Đi tìm lời giải cho đất

Không chỉ đơn thuần là những mô hình hay những dự án hỗ trợ sản xuất cho bà con nhân dân thoát nghèo, hiện tại khi nhắc về nông nghiệp Đam Rông còn phải kể đến những diện tích đất sản xuất cho thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỉ đồng mỗi năm.

Chuối Laba trở thành một trong những sản phẩm OCOP của Đam Rông

Chuối Laba trở thành một trong những sản phẩm OCOP của Đam Rông

Có thể nói, một trong những thành công lớn nhất của nông nghiệp Đam Rông trong thời gian vừa qua chính là việc quy hoạch vùng cây trồng.

Ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Sau 4 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, căn cứ vào những đặc trưng về khí hậu, thổ nhưỡng cũng như dựa trên nền tảng trình độ nhận thức của người dân mà hiện nay ở Đam Rông chia thành 3 tiểu vùng cơ bản. Cụ thể, ở khu vực 3 xã Đầm Ròn, tập trung chăm sóc, nâng cao năng suất cà phê, chuyển đổi diện tích trồng bắp, lúa kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Ở Đạ R’sal, Liêng Srônh và Rô Men, tập trung phát triển diện tích cây ăn trái (sầu riêng, bơ, bưởi…), chuyển đổi diện tích đất trồng bắp hoặc trồng cà phê ven sông, suối năng suất thấp sang trồng dâu nuôi tằm để nâng cao thu nhập và phát triển chăn nuôi gia súc. Đặc biệt, ở Phi Liêng và Đạ K’Nàng sẽ chuyển đổi diện tích trồng cà phê năng suất thấp nhưng bằng phẳng sang sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.

Đặc biệt, việc chuyển đổi, tìm hướng đi phù hợp đã có sự chủ động của những người trẻ dám mạnh dạn suy nghĩ, tìm tòi cái mới. Hơn 4 năm làm cán bộ Dự án 30a ở xã Phi Liêng, anh Phí Văn Thìn (32 tuổi) hiểu được từng ngõ ngách mảnh đất mình đang sống và công tác. Trực tiếp đưa những mô hình sản xuất về với bà con nhưng cái vòng luẩn quẩn của nghèo khó khiến anh Thìn cứ trăn trở về việc làm một điều gì đó đột phá hơn, mới mẻ hơn ở mảnh đất đầy tiềm năng này. Năm 2017, nhà kính đầu tiên được anh dựng lên ven Quốc lộ 27, điều mà chẳng ai mảy may nghĩ tới xưa nay. Những loại cây trồng mà trước giờ nhiều người chỉ thấy ở Đà Lạt hay các quầy sạp ngoài chợ đã được anh đưa về trồng như dâu tây, dưa lưới, ớt chuông… Thu nhập đem lại từ mỗi 1.000 m2 nhà kính dao động khoảng 100 - 120 triệu đồng/năm.

Từ một cá nhân tiên phong, hiện nay, anh Thìn đang hoàn tất hồ sơ tiến đến thành lập Hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao Phi Liêng, chuẩn bị các điều kiện để mở rộng diện tích như xây dựng nhà nuôi cấy mô, cải tạo vườn ươm, tìm kiếm hỗ trợ về mặt kỹ thuật... Theo anh Thìn, với vị trí của Phi Liêng, nếu có thể phát triển vùng sản xuất rộng hơn với các loại cây trồng đa dạng hơn thì nơi đây hoàn toàn có thể trở thành nơi cung ứng hàng hóa cho thị trường các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Kon Tum.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp Đam Rông, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn gần 100 ha (trong đó nhà kính 16 ha) cho thu nhập 800-900 triệu đồng/ha (gấp 8-9 lần canh tác cà phê đơn thuần).

Bên cạnh đó, là vùng quy hoạch hơn 200 ha trồng chuối Laba (ứng dụng công nghệ cao) ở xã Đạ K’Nàng và Phi Liêng với nòng cốt là 2 hợp tác xã có liên kết, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc. Địa phương cũng đã hình thành một chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả tại xã Đạ K’Nàng, tạo thu nhập ổn định cho người nông dân, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Nếu như những năm trước đây, việc thu hút đầu tư trong nông nghiệp luôn là điều gì đó “xa xỉ’ với mảnh đất Đam Rông thì khái niệm đó đã hoàn toàn thay đổi trong thời gian vừa qua. Khi được hỏi, lý do nào để một người trẻ, thành đạt tại TP Hồ Chí Minh như anh tìm về nơi xa xôi này để mua 30 ha đất đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao? Anh Nguyễn Hữu Toàn - Giám đốc Công ty Tân Lâm Nguyên chắc chắn một điều với chúng tôi: Sầu riêng ở vùng Đạ R’sal cho trái có chất lượng thơm ngon vào loại hàng đầu không chỉ ở Việt Nam.

Để có được những thành công bước đầu ấy, đối với một huyện có điểm xuất phát thấp như Đam Rông là cả một quá trình nỗ lực không ngưng nghỉ của rất nhiều con người, bộ phận tạo nên.

Ông Liêng Hot Ha Hai - Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: “Thay đổi thói quen lao động sản xuất được xác định là cả quá trình lâu dài chứ không phải chuyện một sớm một chiều, đặc biệt là phong tục tập quán, cung cách làm ăn của bà con đã hình thành từ lâu đời. Con số hiện tại tuy còn khiêm tốn, bắt đầu từ một số hộ đi đầu, một vài mô hình tiên phong nhưng đã thấy được sự thay đổi, hình thành tư duy sản xuất của bà con. Đây chính là chìa khóa để Đam Rông sớm hoàn thành mục tiêu thoát nghèo của mình”.

HỒNG THẮM

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202008/chao-mung-dai-hoi-dai-bieu-dang-bo-huyen-dam-rong-lan-thu-iv-nhiem-ky-2020-2025-di-tim-loi-giai-cho-dat-3015803/