Địa danh Tham Đôn

'Tham Đôn' có nguồn gốc từ tiếng Khmer là KompongĐon (có nghĩa là 'bến dừa' hoặc 'vùng dừa', lâu dần được Việt hóa thành Tham Đôn cho dễ gọi).

Tham Đôn là 1/11 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn của huyện Mỹ Xuyên. Tham Đôn nằm ở phía Bắc – Đông Bắc giáp với TP. Sóc Trăng và thị trấn Mỹ Xuyên; phía Tây Bắc giáp xã Đại Tâm; phía Đông giáp với huyện Trần Đề; phía Nam giáp với hai xã Hòa Tú 1 và Ngọc Đông qua con sông Nhu Gia; phía Tây giáp với xã Thạnh Phú. Địa hình của xã Tham Đôn có nhiều sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Đất tự nhiên Tham Đôn khá rộng có tới 49,32km2, gồm 14 ấp: Cần Giờ 1, Cần Giờ 2, Sô La 1, Sô La 2, Sông Cái 1, Sông Cái 2, Trà Mẹt, Trà Bết, Giồng Có, Vũng Đùng, Dù Tho, Bưng Chụm, Tắc Gồng và ấp Phônôcampốt. Dân số gần 16.900 người (trong đó dân tộc Khmer chiếm 71,73%; dân tộc Kinh chiếm 25,66% và dân tộc Hoa chiếm 2,6%).

Tham Đôn hôm nay có sự đổi thay theo hướng ngày càng phát triển. Ảnh: KT

Tham Đôn hôm nay có sự đổi thay theo hướng ngày càng phát triển. Ảnh: KT

Theo dòng lịch sử, dù trải qua nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính cấp Tổng, cấp quận thì Tham Đôn vẫn giữ không thay đổi tên gọi từ xưa đến nay.

Về vị trí, Tham Đôn vừa tiếp giáp với TP. Sóc Trăng và thị trấn Mỹ Xuyên, vừa tiếp giáp với huyện Trần Đề và có đường thủy đi từ Sóc Trăng – Cà Mau theo con sông Nhu Gia giáp với xã Ngọc Tố – Hòa Tú… Vì vậy, Tham Đôn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị – quốc phòng và là cửa ngõ của các xã trong huyện Mỹ Xuyên về TP. Sóc Trăng – trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Tham Đôn thuộc “vùng kềm” của giặc nên đời sống nhân dân phải chịu những tầng áp bức bóc lột rất nặng nề trước và sau Cách mạng Tháng Tám, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, địch ra sức khủng bố, đàn áp, dồn dân, lập “ấp chiến lược”, “ấp tân sinh”, lấy địa bàn xã làm nơi tập trung quân lính, đưa quân chống phá vùng giải phóng, thành lập trung tâm huấn luyện Dù Tho, lập phân chi khu của cuộc cảnh sát, một liên đoàn phòng vệ và rải đều 5 đồn dân vệ ở các ấp trong xã Tham Đôn.

Tham Đôn là vùng đất có trên 70% là đồng bào Khmer nên trong những năm qua người dân được thụ hưởng nhiều chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, từ đó đời sống của người dân ngày càng nâng lên. Đồng thời, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được thực hiện là điều kiện vô cùng thuận lợi trong việc phát triển kinh tế – xã hội, chăm lo đời sống nhân dân.

Đặc điểm nổi bật về đời sống xã hội, tín ngưỡng của đồng bào Khmer nơi đây là có tới 5 chùa Khmer gồm: Bưng Chụm (PôThiChum), Tắc Gồng (PraSathKòng), Cần Giờ 1 (PhônôKanhchơchăs), Cần Giờ 2 (PhônôKanhchơThmây), Phônôcampốt. Những ngôi chùa Khmer là sự kết tinh từ nghệ thuật truyền thống và tính sáng tạo của dân tộc với những nét văn hóa đặc sắc đầy ấn tượng, là một chỉnh thể nghệ thuật được kết hợp một cách hài hòa các yếu tố kiến trúc, hội họa, hoa văn, trang trí, đây chính là nơi chứa đựng những giá trị tâm linh tín ngưỡng, văn hóa sâu sắc của dân tộc Khmer. Trải qua tiến trình lịch sử, những ngôi chùa có một vị thế rất vững chắc trong đời sống xã hội và tâm thức của người Khmer Nam bộ. Chùa chính là nơi diễn ra các lễ hội lớn trong năm và là nơi tập trung bà con Khmer đến học chữ Pali và học giáo lý.

Trên chặng đường 30 năm liên tục đánh Pháp lại đánh Mỹ và bè lũ tay sai thực dân, đế quốc, chi bộ và nhân dân Tham Đôn đã vượt qua bao khó khăn gian khổ, hy sinh biết bao đồng chí, đồng bào, có nhiều tấm gương “trung với Đảng, hiếu với dân”, can trường hy sinh vì Tổ quốc, vì độc lập, tự do, vì hạnh phúc cho nhân dân.

Tham Đôn hôm nay có sự đổi thay theo hướng ngày càng phát triển, đó là niềm hân hoan, là động lực để không ngừng nâng cao cuộc sống của người dân trên quê hương “bến dừa” – Tham Đôn.

LÊ TRÚC VINH

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/soc-trang-que-toi/dia-danh-tham-don-49221.html