Đi xe điện dễ say vì vận hành êm ái, não chưa kịp thích nghi?

Nhiều người từng trải nghiệm xe điện đều nhận thấy cảm giác say xe xuất hiện rõ rệt hơn so với khi đi xe xăng. Hiện tượng này đã được các chuyên gia lý giải, liên quan đến đặc tính vận hành, âm thanh, độ rung và cơ chế phanh của xe điện.

Ảnh minh họa: Getty Images

Ảnh minh họa: Getty Images

Gần đây, trên một số diễn đàn yêu xe, nhiều người dùng đã đặt câu hỏi về việc vì sao họ lại bị say xe khi đi xe điện, trong khi họ không gặp triệu chứng này khi đi xe xăng.

Câu hỏi này đã được đặt ra khi những chiếc xe điện đầu tiên ra mắt trên thị trường. Đã có một số nghiên cứu về say xe điện được công bố trên các tờ báo uy tín.

Theo GS Tom Stoffregen, Khoa Vận động học, Đại học Minnesota (Mỹ), người có những nghiên cứu chuyên sâu về chứng say tàu xe, thì tai trong (hệ thống tiền đình) giúp kiểm soát thăng bằng, mắt và các cảm biến cơ thể gửi thông tin về chuyển động đến não. Khi các tín hiệu này không đồng bộ, não bộ sẽ diễn giải thành “xung đột cảm giác”, gây ra các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi.

Ví dụ, khi ngồi trên xe, mắt nhìn thấy cảnh vật tĩnh (nếu nhìn vào trong xe), nhưng tai trong lại cảm nhận được chuyển động, hoặc ngược lại, sẽ gây ra cảm giác say xe. Người lái xe ít bị say hơn vì họ chủ động điều khiển và dự đoán được chuyển động của xe, trong khi hành khách thường bị động và khó dự đoán nên dễ bị xung đột cảm giác hơn.

Đặc tính vận hành êm ái, ít rung, tăng tốc nhanh

Tiến sĩ DJ Verret, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng ở Texas, cho biết say xe điện "là một vấn đề có thật". Chia sẻ trên ABC News, ông Verret cho biết bộ não con người thiết lập một mô hình cho những gì nó mong đợi trong những tình huống nhất định. Trong xe xăng, hành khách nghe thấy tiếng động cơ gầm rú và biết ai đó đang đạp ga. Chiếc xe di chuyển về phía trước. Trong xe điện, các tín hiệu âm thanh và hình ảnh không khớp với mô hình mà hành khách thực sự đang di chuyển.

Khi xe điện khởi động hoặc tăng tốc, hành khách gần như không cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt về âm thanh hay rung động như trên xe xăng. Điều này khiến hệ thống tiền đình tai trong không kịp “chuẩn bị” cho chuyển động, trong khi mắt đã nhận thấy xe đang di chuyển. Sự thiếu đồng bộ này làm tăng nguy cơ say xe.

 Xe điện vận hành êm ái hơn xe xăng. Ảnh: Tesla

Xe điện vận hành êm ái hơn xe xăng. Ảnh: Tesla

Ở xe xăng, trước khi xe chuyển động, hành khách thường nghe thấy tiếng động cơ tăng dần, cảm nhận được độ rung và mô-men xoắn. Những tín hiệu này giúp não bộ dự đoán trước chuyển động, giảm xung đột cảm giác. Ngược lại, xe điện tăng tốc gần như tức thì, không báo trước bằng âm thanh hay rung động, khiến não bộ bị “bất ngờ” và dễ dẫn đến say xe.

Hệ thống phanh tái sinh và chế độ “một bàn đạp”

Một nguyên nhân khác, theo William Emond, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Belfort-Montbéliard (Pháp) đến từ một đặc điểm nổi bật của xe điện, đó là hệ thống phanh tái sinh (regenerative braking).

