Đi tìm nơi con sông Đà chảy vào đất Việt

Dòng sông Đà tôi xuôi hôm nay không còn là sông Đà hiểm trở trong tản văn của Nguyễn Tuân nữa, mà là một sông Đà hư thực mang nỗi sầu vạn cổ và nỗi cô đơn từ muôn kiếp trước đến tận kiếp này.

Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Đi tìm nơi con sông Đà chảy vào đất Việt của tác giả Hà Thanh Vân.

Tôi là người mê đắm những dòng sông, có lẽ vì sinh ra và lớn lên ở nơi đô thị. Tôi đã đến “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, đến “nơi con sông Cửu Long chảy vào đất Việt”. Một ngày tháng Ba, tôi lên đường để tìm đến “nơi con sông Đà chảy vào đất Việt” và ngồi thuyền từ đầu nguồn sông Đà về xuôi theo dấu chân "Người lái đò sông Đà" của Nguyễn Tuân.

Cung đường Mường Lay - Mường Tè đưa tôi đến một địa điểm đặc biệt: Phế tích vua Thái Đèo Văn Long nằm ngay ở ngã ba sông hợp lưu của dòng sông Đà, Nậm Na và suối Nậm Lay trước khi hình thành lòng hồ thủy điện Sơn La. Tên gọi của ngã ba sông này là ngã ba Mường Lay.

Phế tích hoang vắng, âm u không một dấu chân người. Tòa nhà ngày xưa chắc là lộng lẫy, uy nghi nay chỉ còn lại những bức tường gạch đổ nát. Gió ven sông vẫn thổi hun hút, như tiếng vọng về kêu than của những âm hồn bị sát hại. Một thời nơi đây là vùng đất của thuốc phiện, của chết chóc, đau thương.

Ngã ba huyền thoại Mường Lay của sông Đà nghe nói từng là nơi ngày xưa Đèo Văn Long cho bắt trói những người chống Pháp, thả trôi theo dòng sông Đà. Ngã ba sông không lớn. Nước vẫn chảy, sông vẫn trôi, dinh thự vẫn hoang tàn, đổ nát. Mảnh đất một thời in đậm những dấu ấn lịch sử, nay thưa vắng dấu chân người.

Nơi con sông Đà chảy vào đất Việt. Ảnh: Hà Thanh Vân

Nơi con sông Đà chảy vào đất Việt. Ảnh: Hà Thanh Vân

Ngày hôm sau, tôi tiếp tục hành trình đến với Ka Lăng - Kẻng Mỏ để đến với cột mốc 18 (2), 18 (3), ngắm dòng sông Đà và sông Nậm Là hoang dã chảy vào đất Việt, Con đường đến với Ka Lăng – Kẻng Mỏ khá gập ghềnh, khúc khuỷu với một bên là vực sâu hun hút, bên kia là núi non hiểm trở.

Sông Đà còn được gọi là sông Bờ hay Đà Giang, tiếng Thái gọi là Nậm Tè, có nghĩa là dòng sông lũ lớn, được xem là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng. Sông Đà bắt nguồn từ dãy núi Nguy Sơn thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam và đổ vào lãnh thổ Việt Nam ở xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Sông Đà đã đi vào văn học Việt Nam với hình tượng gập ghềnh thác đá, hiểm trở, vừa hoang sơ, vừa hung dữ đối với con người.

Từ huyện Mường Tè tôi men theo sông Đà, đi ngược lên 70km nữa thì tới ngã ba Nậm Lằn. Từ ngã ba Nậm Lằn, nếu đi thẳng là tới xã Ka Lăng, xã Thu Lũm, rồi tới cửa khẩu biên giới Việt - Trung có cái tên hết sức độc đáo là U Ma Tu Khoòng.

Nhưng tôi không đi lên cửa khẩu ấy mà rẽ trái, đi tiếp 20km đường mất hai tiếng đồng hồ vì đường cực kỳ xấu, là tới trạm biên phòng Kẻng Mỏ thuộc đồn Ka Lăng. Tôi xin phép lên cột mốc và được một chiến sĩ biên phòng dẫn đến với hai cột mốc 18(2), 18(3).

Trạm biên phòng Kẻng Mỏ thuộc đồn Ka Lăng nằm nép vào vách núi, cách cột mốc sông Đà vài trăm mét. Cái tên Kẻng Mỏ có nghĩa là thác Rơi Chảo, ý nói khi qua nơi này bè lật dựng đứng lên, làm rơi cả chảo nấu ăn của những người đi bè, ghi dấu một thời con sông Đà với những ghềnh thác là nỗi khiếp sợ cho người đi thuyền bè trên sông.

Người lính biên phòng dẫn đường cho biết, suối Nậm Lùng hòa vào sông Đà chảy vào địa phận Việt Nam tại cột mốc 17, nơi đường phân thủy phân giới giữa huyện Giang Thành (Vân Nam, Trung Quốc) với huyện Mường Tè (Lai Châu, Việt Nam).

