'Địa ngục trần gian' Khe Tù nguy cơ thành phế tích

Được xây dựng sau nhà tù Hỏa Lò, nhà tù Khe Tù là nơi giam giữ các chiến sĩ cách mạng nhiều năm trời, là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống.

Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân, khu di tích này gần như đang bị lãng quên.

Địa ngục giữa trần gian

Những ngày tháng 6/2023, PV Báo Giao thông gặp cụ Hà Trung Tuấn, hiện ở khu phố 1, thị trấn Tiên Yên, nguyên cán bộ của Đại đội thông tin, Tiểu đoàn 434, Trung đoàn 238, Sư đoàn 332 - một nhân chứng của Khu di tích nhà tù Khe Tù (huyện Tiên Yên, Quảng Ninh).

Toàn cảnh Khu di tích nhà tù Khe Tù (Ảnh tư liệu do Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tiên Yên cấp)

Toàn cảnh Khu di tích nhà tù Khe Tù (Ảnh tư liệu do Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tiên Yên cấp)

Cụ Tuấn kể, đơn vị của cụ tham gia vào tiếp quản Tiên Yên ngày 8/8/1954. Trong đó, Đại đội của cụ Tuấn trực tiếp vào tiếp quản nhà tù Khe Tù.

Khẽ nhắm mắt, giọng nghẹn lại vì đau đớn, người cựu binh 87 tuổi nhớ lại lúc cụ và đồng đội vào tiếp quản nhà tù Khe Tù: “Hệ thống đồn, bốt, nhà thương, máy chém… được bố trí rất quy mô, nhìn đã rợn người.

Gần đó là một hố chôn với nhưng thi thể không còn nguyên vẹn. Người dân quanh khu vực không ai dám vãng lai, tiếng quạ, diều hâu kêu táo tác khắc nơi...”.

Chị Dương Thị Hậu, Phó phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tiên Yên cho biết, chị cũng đã nhiều lần được Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục III, Bộ Công an kể về nhà tù Khe Tù.

Ông Hà Trung Tuấn - nhân chứng lịch sử đang kể với cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tiên Yên về những ngày cùng đồng đội vào tiếp quản nhà tù Khe Tù

Ông Hà Trung Tuấn - nhân chứng lịch sử đang kể với cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tiên Yên về những ngày cùng đồng đội vào tiếp quản nhà tù Khe Tù

Năm 1948, ông Minh là cán bộ công an Hà Nội hoạt động ở nội thành, bị địch bắt, đưa về tra khảo, giam tại nhà lao Hỏa Lò (Hà Nội). Sau đó, ông và hơn 100 tù nhân từ Hỏa Lò bị chuyển về trại Khe Tù.

Sở dĩ Khu di tích nhà tù Khe Tù chưa được đầu tư là do khu vực này nằm trong đất quốc phòng do Trung đoàn 42 quản lý.
Địa phương đã nhiều lần kiến nghị cấp có thẩm quyền nhanh chóng quy hoạch để xây dựng khu di tích nhằm giáo dục truyền thống. Tuy nhiên, cho đến nay, do có nhiều quy định chặt chẽ liên quan đến đất, công trình quốc phòng, nên vẫn đành phải chờ…
Bà Đặng Thị Hậu, Phó phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tiên Yên

Trại Khe Tù ngày ấy nằm ở sát con sông chảy về thị trấn Tiên Yên, bốn bề là hàng rào dây thép gai. Trại có hai dãy sạp bằng tre cho tù nhân ngồi ăn, ngủ. Các tù nhân phải đi vác đá, chịu sự đánh đập dã man của các cai ngục.

“Cuối tháng 10/1948, cụ Minh và một cán bộ tên là Sỹ Vân rủ nhau trốn tù, bơi qua sông nhưng bị bắt trở lại, bị đánh đập rất dã man, trói ở cổng, không cho ăn uống. Liệt sĩ Sỹ Vân bị đòn roi dã man đã tử vong…”, chị Hậu cho hay.

Anh Phạm Ngọc Long (SN 1965, trú tại số nhà 95, phố Thống Nhất, thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên) vẫn giữ được bản chép mà mẹ anh, bà Nguyễn Thị Sử (SN 1926) kể và bắt anh phải chép lại vào năm 2006 trước khi cụ mất (năm 2008).

Theo bản chép, lúc đó bà Sử khoảng 16 - 17 tuổi, bị bắt đi làm cu li để xây nhà tù Khe Tù. Tại đây, máy chém được đặt bên bờ sông, để sau khi hành quyết xong, giặc cho thi thể các tù nhân vào bao rồi thả trôi theo dòng nước.

