Địa danh Ba Trinh xưa và nay

Ba Trinh là một trong những địa danh xưa thuộc quận Kế Sách. Thời Pháp thuộc, địa danh Ba Trinh chiếm một diện tích khá lớn, bao gồm vùng đất của hai xã Ba Trinh và Trinh Phú ngày nay và một phần đất của làng lân cận như Đại Hải, Kế An… Do địa hình đất thấp, nhiều bưng biền và vùng trũng nên người dân địa phương không quan tâm khai hoang vùng này trong một thời gian dài.

Tuy Ba Trinh là vùng đất rộng lớn nhưng dân cư thưa thớt, sinh sống có phần phân tán gây nhiều khó khăn trong việc quản lý dân cư và hoạt động trị an địa phương. Do vậy, chính quyền sở tại vùng này vào năm 1889, tiến hành chia ra thành hai làng mới là Ba Trinh và An Trinh. Nhưng việc phân chia này chỉ tồn tại một thời gian không lâu, do quản lý đất đai và cư dân của hương chức sở tại kém hiệu quả, việc tìm người quản lý khó khăn, người dân không muốn tham gia vào chính quyền thực dân… nên chính quyền lại chỉ đạo hai làng Ba Trinh và An Trinh tiếp tục nhập lại và lấy tên cũ là Ba Trinh (theo Nghị định của Thống đốc Nam kỳ ký ngày 14-4-1896).

Ngày nay, xã Ba Trinh đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới. Ảnh: Thúy Liễu

Ngày nay, xã Ba Trinh đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới. Ảnh: Thúy Liễu

Địa danh này xuất phát từ cách gọi của người dân về loại cây Pring – một loại cây hoang dã đã có nhiều ở địa phương. Tuy nhiên, đến nay người ta vẫn chưa kết luận rõ ràng cây pring chính là cây trôm, một loại cây thuộc nhóm gỗ tạp. Mũ (nhựa) của cây trôm lại là một thứ đồ uống có tác dụng giải nhiệt rất tốt cho bà con nông dân giữa tháng hè oi bức. Hiện nay, cây trôm hầu như bị tuyệt chủng ở vùng này nhưng dấu tích về nó vẫn còn ghi lại ở một số địa danh như: “Đồng cây Trôm” (thuộc khu vực xã An Mỹ, huyện Kế Sách giáp với xã Phú Tâm, huyện Châu Thành); “Chùa Sầm Rông” (Phường 5, TP. Sóc Trăng); “Ngã ba cây trôm” (thuộc xã Khánh Hòa, TX. Vĩnh Châu)… Bên cạnh đó, có không ít người khẳng định rằng cây pring lại chính là cây sắn – cũng là loại cây hoang phát triển rất mạnh ở nhiều tỉnh Nam bộ thời trước. Cây sắn thân thẳng, thịt gỗ mịn và tím sậm, trái nhỏ bằng đầu đũa ăn cũng màu tím sậm và có vị ngọt chát, là món ăn khoái khẩu của nhóm trẻ chăn trâu ngày xưa. Gỗ cây sắn cũng được nhiều gia đình nông dân nghèo dùng trong đóng bàn, ghế, tủ chén, vách nhà…

Ngoài địa danh Ba Trinh có nguồn gốc xuất phát từ cách gọi của người dân địa phương là pring, tại làng Đại Hải còn có một địa danh cũng xuất phát từ cách gọi này, đó là địa danh Ba Rinh. Kênh Ba Rinh có chiều dài 4km, bắt đầu từ trung tâm làng và kết thúc tại Quốc lộ 1A. Kênh Ba Rinh vốn chỉ là con rạch nhỏ trong địa phương của đồn điền Labasthe ngày trước. Mãi đến đầu những năm 1920, rạch Ba Rinh được chủ đồn điền Labasthe cho đào rộng ra trên 15m, vừa làm thủy lộ chính nối đồn với Quốc lộ 1A, vừa làm kênh thủy lợi chính xả nước, xổ phèn cho vùng đất trũng đầy hoang hóa này.

Ngày nay, xã Ba Trinh đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới. Những cảnh sống nghèo khó, bưng biền, lung trũng ngày nào đã qua. Giờ đây, vùng đất Ba Trinh trở nên trù phú, đời sống người dân sung túc, 7/7 ấp đạt chuẩn văn hóa; thu nhập bình quân đầu người 42 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo toàn xã chỉ còn 2%; hộ dân không còn nhà tạm thay vào đó là nhà kiên cố và bán kiên cố. Trong sản xuất đã ứng dụng khoa học kỹ thuật, tăng năng suất, hiệu quả cây trồng ngày càng cao; thu nhập trong dân không ngừng nâng lên. Đảng bộ xã Ba Trinh hạ quyết tâm xây dựng nông thôn mới đạt chuẩn kiểu mẫu trong vài năm tới.

Lê Trúc Vinh

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/soc-trang-que-toi/dia-danh-ba-trinh-xua-va-nay-28709.html