Đi xe máy nghe điện thoại, dùng tay cầm và thao tác bị xử lý thế nào?

Tài xế xe máy nghe điện thoại khi đang di chuyển, dùng tay cầm điện thoại hoặc thao tác trên điện thoại khi đang lái xe... sẽ bị xử lý vi phạm.

Các lái xe cần chú ý việc sử dụng điện thoại khi đang lái xe sẽ bị xử lý vi phạm như thế nào. Ảnh minh họa: IT

Không cấm việc dừng xe để nghe điện thoại, nhưng sử dụng khi đang đi, thao tác trên màn hình sẽ vi phạm

Theo quy định mới nhất, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đang di chuyển trên đường bộ không được phép dùng tay cầm và sử dụng điện thoại. Trường hợp cá nhân gắn điện thoại lên giá đỡ để xem Google Maps mà không dùng tay cầm và thao tác với điện thoại trong quá trình điều khiển xe, thì không vi phạm quy định nêu trên.

Khi có việc cần dừng xe để nghe điện thoại, đây không phải là hành vi bị nghiêm cấm, tuy nhiên, khi dừng xe để nghe điện thoại, người lái xe cần tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.

Cụ thể khi dừng xe nghe điện thoại, người tham gia giao thông cần tuân thủ các quy định về dừng xe để tránh gây cản trở giao thông và các nguy cơ gây tai nạn giao thông như sau:

"- Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khác biết khi ra, vào vị trí dừng xe, đỗ xe;

- Không làm ảnh hưởng đến người đi bộ và các phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Theo quy định tại khoản 4, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây:

- Bên trái đường một chiều;

- Trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc mà tầm nhìn bị che khuất;

- Trên cầu, trừ những trường hợp tổ chức giao thông cho phép;

- Gầm cầu vượt, trừ những nơi cho phép dừng xe, đỗ xe;

- Song song cùng chiều với một xe khác đang dừng, đỗ trên đường;

- Cách xe ô tô đang đỗ ngược chiều dưới 20 mét trên đường phố hẹp, dưới 40 mét trên đường có một làn xe cơ giới trên một chiều đường;

- Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;

- Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 05 mét tính từ mép đường giao nhau;

- Điểm đón, trả khách;

- Trước cổng và trong phạm vi 05 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức có bố trí đường cho xe ra, vào;

- Tại nơi phần đường có chiều rộng chỉ đủ cho một làn xe cơ giới;

- Trong phạm vi an toàn của đường sắt;

- Che khuất biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu giao thông;

- Trên đường dành riêng cho xe buýt, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; trên lòng đường, vỉa hè trái quy định của pháp luật".

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 5, khoản 6, khoản 7 của Điều 18 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi dừng xe, đỗ xe phải tuân thủ như sau:

"- Trên đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì chỉ được dừng xe, đỗ xe sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình.

- Trên đường phố, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ chỉ được dừng xe, đỗ xe sát theo lề đường, vỉa hè phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, vỉa hè quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

- Trong trường hợp gặp sự cố kỹ thuật hoặc bất khả kháng khác buộc phải đỗ xe, khi đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy hoặc tại nơi không được phép đỗ, phải có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp hoặc đặt biển cảnh báo về phía sau xe để người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khác biết."

Các mức phạt đối với lỗi dùng tay cầm và sử dụng điện thoại khi lái xe máy

Khoản 10 của Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính), dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác mà gây tai nạn sẽ bị phạt tiền.

Cụ thể:

"Phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe sử dụng ô (dù), thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính), dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác. Đồng thời, bị trừ 4 điểm giấy phép lái xe.

Phạt tiền từ 10 - 14 triệu đồng đối với người điều khiển xe sử dụng ô (dù), thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính), dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác mà gây tai nạn giao thông. Ngoài phạt tiền, còn bị trừ 10 điểm giấy phép lái xe".

Quang Minh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/di-xe-may-nghe-dien-thoai-dung-tay-cam-va-thao-tac-bi-xu-ly-the-nao-17925022107423332.htm