“Mẹ tôi kể, trước khi hành hình, chúng cho người tù 5 phút để nói lời cuối. Người đi rừng bên kia sông thường xuyên nghe tiếng kêu thảm thiết của họ. Hầu hết những người này chỉ kêu lên danh tính, quê quán rồi bị chém chết...”, anh Long kể.

Di tích lịch sử đang chờ ngày đổ sập

Chiếc giếng được coi là nơi thực dân Pháp chặt đầu tù nhân rồi vứt xuống đang bị cỏ mọc kín lối

Chiếc giếng được coi là nơi thực dân Pháp chặt đầu tù nhân rồi vứt xuống đang bị cỏ mọc kín lối

Theo chị Dương Thị Hậu, Khu di tích nhà tù Khe Tù gồm một nhà tù lớn và bệnh viện quân y ở khu ven sông Phố Cũ.

Tại khu vực này, thực dân Pháp cho lập nhiều đồn bốt, kho tàng, bến cảng kiên cố, nhiều lô cốt canh gác, chốt giữ các điểm cao xung quanh và bố trí hai hệ thống nhà giam để nhốt tù nhân. Đồng thời, chúng dựng lên máy chém và xây hệ thống hầm ngầm để thủ tiêu các tù nhân cộng sản.

Thực dân Pháp đã huy động binh lính và tù nhân làm cả ngày lẫn đêm trong gần 6 năm để xây dựng nhà tù Khe Tù.

Lúc ấy, Tiên Yên vốn là nơi “rừng thiêng, nước độc”. Đặt nhà tù Khe Tù ở đây, ngoài để giam giữ tù nhân, thực dân Pháp còn dùng để án ngữ đường huyết mạch từ Móng Cái về Hà Nội hoặc ra Hải Phòng.

Nhà tù Khe Tù với quy mô phòng giam, lô cốt, đồn bốt, sân bay, kho xăng dầu… còn là hậu cứ của điểm đầu tiên kết nối của con đường số 4. Con đường này thời kháng Pháp đã được mệnh danh là “con đường lửa” đi qua một số tỉnh của chiến khu cách mạng như Lạng Sơn, Cao Bằng…

Chứng tích về bệ máy chém của thực dân Pháp dùng để hành quyết tù nhân ở nhà tù Khe Tù

Chứng tích về bệ máy chém của thực dân Pháp dùng để hành quyết tù nhân ở nhà tù Khe Tù

Tại nhà tù Khe Tù có 4 máy chém, mỗi máy chém được trang bị 1 dao chém có trọng lượng 80kg, dài 2m và dày đến 3cm.

Khác với máy chém ở nhà tù Hỏa Lò đặt kín đáo trong buồng xử, máy chém ở Khe Tù nằm lộ thiên ngoài trời. Nối từ các máy chém này xuống sông Khe Tù là các máng xi măng. Vào những ngày cao điểm xử trảm tù nhân, máu phạm nhân theo máng xi măng, chảy xuống sông Khe Tù loang đỏ một khúc sông.

Vào ngày 13/12/2011, UBND tỉnh Quảng Ninh đã công nhận Khe Tù là di tích cấp tỉnh và triển khai xây dựng một số công trình ở vị trí giặc Pháp đặt máy chém trước đây vào tháng 1/2018.

Dù có giá trị giáo dục truyền thống về lòng yêu nước của ông cha ta như vậy nhưng Khu di tích lịch sử Khe Tù hiện đang có có nguy cơ trở thành phế tích. Ngoài đài tưởng niệm gồm 2 đài hương, văn bia và một số công trình nhỏ khác thì khu di tích đang bị cỏ mọc kín lối.

Dẫn PV ra khu vực giếng và hố chôn các tù nhân, một cán bộ của Trung đoàn 42 phải vạch đám cỏ cao lút đi vào. Một số công trình được xây dựng thời Pháp như dãy nhà thương, tháp canh cạnh khu vực máy chém… đã bị xuống cấp, đang có nguy cơ đổ sập xuống bất cứ lúc nào.

Khu di tích lại nằm trong khuôn viên của Trung đoàn 42, Đoàn Kinh tế, Quốc phòng 327, Quân khu 3, nên việc du khách, người dân muốn vào thăm, thắp hương không dễ dàng.

Quang Minh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dia-nguc-tran-gian-khe-tu-nguy-co-thanh-phe-tich-d595878.html