - thường được định nghĩa là các triệu chứng bệnh kéo dài hơn 3 tháng.
Đại dịch COVID-19 đã làm đình trệ lịch các ca mổ vốn luôn kín mít của bác sĩ phẫu thuật, chuyên gia về miễn dịch học tiết niệu và lâm sàng Kari Tikkinen. Tuy nhiên, cũng nhờ vậy, nhà khoa học làm việc tại trường Đại học Helsinki (Phần Lan) có nhiều thời gian hơn để thử nghiệm lâm sàng các liệu pháp điều trị COVID-19.
Ngay từ khi đại dịch bùng phát, ở thời điểm thế giới còn chưa mảy may biết tới hội chứng COVID kéo dài, ông Tikkinen đã nhận thấy cần phải theo dõi bệnh nhân mắc COVID-19 nhiều tháng sau khi họ đã khỏi bệnh để xem xét tác dụng phụ lâu dài của thuốc. Hiện ông cùng nhiều nhà khoa học khác đang hy vọng có thể hiểu thêm về các biện pháp điều trị COVID-19 ở giai đoạn cấp tính, có thể giúp người bệnh giảm các triệu chứng kéo dài nhiều tháng sau đó hay không. Theo chuyên gia chăm sóc y tế Charlotte Summers thuộc trường Đại học Cambridge (Vương quốc Anh), “đó là một nhu cầu cấp thiết và cấp bách về y tế mà mọi người cần tập trung tìm hiểu”.
Thực tế cho thấy, việc nghiên cứu về COVID kéo dài có phần chậm trễ hơn so với các nghiên cứu về giai đoạn cấp tính ở người mắc COVID-19 thể nặng. Những người gặp hội chứng này thường trải qua nhiều triệu chứng khác nhau từ nhẹ cho tới suy nhược cơ thể nghiêm trọng.
Các nhà nghiên cứu cho rằng có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng trên, từ tải lượng virus kéo dài, cho tới hệ miễn dịch tự tấn công cơ thể hoặc do biến chứng cục máu đông nhỏ li ti trong mạch máu. Nhiều nhà khoa học cho rằng tổng hòa của những nguyên nhân này gây ra tình trạng cơ thể suy nhược nghiêm trọng.
Ở thời điểm hiện nay, tiêm vaccine là cách tốt nhất để ngăn ngừa COVID kéo dài. Các vaccine ngừa COVID-19 có tác dụng ngăn ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2, và có thể giảm nguy cơ COVID kéo dài sau một đợt nhiễm trùng đột phá ở người đã tiêm phòng. Theo nhiều nghiên cứu, những người đã tiêm vaccine có thể giảm tới 50% nguy cơ mắc COVID kéo dài khi trở thành bệnh nhân COVID-19.
Ngoài vaccine, vẫn chưa rõ các liệu pháp điều trị COVID-19 hiện tại có thể góp phần giảm nguy cơ mắc hội chứng COVID kéo dài như thế nào. Về mặt lý thuyết, một loại thuốc làm giảm các triệu chứng nghiêm trọng của bệnh thì cũng làm giảm độ nghiêm trọng của các triệu chứng kéo dài. Đó là ý kiến của nhà miễn dịch học Danny Altmann, tại Đại học Hoàng gia London (Imperial College London).
Tuy nhiên, hội chứng COVID kéo dài không phải luôn gắn với giai đoạn cấp tính của bệnh. Ông Altmann cho biết: "Có rất nhiều người cuộc sống đang bị hủy hoại do hội chứng này. Họ là những bệnh nhân không triệu chứng, hoặc rất ít triệu chứng. Thực sự rất khó để có thể giải quyết tình trạng này”.
Một số nghiên cứu đang được tiến hành nhằm tìm hiểu tác động của việc điều trị sớm bằng thuốc kháng virus đối với COVID kéo dài. Một thử nghiệm lâm sàng mang tên PANORAMIC đang thử nghiệm tác động của thuốc kháng virus đường uống molnupiravir nhằm ngăn ngừa COVID-19 tiến triển nặng. Thử nghiệm trên thu thập dữ liệu của bệnh nhân 3-6 tháng sau điều trị.
Tương tự, 2 thử nghiệm khác đối với thuốc kháng virus Paxlovid của Pfizer theo dõi bệnh nhân 6 tháng sau điều trị COVID-19. Các thuốc kháng virus thường được sử dụng để điều trị cho các bệnh nhân có triệu chứng tương đối nhẹ.
Trong thử nghiệm SOLIDARITY do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phối hợp với trường Đại học Helsinki thực hiện, nhóm chuyên gia gồm ông Kari Tikkinen và các nhà khoa học khác đang nghiên cứu hiệu quả của điều trị trong giảm nhẹ triệu chứng của hội chứng COVID kéo dài. Các nghiên cứu viên hy vọng sẽ có kết quả sau 1 năm, khi theo dõi tình trạng sức khỏe của những người từng nhập viện điều trị COVID-19 và được điều trị bằng thuốc kháng virus remdesivir.
Ngoài ra, còn 2 cuộc thử nghiệm khác của SOLIDARITY đối với thuốc ức chế miễn dịch infliximab và thuốc chống viêm imatinib (nhằm giảm nhiễm trùng mạch máu).
Thử nghiệm giảm nhẹ COVID-19 mang tên HEAL-COVID nghiên cứu 2 loại thuốc nhắm tới hệ tim mạch ở người bệnh nhập viện điều trị COVID-19. Một loại là thuốc kháng đông apixaban. Loại kia là atorvastatin - thuốc hạ cholesterol được cho là chống nhiễm trùng ở mạch máu, giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.
Nghiên cứu sẽ điều tra xem liệu 1 trong 2 liệu pháp điều trị có giảm số ca nhập viện và tử vong ở người mắc COVID-19 nặng kể từ lần xuất viện đầu tiên.
Gần 30% số bệnh nhân xuất viện sau điều trị COVID-19 đã tái nhập viện trong vòng 6 tháng và 12% trong số này đã tử vong trong vòng 6 tháng kể từ lần đầu xuất viện. Chuyên gia Charlotte Summers - người đứng đầu nghiên cứu - cho rằng nguyên nhân dẫn đến tử vong ở những bệnh nhân nặng này có lẽ do biến chứng tim phổi.
Tại trường Đại học Chicago ở bang Illinois (Mỹ), chuyên gia tim mạch Ayodeji Adegunsoye đã nhận thấy khả năng tăng tích lũy tổn thương, mô bị xơ hóa thành sẹo ở phổi, hay còn gọi là chứng xơ phổi ở bệnh nhân COVID-19 nặng nhập viện cần đến thở oxy. Ông đang thử nghiệm thuốc sirolimus, một loại thuốc ức chế miễn dịch đôi khi được kê đơn cho bệnh nhân ghép tạng, với hy vọng ngăn ngừa chứng xơ phổi ở người mắc COVID-19 nặng phải thở máy.
Theo chuyên gia Altmann, các nghiên cứu về hội chứng COVID kéo dài cần phải có sự kiên trì. Tuy nhiên, ông bày tỏ sự lạc quan rằng, trong năm 2022, thế giới sẽ có nhiều tiến bộ trong điều trị hậu COVID-19.