Đi tìm tiếng rao thân thuộc giữa phố thị
Bao nhiêu năm lưu lạc thị thành, những tiếng rao hóa thành âm thanh quen thuộc, cho ta luôn khắc khoải ngóng trông.
Đôi khi lặng yên nhìn lại nhận ra thành phố xô bồ này vậy mà cũng lặng lẽ ấp ôm đầy sự bao dung. Bao dung với người, bao dung với đời, bao dung với từng thanh âm nhỏ nhoi. Nơi đó, những tiếng rao chơ vơ, đơn côi, lạc lõng vẫn có chốn nương náu, trú ngụ.
Một vang vọng của tiếng rao "hũ tiếu gõ đây" mỗi ngày lướt qua khu tôi sống. Người đàn ông nhỏ thó, đều đặn đưa chiếc xe hàng lướt qua từng căn nhà, cánh cổng. Lời rao có gì nhanh, mạnh, thúc giục vang lên. Phải chăng trong tiếng rao ấy có nỗi mong ngóng nhanh chóng hết hàng, một nỗi khát khao sớm về nhà với vợ, nhìn đứa con đang học bài hay đã say giấc ngủ.
Chữ "sớm" cũng mênh mông, vô định với bao người. Sớm của người này đã tàn đêm, khuya giấc của người kia. Sớm của người này là tan làm về nhà ăn bữa cơm với vợ con. Sớm với người kia là màn đêm phủ dày thành phố, món hàng đã bán hết. Nhưng mỗi công việc mỗi phận người nào có thể so sánh. Mỗi lời rao chất chứa một đồng vọng, một số phận.
Chẳng hiểu tự lúc nào, lời rao mời mua bán ấy như hóa thành thân quen. Chợt một sáng thức giấc, chẳng nghe tiếng "Ai bánh mỳ đây" tha thiết vang lên gọi mời, bỗng thấy hiu quạnh, thiếu vắng. Hẳn là âm thanh tiếng rao vô tình hay hữu ý đi vào thói quen của ta và biết bao người, trở thành nỗi niềm mong ngóng mỗi sáng, hàng đêm.
Dẫu chỉ là một lời hỏi thăm ngắn gọn, vài mảnh chuyện chắp vá qua cánh cổng, người bán - người mua đã hình thành một mối dây thân tình gắn kết mà mong ngóng.
Những tòa nhà cao tầng, những ánh đèn rực rỡ, những xa hoa diễm lệ lấp đầy thành phố khiến khoảng cách giữa những phận người thêm rộng dài. Những tiếng rao vẳng lên giữa đêm Đông càng thêm cô lẻ, nhỏ nhoi. Thương từng phận người đang ngày ngày gánh gồng mưa nắng, đua tranh với cuộc sống.
Phía sau mỗi thanh âm kia đâu chỉ có guồng quay bán buôn duy trì cuộc sống. Trong ánh mắt người bán ngô luộc sáng nay. Trong ánh mắt người bán bánh mỳ bé nhỏ. Trong ánh mắt của người bán tào phớ vất vả.
Phía sau mỗi người hẳn đều chất chứa một nỗi niềm, tâm sự, khát khao, một câu chuyện lặng lẽ. Cô bán bánh mì guồng chân nhanh hơn, tha thiết kiếm tiền nuôi đứa con vừa đỗ đại học.
Người đàn ông cố bán nốt số hàng còn lại mong trở về chăm người vợ bệnh nằm ở nhà. Người mải mốt đi và tha thiết gửi trong tiếng rao, mong ước được về sớm với đứa con nhỏ đang chờ mẹ bên cửa sổ.
Chỉ một tiếng rao đôi khi lại trở thành hơi ấm xua tan giá lạnh trong lòng bao người ở thành phố xa lạ. Một giọng quê thân thuộc trọ trẹ vang lên mang theo bao gần gũi.
Một người bốc vác, một cậu sinh viên trọ học, một người bán hàng chạy chợ được sưởi ấm lòng bởi thanh âm trầm ấm, như một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Họ nương níu âm vang dịu dàng kia mà ru êm nỗi nhớ quê cứ dềnh lên thăm thẳm.
Giữa thời đại công nghiệp phát triển, con người thay thế tiếng rao vất vả bằng máy thu âm sẵn và phát đi phát lại. Thế nhưng sao lòng ta vẫn nhung nhớ thanh âm ngày xưa, chân chất.
Những tiếng rao hiếm hoi sót lại vẫn cần mẫn mỗi ngày tạc vào lòng phố từng bình dị, thân thương. Và ta cứ để lòng mình trôi về dư âm ngày cũ cùng tiếng rao vẳng rơi trên phố…