Địa ốc Sài Gòn (SGR): Người nhà lãnh đạo thông báo bán ra, cổ phiếu giảm sàn 4 phiên liên tiếp
Cổ phiếu SGR của CTCP Địa ốc Sài Gòn đã có 4 phiên giảm sàn liên tiếp kể từ ngày 19/3/2021, trước khi lấy lại nhịp hồi trong phiên giao dịch ngày hôm nay (25/3).
Trước đó, từ ngày 9/2 - 18/3, giá cổ phiếu này tăng đến 127,8% từ 19.400 đồng/cổ phiếu lên mức 44.200 đồng/cổ phiếu, trở thành cổ phiếu tăng mạnh thứ hai tại sàn HOSE trong khoảng thời gian xét đến.
Một trong những thông tin được xem là hỗ trợ cho việc tăng giá của SGR trong giai đoạn này là việc doanh nghiệp đưa ra kế hoạch lợi nhuận sau thuế lên đến 240 tỷ đồng cho năm 2021. Nếu đạt được, đây sẽ là kết quả cao nhất kể từ năm 2016, đồng thời cũng cao gần gấp 2,4 lần so với thực hiện của năm 2020.
Năm 2020, mặc dù doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tiếp tục chiều hướng sụt giảm khi chỉ đạt hơn 79,7 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế của SGR vẫn đạt gần 102 tỷ đồng nhờ ghi nhận doanh thu tài chính tăng vọt với việc chuyển nhượng cổ phần ở một số công ty con. Trong đó, năm 2020 SGR chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn Riverside trị giá 238 tỷ đồng.
Tận dụng sóng tăng này, người nhà của lãnh đạo Công ty đã tranh thủ bán ra. Trong đó, ông Nguyễn Ngọc Hải, chồng bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Phó chủ tịch SGR đăng ký bán toàn bộ hơn 3,54 triệu cổ phiếu SGR (chiếm tỷ lệ 5,9% vốn SGR) đang nắm giữ từ ngày 22/3 đến 20/4. Đây là con số lớn so với khối lượng giao dịch bình quân 102.414 cổ phiếu/ngày trong tháng gần nhất của cổ phiếu này.
Chưa hết, từ ngày 23/3 đến 21/4, bà Trần Ngọc Mỹ Trang, vợ ông Phạm Đình Thành, Phó tổng giám đốc Công ty cũng đăng ký bán toàn bộ 31.296 cổ phiếu SGR đang nắm giữ. Ông Thành hiện đang sở hữu gần 3,72 triệu cổ phiếu SGR (chiếm tỷ lệ 6,19% vốn Công ty).
Từ ngày 25/3 đến 23/4, bà Đỗ Ngọc Trâm, vợ ông Nguyễn Hồng Phát, Trưởng Ban kiểm soát SGR cũng đăng ký bán toàn bộ 68.044 cổ phiếu SGR đang sở hữu.
Việc nguồn cung lớn chuẩn bị gia nhập nhiều khả năng đã có tác động tiêu cực, khiến cổ phiếu SGR có 4 phiên giảm sàn liên tiếp từ phiên 19/3 đến 24/3, xuống 33.200 đồng, trước khi bật trở lại mức trần 35.500 đồng trong phiên hôm nay (25/3).
Được biết, SGR sở hữu gần chục dự án, nhưng phần lớn trong số này đang gặp vướng ở khâu giải phóng mặt bằng và thủ tục pháp lý, do đó hoạt động kinh doanh trong 3 năm qua được trợ lực rất nhiều từ hoạt động bán các dự án. Nhiều dự án được Công ty mua đi bán lại có thể kể đến như dự án Khu nhà ở Lê Gia Plaza tại Bình Dương, dự án Vũng Tàu Golden Complex…
Giữa năm 2020, SGR cũng công bố kế hoạch đầu tư dự án Làng sinh thái Việt Xanh ở Hòa Bình, dự án đầu tiên do công ty làm chủ đầu tư ở thị trường miền Bắc với quy mô 50 ha, gồm 168 căn biệt thự, 18 căn nhà liền kề. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 400 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong quý II/2021.
Tính tới cuối 2020, chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang ở hơn 10 dự án bất động sản mà SGR đang nắm giữ là hơn 737,5 tỷ đồng, chiếm gần nửa tổng tài sản ngắn hạn. Một nửa còn lại tập trung vào các khoản phải thu ngắn hơn với hơn 802,7 tỷ đồng.
Đây cũng là lý do chính khiến SGR mặc dù báo lãi, nhưng lưu chuyển tiền tệ thuần từ hoạt động kinh doanh liên tục âm nặng trong nhiều năm. Tới cuối 2020, lưu chuyển tiền tệ thuần từ hoạt động kinh doanh của SGR ghi nhận âm hơn 390,2 tỷ đồng.
SGR có chuỗi tăng nóng kể từ 9/2 trước khi có 4 phiên giảm sàn, rồi lại tăng trần trở lại trong phiên 25/3.
Liên quan tới các khoản phải thu ngắn hạn, đáng chú ý nhất là 380 tỷ đồng là Tiền trả trước ngắn hạn cho khách hàng để mua lại Công ty cổ phần xây dựng Sài Gòn Kim Hảo. Theo thỏa thuận đạt được, SGR chính thức sở hữu dự án quy mô tại quận 12, TP.HCM có tổng diện tích 3.1 ha. Tuy nhiên, thương vụ chuyển nhượng đã không thành công.
Trong thuyết minh của mình, SGR cho biết, đến thời điểm lập báo cáo, Công ty đã tiến hành các thủ tục pháp lý có liên quan đến vụ việc trên để khởi kiện ra tòa, tuy nhiên, Ban tổng giám đốc Công ty đánh giá rằng khả năng thu hồi nợ đối với khoản công nợ này không bị suy giảm nên không xem xét trích lập dự phòng.