Chia sẻ trên The Guardian, ông William Emond nói rằng khi người lái nhấc chân khỏi bàn đạp ga, xe điện sẽ tự động giảm tốc mạnh để thu hồi năng lượng. Đặc biệt, với chế độ “một bàn đạp”, xe giảm tốc liên tục mà không cần đạp phanh. Sự giảm tốc bất ngờ, kéo dài này tạo cảm giác giật, khiến hành khách không kịp thích nghi, dễ bị buồn nôn và chóng mặt.

Ông Emond xác nhận rằng mức độ phanh tái sinh càng cao thì nguy cơ say xe càng lớn. Ngoài ra, rung động ghế ngồi và việc thiếu tiếng ồn động cơ cũng góp phần làm tăng cảm giác say xe trên xe điện so với xe xăng.

Não bộ chưa quen với môi trường vận hành mới

Đa số người dùng đã quen với việc di chuyển bằng xe xăng, nơi não bộ dự đoán chuyển động dựa vào các tín hiệu như tiếng động cơ, rung động, mô-men xoắn. Khi chuyển sang xe điện – môi trường vận hành hoàn toàn mới, não bộ cần thời gian để thích nghi với các tín hiệu khác biệt. Sự thiếu quen thuộc này càng làm tăng nguy cơ say xe, đặc biệt trong những chuyến đi đầu tiên với xe điện - ông Emond cho biết.

Giải pháp giảm say xe khi đi xe điện

Theo khuyến cáo của chuyên gia trang AutoTrader, có một số cách làm giảm chứng say xe điện:

Nhìn ra ngoài cửa sổ: Giúp đồng bộ tín hiệu thị giác và tiền đình, giảm xung đột.

Chọn ghế ngồi phía trước: Vị trí này ít bị tác động bởi rung lắc và dễ quan sát đường đi hơn.

Giảm mức phanh tái sinh: Nếu có thể điều chỉnh, nên để mức phanh tái sinh ở mức thấp hoặc trung bình để giảm cảm giác giật khi giảm tốc.

Tập thích nghi dần: Não bộ sẽ dần thích nghi với môi trường vận hành mới sau một thời gian sử dụng xe điện thường xuyên.

 9 bộ phận cơ bản của xe điện. Ảnh: Internet

9 bộ phận cơ bản của xe điện. Ảnh: Internet

Theo một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Nhật Bản được đăng tải trên trang Interesting Engineering, một phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả đã được thử nghiệm: phát một âm thanh tần số 100 Hz trong vòng 1 phút trước khi bắt đầu hành trình hoặc khi cảm thấy khó chịu. Âm thanh này kích thích các cơ quan otolith trong tai trong, bộ phận chịu trách nhiệm cảm nhận gia tốc và trọng lực, giúp não bộ điều chỉnh và cân bằng tín hiệu cảm giác chuyển động một cách chính xác hơn.

Hiệu quả của liệu pháp âm thanh này kéo dài đến 2 giờ, giúp giảm đáng kể cảm giác buồn nôn và chóng mặt do say xe khi đi xe điện. Phương pháp này đã được thử nghiệm trên người trong nhiều môi trường khác nhau, bao gồm cả trong xe điện, xích đu và môi trường thực tế ảo, cho kết quả khả quan.

Hiện tại, các nhà nghiên cứu đang phối hợp với công ty Denso (Nhật Bản) để tích hợp công nghệ này vào hệ thống giải trí trên xe điện, hứa hẹn sẽ mang lại trải nghiệm lái xe thoải mái hơn cho người dùng.

Ngoài ra, các biện pháp khác cũng được khuyến nghị như đảm bảo thông thoáng không khí trong xe, điều chỉnh phong cách lái xe mượt mà để hạn chế tăng tốc và giảm tốc đột ngột, sử dụng băng đeo cổ tay hoặc thuốc chống say xe khi cần thiết.

Những giải pháp này kết hợp với liệu pháp âm thanh sẽ giúp giảm thiểu đáng kể tình trạng say xe đặc trưng khi sử dụng xe điện, góp phần nâng cao trải nghiệm người dùng trong kỷ nguyên di chuyển xanh.

Đăng Khoa

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/di-xe-dien-de-say-vi-van-hanh-em-ai-nao-chua-kip-thich-nghi-post187453.html