Địa ốc Saigonres báo lãi cao gấp 2,6 lần doanh thu
Dù chỉ thu về 16 tỷ đồng doanh thu bán hàng nhưng do doanh thu tài chính ở mức cao nên Tổng CTCP Địa ốc Sài Gòn - Saigonres (HoSE: SGR) vẫn báo lãi 41 tỷ đồng trong quý 2/2023.
Báo cáo tài chính quý 2/2023 do Saigonres công bố ngày 24/7 cho biết, trong quý công ty ghi nhận 16 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng thêm 5 tỷ đồng so với quý 1/2023 và tăng 60% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ doanh thu các dự án.
Tuy nhiên, do giá vốn hàng hóa ở mức 13 tỷ đồng nên công ty chỉ thu về 3 tỷ đồng lợi nhuận gộp.
Trong kỳ, Saigonres ghi nhận doanh thu tài chính ở mức cao với 43 tỷ đồng, gấp 8,6 lần so với quý trước đó. Tuy nhiên con số này lại giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022 do giảm doanh thu lãi cho vay, giảm cổ tức lợi nhuận được chia.
Trong kỳ, các loại chi phí đều giảm, khấu trừ thuế phí, Saigonres báo lãi 41 tỷ đồng trong quý 2/2023. Đây là con số rất tích cực so với khoản lỗ 11 tỷ của quý 1, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, SGR thu về 28 tỷ đồng doanh thu thuần và 30 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Saigonres đặt mục tiêu doanh thu 906 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 315 tỷ đồng.
Tính tới ngày 30/6/2023, tổng tài sản của SGR ở mức 1.948 tỷ đồng, giảm 51 tỷ đồng so với số đầu năm, trong đó chủ yếu là tài sản ngắn hạn chiếm 1.403 tỷ đồng. Hai khoản chiếm phần lớn trong tài sản ngắn hạn là các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho chiếm lần lượt 715 tỷ đồng và 614 tỷ đồng.
Hàng tồn kho chủ yếu là chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang của các dự án như: Dự án An Phú Đông quận 12 (31 tỷ đồng), dự án An Phú Residence quận Thủ Đức (73 tỷ đồng), dự án Nhơn Trạch, Đồng Nai (99 tỷ đồng), dự án đường Phú Định, phường 16, quận 8, TP HCM (70 tỷ đồng), dự án tại Phan Huy Chú, phường 2, TP Vũng Tàu (111 tỷ đồng),...
Tài sản dài hạn của công ty chiếm phần còn lại với 544 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản phải thu dài hạn và bất động sản đầu tư.
Tổng số nợ phải trả của SGN giảm 77 tỷ đồng so với đầu năm, ở mức 1.042 tỷ đồng, trong đó nợ dài hạn chiếm 791 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn ghi nhận 259 tỷ đồng, giảm 8 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu là vay từ các cá nhân có liên quan đến công ty với 93 tỷ đồng, lãi suất 10,5%/năm để bổ sung vốn lưu động.
Nợ dài hạn của SGR ghi nhận 251 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là doanh thu chưa thực hiện dài hạn chiếm 172 tỷ đồng, đây là doanh thu nhận trước từ việc cho thuê mặt bằng. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn chiếm 45 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch sáng 25/7, cổ phiếu SGR đang ở mức 26.300 đồng/cổ phiếu.
Tổng CTCP Địa ốc Sài Gòn - Saigonres tiền thân là một doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa vào năm 1999. Ngày 15/01/2018, Saigonres Group trở thành công ty đại chúng với mã cổ phiếu SGR, Chủ tịch HĐQT là ông Phạm Thu, sinh năm 1949.
Công ty đã có 40 năm hình thành và phát triển, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản; sau 5 năm niêm yết trên sàn HoSE, công ty chưa lỗ năm nào.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Saigonres cho biết trong năm 2022, công ty đã quản lý, thực hiện gần 20 dự án với tổng diện tích khoảng 120 ha, các dự án tiêu biểu gồm: Khu nhà ở thương mại Saigonres TP Vũng Tàu, diện tích 5,6 ha; khu nhà ở Văn Lâm, Bình Thuận gần 20 ha, khu đô thị Saigonres Phú Quốc 30 ha, khu đô thị sinh thái Việt Xanh, Hòa Bình 50 ha...
Công ty cũng ký hợp đồng hứa chuyển nhượng cụm dự án gồm chung cư An Phú Riverview và An Phú Residences tại phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức cho đối tác là Đất Xanh Group. Cho đến nay, cụm dự án này chưa có đủ điều kiện chuyển nhượng (chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có đường vào…) và Saigonres vẫn đang bàn bạc với đối tác.
Liên quan đến kế hoạch phát triển dự án và mở rộng quỹ đất Saigonres cho biết đang cân nhắc tham gia góp vốn thực hiện các dự án mới tại đường Xuyên Á, Mộc Bài (Tây Ninh), Củ Chi (TP HCM), Vũng Tàu, Phú Quốc, Đồng Nai,… và mở rộng thị trường ở phía Bắc như Hòa Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh,…
Công ty cũng thông qua kế hoạch không chia cổ tức trong hai năm 2022 và 2023 để tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng trong năm 2024.