'Địa ngục trần gian' thách thức giới hạn sinh tồn của dân Nam Á
Nhiệt độ tại nhiều khu vực ở Ấn Độ và Pakistan đạt mức kỷ lục do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng khí hậu, khiến cuộc sống của hàng triệu người dân gặp nguy hiểm.
"Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, Pakistan trải qua cái mà nhiều người gọi là 'năm không có mùa xuân'", Bộ trưởng Biến đổi khí hậu Pakistan Sherry Rehman cho biết trong một tuyên bố, CNN đưa tin.
Theo dữ liệu từ Cục Khí tượng Pakistan (PMD), làn sóng nắng nóng đang ập đến nước này. Các thành phố Jacobabad và Sibi ở tỉnh Sindh, phía đông nam Pakistan, ghi nhận mức nhiệt kỷ lục với 47 độ C vào ngày 29/4, cao hơn bất kỳ thành phố nào ở Bắc bán cầu tại thời điểm đó.
Ngoài Pakistan, nước láng giềng Ấn Độ cũng đang hứng chịu đợt nắng nóng kỷ lục. Theo Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD), vào tháng 4, nhiệt độ tối đa trung bình ở vùng Tây Bắc và miền Trung nước này đạt mức cao nhất trong 122 năm qua, với 35,9 và 37,78 độ C.
Đợt nắng nóng cũng đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu năng lượng trên khắp Ấn Độ và Pakistan khiến nhiều cư dân cảm thấy như "đang sống trong địa ngục", theo Guardian.
Nắng nóng chưa từng có
Tháng trước, New Delhi ghi nhận 7 ngày nắng nóng liên tiếp trên 40 độ C, cao hơn 3 độ C so với nhiệt độ trung bình tháng 4.
Ở một số bang, khí hậu khắc nghiệt khiến nhiều trường học phải đóng cửa, làm mất mùa và đe dọa nguồn cung năng lượng. Các quan chức khuyến cáo cư dân ở trong nhà và uống đủ nước để vượt qua giai đoạn khắc nghiệt.
IDM cho biết nhiệt độ ở Ấn Độ dự kiến cải thiện một chút trong tuần này. Theo đó, nhiệt độ tối đa trên khắp vùng Tây Bắc nước này dự kiến giảm 3-4 độ C. Nhiệt độ ở Pakistan cũng được dự báo giảm xuống khoảng 40 độ C vào cuối tuần này.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ gây ra nhiều đợt nắng nóng thường xuyên và kéo dài hơn, ảnh hưởng đến hơn một tỷ người ở cả hai quốc gia.
“Sự nguy hiểm của các đợt nắng tại Ấn Độ và Pakistan hiện nay không chỉ nằm ở mức nhiệt cao, phá vỡ các kỷ lục trước đó, mà quan trọng hơn là thời gian kéo dài", ông Robert Rohde, trưởng nhóm khoa học tại tổ chức phi lợi nhuận Berkeley Earth, theo Scientific American.
Trong khi đó, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết Ấn Độ nằm trong số các quốc gia được dự báo bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu.
"Đợt nắng nóng này chắc chắn là chưa từng có", tiến sĩ Chandni Singh, nhà nghiên cứu cấp cao của IPCC tại Viện Định cư Con người Ấn Độ, cho biết.
"Chúng tôi đã thấy sự thay đổi về cường độ, thời điểm xuất hiện và thời gian kéo dài (của đợt nắng nóng). Đây là điều mà các chuyên gia khí hậu đã dự đoán và tình trạng này sẽ tác động lớn đến sức khỏe", bà Chandni Singh cho biết.
Ấn Độ thường trải qua đợt nắng nóng trong những tháng mùa hè - tháng 5 và tháng 6. Tuy nhiên, năm nay, nhiệt độ bắt đầu tăng ngay từ tháng 3 và tháng 4.
Ở bang Punjab, miền Bắc nước này, nơi được mệnh danh là "vựa bánh mì của Ấn Độ", đợt nắng nóng không chỉ khiến hàng triệu nông dân căng thẳng mà còn làm giảm sản lượng lúa mì - nguồn thu nhập chính để họ nuôi gia đình.
Lãnh đạo cơ quan nông nghiệp ở Punjab Gurvinder Singh cho biết mức tăng trung bình tới 7 độ C trong tháng 4 đã làm giảm sản lượng lúa mì ở khu vực này. “Đợt nắng nóng khiến chúng tôi mất hơn 5 tạ/ha trong tháng 4”, ông nói.
Trong khi đó, nông dân cũng phải chịu đựng cái nóng khắc nghiệt hơn. "Những người làm việc ngoài trời như nông dân, công nhân xây dựng, lao động chân tay, sẽ phải chịu đựng nhiều hơn. Họ không thể tránh khỏi cái nóng", bà Chandni Singh cho biết.
Khó khăn chồng chất
Ở một số vùng của Ấn Độ, nhu cầu sử dụng điện tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu than, khiến hàng triệu người bị cắt điện tới 9 giờ/ngày.
Tuần trước, dự trữ than tại 3/5 nhà máy điện chính của New Delhi giảm xuống mức báo động, dưới 25%, theo cơ quan điện lực nước này.
Một quan chức cấp cao của Bộ Đường sắt Ấn Độ nói với CNN rằng nước này đã hủy hơn 650 chuyến tàu chở khách từ cuối tháng 5 để vận hành thêm nhiều chuyến tàu chở hàng, nhằm bổ sung lượng than dự trữ cho các nhà máy điện.
Trong khi đó, một số bang ở Ấn Độ, bao gồm Tây Bengal và Odisha, đã thông báo đóng cửa trường học để ứng phó với tình trạng nhiệt độ tăng cao.
"Nhiều em bị chảy máu cam khi buộc phải đến trường, chúng không chịu đựng được đợt nắng nóng này", Thủ hiến bang Tây Bengal Mamata Banerjee nói với các phóng viên vào tuần trước.
Trong những năm gần đây, cả chính phủ liên bang và các tiểu bang Ấn Độ đã thực hiện một số biện pháp để giảm thiểu tác động của nắng nóng, bao gồm đóng cửa trường học và đưa ra các khuyến cáo về sức khỏe cho người dân.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Chandni Singh, cần phải làm nhiều hơn nữa để chuẩn bị cho những đợt nắng nóng trong tương lai.
“Chúng ta không có kế hoạch hành động (để ứng phó với các đợt nắng nóng) và còn nhiều khoảng trống trong việc lập kế hoạch", bà nói. "Đợt nắng nóng này đang thách thức giới hạn sinh tồn của con người".