Tuy nhiên, nó chỉ thật sự chảy hoàn toàn vào nước ta tại mốc 18 vị trí ngã ba sông có đường phân thủy của sông Đà và suối Nậm Là (Trung Quốc gọi là Tiểu Hắc Giang) giáp giữa huyện Lục Xuân của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và huyện Mường Tè của tỉnh Lai Châu.

Từ cột mốc 18 xuôi xuống chừng 100m có một cầu treo bắc ngang dòng sông đang chảy xiết, nối liền hai xã Mù Cả và Ka Lăng. Đây chính là cây cầu đầu nguồn sông Đà. Cột mốc mà trạm biên phòng Kẻng Mỏ quản lý là cột mốc 18 (2), còn đồn biên phòng Mù Cả quản lý cột mốc 18 (3). Ngoài ra còn cột mốc 18 (1) do phía Trung Quốc quản lý.

Trạm biên phòng Kẻng Mỏ đúng là ở nơi cuối đất cùng trời, nhà dân ở gần nhất cũng cách khoảng 22km và hàng ngày các chiến sĩ biên phòng đi tuần tra dọc biên giới hầu như không gặp một bóng người.

Cột mốc 18 (2) leo xuống khá chênh vênh hiểm trở, nhưng dù sao vẫn là dễ đi hơn cột mốc 18 (3). Để đến với cột mốc 18 (3), tôi phải vượt qua cầu treo đầu nguồn sông Đà, băng rừng, vượt qua những bụi cây lòa xòa, không hề có đường mòn, trầy xước hết tay chân.

Nhưng mọi vất vả, mệt mỏi đều tan biến khi tôi được chứng kiến “nơi con sông Đà chảy vào đất Việt”. Dòng sông khá nhỏ, bề rộng chừng khoảng 100m, với sắc màu đục những phù sa, chảy êm đềm, không có vẻ gì là con sông trong tùy bút “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân.

Cầu treo đầu nguồn sông Đà. Ảnh: NVCC

Cầu treo đầu nguồn sông Đà. Ảnh: NVCC

Ở nơi đầu nguồn, tôi chợt nhận ra rằng sông Đà là một con sông cô đơn. Cô đơn vì vắng bóng người nơi núi rừng miền biên viễn. Nhưng con sông Đà còn cô đơn cả trong nỗi ngược dòng. Hơn một thế kỷ trước con sông Đà đã đi vào thơ của Chánh sứ sơn phòng kiêm Tuần phủ Hưng Hóa Nguyễn Quang Bích (1832-1890):

Chúng thủy giai Đông tẩu.

Đà giang độc Bắc lưu”.

(Mọi con sông đều chảy về hướng Đông, riêng sông Đà chảy theo hướng Bắc).

Tiếp tục hành trình, tôi có chuyến xuôi dòng sông Đà từ bến thuyền Mường Lay của tỉnh Điện Biên về đến thị trấn Quỳnh Nhai thuộc huyện cùng tên của tỉnh Sơn La và điểm dừng chân là cầu Pá Uôn của Quỳnh Nhai. Đoạn xuôi dòng sông Đà dài hơn 100km và cũng là đoạn tiêu biểu cho sự hùng vĩ và dữ dội nhất của dòng sông.

Mới sáng sớm, tôi đã lên một chiếc thuyền sắt và bắt đầu khởi hành. Sương mù còn chưa tan hết và bến thuyền đục màu xám trắng. Dần dần những tia nắng đầu tiên bắt đầu chiếu rọi và tôi thấy thấp thoáng xa xa là những chiếc thuyền của những người dân hành nghề chài lưới ven sông.

Thuyền lướt qua vết tích cũ của cầu Hang Tôm, từng là chiếc cầu dây văng thuộc loại đẹp nhất Đông Dương, nhưng ngày nay đã bị tháo dỡ và thay bằng một chiếc cầu mới làm bằng bê tông, nối liền hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Sau đó, thuyền đi lướt qua hẻm núi Kang Chua (có nghĩa là cảnh đẹp sơn thủy hữu tình). Đây là nơi được xem là đẹp kỳ vĩ nhất trên sông Đà như nhiều người lái thuyền xuôi ngược thừa nhận.

Do con sông Đà có độ dốc cao, lại thêm hẻm núi dài gần mười cây số theo địa hình đá vôi nên sóng nước sông Đà hàng triệu năm qua đã bào mòn và tạo nên vô số hang động, cũng như vô vàn những nhũ đá đủ mọi hình thù độc đáo.

Mặt nước sông Đà ở đoạn này cũng chuyển sang màu xanh đậm, tạo cảm giác lòng sông sâu hun hút, nhìn xuống rợn người. Thấp thoáng dưới lòng sông, tôi còn nhìn thấy bóng dáng của những ghềnh đá hiểm trở nay đã chìm sâu dưới làn nước.

Nghe nói nơi đây ngày xưa có nhiều thác ghềnh nguy hiểm, nhưng rồi những công trình thủy điện nối tiếp nhau mọc lên, đã khiến cho con sông Đà hung dữ trở nên bình yên, giao thông đường thủy thuận lợi và an toàn hơn, nhưng cũng từ đó làm mất đi vẻ đẹp hùng tráng của con sông.

