Sau hơn nửa thế kỷ tích cực xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Không quân Nhân dân (KQND) Việt Nam hiện nay gần như đã có đầy đủ các binh chủng như tiêm kích, ném bom, trinh sát, vận tải và được trang bị các loại máy bay hiện đại hàng đầu thế giới.
Dẫu vậy, chúng ta vẫn còn thiếu một lực lượng nữa, không quá hệ trọng nhưng nếu có thể thì cần có trong tương lai. Đó là lực lượng trinh sát – máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy cơ động trên không. Hay nói cách khác, chúng ta cần máy bay chỉ huy – cảnh báo sớm đường không (AWACS). Loại máy bay này giống như bộ chỉ huy trên không, hay một radar bay khi có thể phát hiện mục tiêu cách xa hơn radar mặt đất, chỉ huy nhóm máy bay chiến đấu và tấn công.
Tất nhiên, việc lựa chọn một dòng máy bay chỉ huy – cảnh báo sớm không hề đơn giản. Vì nhiệm vụ tác chiến đặc biệt của nó khiến máy bay cũng rất đặc biệt, đắt đỏ, ít quốc gia có thể phát triển được. Ví dụ như nước Nga, hiện họ chỉ có một dòng máy bay AWACS duy nhất là A-50/U được chế tạo từ thời Liên Xô, với số lượng hiện tại chỉ có 15-19 chiếc.
A-50/U là dòng AWACS cỡ lớn, tầm xa, cực kỳ hiện đại, phát triển trên khung gầm máy bay vận tải Il-76MD. Nhìn chung, Nga vẫn sẵn sàng xuất khẩu A-50/U khi mà họ có khá nhiều khung gầm Il-76. Dẫu vậy, với quy mô Không quân Nhân dân Việt Nam thì A-50/U lại quá lớn, quá đắt đỏ, cũng như chi phí bảo dưỡng sẽ tương đối lớn. Có chăng, nhu cầu của chúng ta có lẽ hợp lý với các dòng máy bay AWACS cỡ trung. Đáng tiếc là Nga không còn giải pháp nào khác!
Chúng ta sẽ phải tìm giải pháp ở một số hãng sản xuất ít ỏi hiện nay như Saab (Thụy Điển) hay Embraer (Brazil) với các sản phẩm nhỏ hơn, nhưng chi phí đảm bảo hơn với các nước đang phát triển có ngân sách quốc phòng vừa phải. Trong ảnh, máy bay chỉ huy – cảnh báo sớm Saab 340 AEW&C.
Saab 340 AEW&C được thiết kế trên khung thân máy bay chở khách hạng nhẹ Saab 340, chúng được trang bị hệ thống radar cảnh báo sớm kiểu mạng pha chủ động (AESA) Erieye. Radar kết cấu hình ống thay vì đĩa tròn như các dòng máy bay AWACS hoặc AEW&C nổi tiếng trên thế giới (E-3 Sentry Mỹ hay A-50U Nga).
Trông vậy thôi, thế nhưng radar Erieye có khả năng quét bao quát phạm vi 360 độ, tầm trinh sát cực đại 450km nhưng tầm phát hiện mục tiêu thực tế chỉ là 350km trong điều kiện bị gây nhiễu điện tử chủ động của đối phương. Radar có thể bắt mục tiêu bay thấp, nhận diện địch - ta và có thể giám sát biển.
Phi hành đoàn của Saab 340 gồm 6 người, trần bay 7,6km và có thể hoạt động liên tục 5 tiếng. Hiện nay, 12 chiếc Saab 340 AEW&C đã được sản xuất cho 4 quốc gia vận hành gồm: Pakistan (7 chiếc); Thụy Điển (4 chiếc); Thái Lan (2 chiếc) và UAE (2 đang đặt hàng).
Loại máy bay cảnh báo sớm thứ 2 cũng đầy triển vọng với Việt Nam là dòng Embraer R-99 hay còn được gọi là EMB-145-RS do hãng Embraer của Brazil sản xuất năm 1999.
Lưu ý rằng R-99 cũng sử dụng hệ thống radar Erieye của Saab 340 nên trông chúng không khác gì nhau. Tuy nhiên, tính năng bay của phi cơ sẽ khác biệt khi mà nó khác khung gầm, R-99 sử dụng khung thân máy bay chở khách ERJ-145 có tầm bay khoảng 3.000km, trần bay 11.200m.
Hiện nay, R-99 đang được 4 quốc gia sử dụng gồm: Brazil (5 chiếc); Hy Lạp 94 chiếc); Mexico (3 chiếc) và Ấn Độ (3 chiếc). Đơn giá một chiếc ước tính 80 triệu USD, chi phí một giờ bay khoảng 2.000 USD - khá rẻ - có vẻ chấp nhận được với các quốc gia có không quân nhỏ.
Cuối cùng, một dòng máy bay cảnh báo sớm mới, vẫn nằm trong giai đoạn thử nghiệm đầy rủi ro, nhưng có triển vọng lớn nhất với KQND Việt Nam. Đó là dòng máy bay chỉ huy – cảnh báo sớm CASA C-295 AEW&C của Airbus. Dù vẫn còn đang thử nghiệm hoàn thiện nhưng C-295 AEW&C có thể sẽ là lựa chọn số 1 cho Việt Nam khi mà chúng ta đang vận hành máy bay vận tải C-295M được dùng làm khung thân cho phiên bản cảnh báo sớm.
Việc lựa chọn C-295 AEW&C đỡ tốn huấn luyện phi công, thợ kỹ thuật sẽ hiểu rõ dòng máy bay mà mình đang trang bị, đỡ tốn tài nguyên khi khai thác sử dụng.
Tính năng của C-295 AEW&C thì khỏi bàn khi mà chúng trang bị hệ thống EL/W-2090 (Israel) được đánh giá vào hàng top. Ấn Độ từng bỏ ra 1,1 tỷ USD mua 3 hệ thống EL/W-2090 (giá 350 triệu USD/bộ) tích hợp lên khung thân cơ sở dòng máy bay Il-76 của Nga.
Video Tìm hiểu máy bay cảnh báo sớm của Nga - Nguồn: QPVN
Hoàng Lê