Đi vào ngõ cụt

Hàn Quốc là đất nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Đề xuất cho các bé gái đi học sớm một năm để góp phần tăng tỷ lệ sinh trong tương lai của Viện Tài chính Công Hàn Quốc (KIPF - tổ chức nghiên cứu do chính phủ tài trợ, chuyên đánh giá hệ thống thuế, chi tiêu công của quốc gia) đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ dư luận.

“Do nam giới dậy thì muộn hơn nữ giới, nên việc cho các bé gái đến trường sớm hơn một năm so với các bé trai có thể khiến nam nữ thanh niên thu hút nhau hơn khi đến tuổi kết hôn”, Korea Herald ngày 3/6 dẫn đề xuất trong báo cáo mới của KIPF.

Viện này tin rằng, biện pháp trên có thể tăng tỷ lệ sinh trong tương lai, nhằm chống lại xu hướng suy giảm dân số nghiêm trọng ở Hàn Quốc, đồng thời nó được xây dựng dựa trên quan niệm rằng nam giới bị thu hút bởi phụ nữ trẻ, còn nữ giới bị thu hút bởi đàn ông già dặn. Việc phụ nữ và đàn ông muốn kết hôn không đồng nghĩa họ sẽ thành công trong việc hẹn hò với người khác giới.

Chính phủ Hàn Quốc cần xây dựng những chính sách giúp người trẻ tăng cường cơ hội giao lưu, thúc đẩy sự hấp dẫn giới tính và khả năng hòa nhập xã hội. Từ đó, tăng số trường hợp kết hôn, sinh con.

Tuy nhiên, báo cáo của viện nghiên cứu này không nêu bằng chứng cụ thể để chứng minh hiệu quả của giải pháp. Đề xuất trên khiến dân mạng Hàn Quốc phẫn nộ vì được cho là thiển cận, không tính đến tiêu chuẩn xã hội và có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến trẻ em.

Ông Shin Kyeong-ah - Giáo sư Xã hội học tại Đại học Hallym nhận định, việc một cơ quan chính phủ đề xuất cho trẻ em gái đi học sớm để cải thiện tỷ lệ sinh, nhưng lại không đưa ra được bằng chứng khoa học hay ví dụ cụ thể gây ra sự phẫn nộ, bất bình trong lòng dân.

Hàn Quốc là đất nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Nước này ghi nhận tỷ lệ chỉ 0,72 con/phụ nữ vào năm 2023 - giảm so với 0,78 của năm trước, mức giảm mới nhất trong chuỗi giảm hằng năm kéo dài.

Trong khi đó, các quốc gia cần tỷ lệ sinh là 2,1 con/phụ nữ để duy trì dân số ổn định trong trường hợp không có người nhập cư. Dữ liệu này nhấn mạnh “quả bom hẹn giờ” về nhân khẩu học mà Hàn Quốc và các quốc gia Đông Á khác đang phải đối mặt, khi xã hội già đi nhanh chóng chỉ trong vài thập kỷ sau quá trình công nghiệp hóa vũ bão.

Nhiều quốc gia châu Âu cũng phải đối mặt với tình trạng dân số già đi. Song, tốc độ và tác động của sự thay đổi đó đã được giảm nhẹ do tình trạng nhập cư. Trái lại, các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đã không cho phép nhập cư ồ ạt để giải quyết tình trạng suy giảm dân số trong độ tuổi lao động.

Các chuyên gia cho biết, lý do dẫn đến những thay đổi về nhân khẩu học trong khu vực bao gồm những yêu cầu cao về văn hóa làm việc, tiền lương trì trệ, chi phí sinh hoạt tăng cao, thay đổi thái độ đối với hôn nhân và bình đẳng giới cũng như tâm lý “vỡ mộng” gia tăng trong thế hệ trẻ.

Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp để “lật ngược thế cờ”. Song, bất chấp các yếu tố kinh tế đang tác động, việc rót tiền nhằm cải thiện tỷ lệ sinh vẫn không hiệu quả.

Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của Hàn Quốc đã trở thành rủi ro hàng đầu đối với tăng trưởng kinh tế và hệ thống phúc lợi xã hội. Dân số 51 triệu người của quốc gia này có nguy cơ giảm một nửa vào cuối thế kỷ.

Trọng Dương

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/di-vao-ngo-cut-post686770.html