Địa danh Trần Đề xưa và nay
Theo sử liệu tên gọi đầu tiên của Trần Đề là Trần Di được chúa Nguyễn ghi trong địa bạ vào năm 1714 và cửa biển Trấn Di cũng hình thành trong thời gian này, cửa sông Trấn Di sau đổi tên gọi là Trần Đề trong thời kỳ giặc Pháp đô hộ Việt Nam cho đến tận hôm nay.
Ngày trước cách đây hơn trăm năm trên dòng sông Ba Thắc (Bacssa nay là sông Hậu) có 3 cửa biển là Định An, Ba Thắc và Trấn Di. Nhưng sau một thời gian dài của sự bồi lắng phù sa, cửa biển Ba Thắc đã bị thiên nhiên lấp dần và hiện tại vị trí nằm sâu trong đất liền. Theo sự suy luận của người dân nơi đây, đoạn sông Hậu đầu của Cù Lao Dung ngang vàm Đại Ngãi bị phù sa bồi lắng, làm dòng chảy đổ vào sông Ba Thắc ngày càng yếu đi nên không đủ sức đẩy lượng phù sa rất lớn lấp dần cửa sông Ba Thắc. Dòng phù sa này do cửa Định An đổ ra biển và lấp dần về phía Nam do ảnh hưởng của dòng biển ven bờ nên che lấp dần cửa sông Ba Thắc.
Trần Đề là cửa sông cuối cùng của dòng Cửu Long Giang hùng vĩ. Nơi đây có cảng Trần Đề nằm tại vàm Kinh Ba (nay thuộc thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) là một khu phố mới, nhà cửa sầm uất, tàu bè tấp nập, xe cộ dập dìu, cá khô đầy ắp. Mỗi khi tàu cá về bến, cả khu vực cảng rộn rã tiếng cười, nhộn nhịp người mua, kẻ bán. Còn những lúc biển động hoặc qua mùa đánh bắt cá, thuyền của ngư dân lại kéo về đậu kín cả vàm sông.
Huyện Trần Đề được thành lập theo Nghị định số 64NĐ/CP, ngày 23-12-2009 của Chính phủ. Huyện Trần Đề có 11 đơn vị hành chính với 37.875,98ha và 130.077 nhân khẩu. Về với Trần Đề hôm nay đã có nhiều đổi thay bất ngờ. Từ vùng đất nước mặn, phèn chua đâu đâu cũng năn, lác, sậy, đế, rán, chà là, dừa nước, cỏ đủ loại mọc khắp cả đồng ruộng, kênh rạch, ven sông, ven biển. Mùa khô về người dân nơi đây đi đào củ năn, bắt chuột, cua biển, cá kèo ven kênh, rạch làm kế mưu sinh. Điện, đường, trường, trạm lúc đó hầu như không có, đầu năm 2019 chúng tôi có dịp trở lại Trần Đề mới cảm nhận sự thay da, đổi thịt của vùng đất năm xưa vốn nghèo khó tột cùng! Đồng chí Lưu Hữu Danh - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện cho biết, năm 2018 huyện đã triển khai 99 công trình với nguồn vốn đầu tư trên 183 tỉ đồng, tỷ lệ hộ dân có điện chiếm 99,49%, nước sạch sử dụng 97%. Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống người dân được cải thiện và nâng cao. Đến nay Trần Đề có 3 xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới, đó là xã Thạnh Thới Thuận, Lịch Hội Thượng và xã Viên Bình, riêng xã Đại Ân 2 phấn đấu trong năm 2019 đạt chuẩn nông thôn mới. Diện tích trồng lúa 45.906ha trong đó lúa đặc sản chiếm 87% năng suất bình quân đạt 6,1 tấn/ha. Đặc biệt cơ giới hóa khâu sản xuất chiếm 95%, mô hình cánh đồng mẫu lớn góp phần đạt hiệu quả, tăng giá trị sản xuất.
Riêng thủy sản được huyện xác định là mũi nhọn nền kinh tế của huyện. Diện tích nuôi thủy sản 6.358ha, trong đó nuôi tôm 5.115ha. Từ nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, nay nông dân chuyển sang hầu hết mô hình nuôi công nghiệp, ít rủi ro và đạt hiệu quả hơn. Năm 2018, đạt gần 28.000 tấn. Riêng lĩnh vực khai thác, đánh bắt hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá cũng có những chuyển biến tích cực. Toàn huyện có 620 tàu, trong đó có 353 tàu đánh bắt xa bờ, sản lượng khai thác, hàng năm đạt trên 50.000 tấn. Đồng thời huyện tập trung nâng chất các công trình: cảng cá Trần Đề, bến cá Mỏ Ó, khu du lịch sinh thái Mỏ Ó, tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo, khu công nghiệp Trần Đề, khu thương mại Trần Đề... để thu hút khách tham quan. Ngoài ra, huyện quan tâm xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc trưng về biển, mở rộng các khu vực vui chơi văn hóa, ẩm thực, khách sạn… Đây là nền tảng cơ bản để huyện phát triển du lịch bền vững trong thời gian tới.
Với những thành quả của ngày hôm nay, mai sau Trần Đề sẽ giàu về kinh tế, vững mạnh chính trị quốc phòng – an ninh và là vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Sóc Trăng.
Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/soc-trang-que-toi/dia-danh-tran-de-xua-va-nay-28334.html