Dọc theo sông Đà, tôi có dịp chứng kiến chợ phiên bên bến sông bản Pá Na, xã Tủa Khàn, huyện Tủa Chùa, Điện Biên. Phiên chợ tấp nập kẻ bán người mua với những chiếc thuyền chở đầy hàng hóa, từ thức ăn, trái cây, vải vóc, đồ dùng hàng ngày cho đến cả tủ lạnh, tivi. Nghe nói phiên chợ này tháng họp 3 lần vào ngày 10, 20 và 30.

Đường bộ thì xa xôi, khó đi, cho nên những chiếc thuyền chở hàng và những phiên chợ bên bến sông chính là cách nhanh nhất để bà con đồng bào dân tộc mua được những hàng hóa cần thiết cho đời sống của mình. Vì thế, nhiều xã ven bờ sông Đà đã thỏa thuận mở những chợ phiên lệch ngày nhau để cho người mua và kẻ bán đều thuận lợi.

Càng xuôi về hạ lưu, dòng sông Đà chưa bao giờ yên tĩnh, thuyền bè nhiều hơn, tấp nập hơn. Về đến gần thị trấn Quỳnh Nhai của Sơn La, thuyền dừng chân ở cột mốc trên đồi Cao Pô giữa mênh mang sông nước bốn bề.

Đây là một mảnh đất nhỏ chừng vài chục m2 nổi lên trên mặt nước, từng là quả đồi nơi đặt trạm phát sóng truyền hình và là trung tâm huyện lỵ Quỳnh Nhai ngày trước. Nơi này đã từng diễn ra cuộc di dân lớn gồm 8.435 hộ lên điểm tái định cư tại thị trấn Phiêng Lanh cách đó 30km, nhường chỗ cho lòng hồ thủy điện Sơn La.

Hoàng hôn trên sông Đà. Ảnh: Hà Thanh Vân

Hoàng hôn trên sông Đà. Ảnh: Hà Thanh Vân

Tôi đứng trên đồi Cao Pô lòng bâng khuâng nghĩ về những gì bây giờ đã chìm sâu dưới mặt nước sông Đà.

Có thể còn rất nhiều những ý kiến trái chiều nhau về chuyện làm thủy điện trên sông Đà và cả trên nhiều con sông khác của Việt Nam, nhưng việc di dân ồ ạt để nhường chỗ cho những công trình thủy điện hẳn sẽ làm cho nhiều người dân địa phương hẫng hụt và cảm thấy đánh mất quê hương, cho dù nơi họ định cư có thể là tốt hơn nơi cũ.

Cuộc đời luôn có luật bù trừ công bằng, để có dòng điện sáng phục vụ đất nước, cũng là sự đánh đổi không chỉ là vật chất mà còn là tinh thần, tâm lý của biết bao nhiêu con người.

Cầu Pá Uôn là điểm dừng chân cuối cùng của chuyến đi xuôi dòng sông Đà. Thị trấn Quỳnh Nhai với dân cư chủ yếu là người Thái đã hiện ra trước tầm mắt tôi với những nếp nhà sàn bên sườn núi có khói lên nghi ngút như đang nấu bữa cơm chiều.

Chuyến đi xuôi dòng sông Đà khép lại để mở ra những hành trình mới. Hành trình phiêu bạt trên sông với nắng, gió và sóng nước sông Đà dù không phải là quãng thời gian dài, nhưng đủ khiến để tôi hiểu vì sao ở Việt Nam có một nhà thơ đã lấy tên con sông Đà là bút danh, đó là nhà thơ Tản Đà.

Quê ông vốn ở làng Khê Thượng huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây nay thuộc xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Đây là vùng quê trù phú xinh đẹp nằm bên sông Đà, với dãy núi Ba Vì và ngọn Tản Viên sừng sững. Dưới ngòi bút tài hoa của Tản Đà, hình ảnh sông Đà tiếp tục đi vào tâm thức của thơ ca Việt Nam.

Núi Tượng trời cho bao tuổi lẻ

Sông Đà ai vặn một dòng quanh?

Để rồi sau này Vũ Hoàng Chương chơi vơi trong nỗi sầu kim cổ:

Cánh rượu thu gần vạn dặm khơi

Nẻo say hư thực bóng muôn đời

Ai đem xáo trộn sầu kim cổ?

Trăng nước Đà giang mộng Liêu trai”.

Dòng sông Đà tôi xuôi hôm nay không còn là sông Đà hiểm trở trong tản văn của Nguyễn Tuân nữa, mà tôi chỉ thấy một sông Đà hư thực mang nỗi sầu vạn cổ và nỗi cô đơn từ muôn kiếp trước đến tận kiếp này. Để rồi tôi mong một ngày được quay lại dòng sông Đà, xuôi thuyền trong một đêm trăng đi tìm mộng Liêu trai.

Hà Thanh Vân

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TPHCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TPHCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chuyen-cua-nhung-dong-song-di-tim-noi-con-song-da-chay-vao-dat-viet-2290685.html