Đi xa vẫn nhớ tên làng
Có nhà thơ đã từng viết rằng:
Có nhà thơ đã từng viết rằng: “Như chiếc rễ ăn sâu vào đất. Ai nhổ được tên làng. Ra khỏi vùng ký ức?”... Trong tiềm thức của người sinh ra từ làng, tên làng đã đủ nhắc nhớ về cội nguồn, về kỷ niệm, về cả những mong ngóng, hoài vọng mỗi khi đi xa về gần, là “di sản” đối với miền quê và những con người sinh sống trên miền quê ấy. Trải qua thời gian, “sức sống” của những tên làng có lịch sử vài thế kỷ vẫn là sợi dây gắn kết quá khứ, hiện tại và cả tương lai.
Nam Định nằm ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa. Trên mảnh đất này, mỗi tên đất, tên làng đều chứa đựng một ý nghĩa riêng, gửi gắm những ước vọng sâu xa, mang đặc trưng riêng của làng xã đó. Làng Lựu Phố, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) có tên làng Lựu bởi trước đây chuyên nghề trồng lựu phục vụ cho cung đình. Làng có 2 họ là Tô và Trần (Trần Tô nhị tộc). Trong làng có Đền Lựu Phố xây dựng trên địa danh cổ Lựu Viên, sau này được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Đền Lựu Phố thờ Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ, Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung; Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, công chúa Trần Bạch Hoa, hai cha con Thám hoa Hà Nhân Giả và đức Bản cảnh Thành hoàng. Nơi đây cũng từng là căn cứ địa của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông... Trải qua trên 700 năm hình thành và phát triển, làng Lựu Phố giờ đây có nhiều đổi thay nhưng vẫn giữ được những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo từ nhiều đời nay để lại. Tiêu biểu là lễ hội Đền Lựu Phố được tổ chức long trọng vào mồng 7-7 âm lịch. Trong lễ hội, ngoài các nghi thức dâng hương, tế lễ, rước kiệu, hoạt động văn hóa văn nghệ, còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian như: tổ tôm điếm, đánh cờ, đấu vật, hát chèo, chầu văn… Ông Tô Văn Lang, Bí thư chi bộ thôn Lựu Phố cho biết: “Lễ hội còn là dịp để con cháu trong làng xa gần tụ họp, tưởng nhớ tổ tiên, những người khai sinh ra tên đất, tên làng. Dịp này, ai ở xa mấy cũng cố gắng về dự hội. Vậy nên, mỗi năm vào kỳ lễ hội, người trong làng đi lại như mắc cửi”. Không chỉ gìn giữ được lễ hội văn hóa đặc sắc, người dân làng Lựu còn có ý thức giữ nghề xưa. Hiện trong làng vẫn có những hộ gia đình làm nghề mộc, chạm khắc gỗ từ nhiều đời tổ tông. Từ đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của những thợ, nghề xưa vẫn duy trì, phát triển, nuôi sống bao thế hệ trong làng. Trong những khoảng sân rộng mênh mông của nhiều hộ gia đình, khách đến chơi trầm trồ khi gia chủ vẫn giữ được những gốc lựu có niên đại hàng thế kỷ, cành lá xanh tốt quanh năm, quả và hoa đỏ chói.
Vụ Bản - mảnh đất được coi là “Thiên Bản lục kỳ” có nhiều ngôi làng cổ, trong đó có làng Vụ Nữ, xã Hợp Hưng. Từ cổng làng, “dẫn lối đưa đường” cho khách vào làng chính là… hàng cau thẳng tắp, xanh mướt. Dạo một vòng quanh làng, có cảm giác như được lạc vào một không gian “xanh”, cổ kính mà rất đỗi nên thơ, trong lành. Uốn lượn, chảy qua các khu dân cư, dòng Thiên Hương như một dải lụa mềm ấp ôm làng quê. Trong làng thỉnh thoảng lại bắt gặp những ngôi nhà ngói 5 gian rêu phủ. Đền Vụ Nữ cổ kính nằm lặng lẽ ở mé tây làng nay đã có tuổi đời lên đến vài trăm năm... Tương truyền, làng Vụ Nữ xưa kia chỉ là một gò đất cao nổi lên cùng với các vùng đất lân cận như: Bối La, Hạnh Lâm, Triệu, Phạm, Thám Thanh. Thời bấy giờ, các dòng họ từ nơi khác đến cùng lánh nạn chống giặc ngoại xâm phương Bắc, đã dừng chân tụ tập tại đây, khai phá đất hoang để trồng lúa, hoa màu làm kế sinh nhai. Làng có tên là Vụ Nữ bởi đã sản sinh ra một vị nữ tướng tài ba đầu tiên của vùng đất Thiên Bản - Nữ tướng Mai Thị Hồng. Bà giữ chức vụ Thủy sư, Tả tướng chỉ huy thủy quân trấn giữ vùng Sơn Nam. Bà có công xây dựng hành cung Thám Thanh và Phường Nứa ở hai quê nội, ngoại tại địa phương; khuyến khích dân chăm chỉ nông trang, lo cứu giúp người nghèo khổ. Ghi nhớ công ơn bà, dưới thời Hậu Lê (thế kỷ XV-XVI), dân làng dựng đền thờ Vụ Nữ; tổ chức các lễ hội tưởng nhớ. Đền sau đó được tu sửa, mở mang vào triều nhà Nguyễn (thế kỷ XIX-XX). Đền Vụ Nữ còn là một trong số ít những công trình tín ngưỡng ở xã Hợp Hưng được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa hiện còn bảo tồn nguyên vẹn. Đền có thiết kế gồm: chính cung, tiền đường, tả hữu giải vũ cùng với hệ thống bình phong, cột trụ, tường hoa cấu trúc hài hòa thâm nghiêm. Trong đền cũng có nhiều cổ vật quý hiếm như chiếc chiêng đồng họa tiết trang trí thời Nguyễn. Ngoài Đền Vụ Nữ, làng Vụ Nữ còn gìn giữ được hệ thống đền, chùa, lăng mộ, bia chân dung, văn bia các loại đồ đá, đồ đồng, đạo sắc phong cùng những điệu hát chèo ngọt ngào, đắm say…
Trong những biến động của lịch sử, do nhiều nguyên nhân nên nhiều tên làng xưa trên địa bàn tỉnh đã bị thay đổi. Một số làng thay chữ đầu hay chữ cuối hoặc thay đổi hoàn toàn bằng tên mới; cũng có những tên làng được tách ra và được “số hóa” thành các con số 1, 2, 3... Tuy nhiên, khắp 10 huyện, thành phố trong tỉnh vẫn còn một số làng giữ được tên “khai sinh” thuở ban đầu, với vẻ đẹp, nếp sống, sinh hoạt văn hóa… đã hình thành, đắp bồi qua hàng trăm năm như: Phù Long (thành phố Nam Định), Thức Vụ, Yên Cường (Ý Yên), Dịch Diệp (Trực Ninh), Hải Lạng (Nghĩa Hưng), Hành Thiện (Xuân Trường), Quả Linh (Vụ Bản)…
“Tên làng làm sang tên nước”, tên làng không chỉ thể hiện bản sắc, cội nguồn mà sâu xa hơn, tồn tại trong tâm thức, đi vào tâm tưởng, vọng nhớ của mỗi người. Giữ lấy hồn cốt quê hương, nâng niu, trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của làng quê, trong đó có những làng cổ, tên làng cổ là phần việc mà người hôm nay và các thế hệ mai sau cần thực hiện để bồi đắp dựng xây quê hương./.
Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5087/202201/di-xa-van-nho-ten-lang-2548984/