Địa phương chưa đáp ứng việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân ở các KCN-KCX

Hệ thống y tế tại địa phương chưa đáp ứng được số lượng công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản.

ThS-BS Đinh Anh Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) đã cho biết như trên Hội thảo phổ biến, triển khai đề án “Tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động tại các KCN, KCX giai đoạn 2024-2030” vào sáng nay (19.12).

ThS-BS Đinh Anh Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) chia sẻ tại Hội thảo phổ biến, triển khai Đề án “Tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động tại các KCN, KCX giai đoạn 2024-2030" sáng nay 19.12 - Ảnh: BYT

ThS-BS Đinh Anh Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) chia sẻ tại Hội thảo phổ biến, triển khai Đề án “Tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động tại các KCN, KCX giai đoạn 2024-2030" sáng nay 19.12 - Ảnh: BYT

Theo ông Đinh Anh Tuấn, sau hơn 10 năm thực hiện chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tình hình sức khỏe sinh sản của người dân đã có những chuyển biến tích cực, các chỉ số cơ bản về sức khỏe sinh sản như tỷ số tử vong mẹ, tỷ lệ chăm sóc trước, trong và sau sinh, tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã được cải thiện đáng kể, mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đã phát triển rộng rãi ở tất cả các cấp. Người dân có thể tiếp cận và nhận được các dịch vụ cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản từ thông tin, giáo dục, truyền thông đến dịch vụ kỹ thuật lâm sàng.

Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho một bộ phận không nhỏ là lao động trẻ đến sinh sống và làm việc tại các KCN, KCX còn nhiều bất cập và hạn chế.

“Hệ thống y tế tại địa phương chưa đáp ứng được số lượng công nhân đang làm việc tại các KCN, KCX trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản chủ yếu tập trung vào các hoạt động như tình dục an toàn, làm mẹ an toàn, kế hoạch hóa gia đình, chưa đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu khác của công nhân lao động như: sàng lọc, phát hiện sớm các bệnh nhiễm khuẩn, ung thư sinh sản; dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em; dự phòng, phát hiện và điều trị vô sinh, hiếm muộn; tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho thanh niên”, ông Tuấn giải thích.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho biết mạng lưới cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản sẵn có tại địa phương chưa phù hợp với thời gian sinh hoạt, làm việc của công nhân lao động tại các KCN, KCX như địa điểm cung cấp dịch vụ xa khu công nghiệp, khu chế xuất. Thời gian cung cấp dịch vụ theo giờ hành chính, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân lao động tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Để thực hiện đề án “Tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2024-2030”, ông Tuấn cho biết Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em là đơn vị đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các chương trình can thiệp, các mô hình điểm về tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động; điều phối hoạt động giữa các ngành, các đơn vị, chương trình, dự án, các tổ chức trong và ngoài nước tham gia vào công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động nhằm tăng cường hiệu quả và tránh trùng lặp.

Tại các địa phương, trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố làm đầu mối điều phối hoạt động giữa các bên liên quan để tổ chức thực hiện các hoạt động vận động nguồn lực, xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông kết hợp cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động trên địa bàn tỉnh, thành phố, đảm bảo hiệu quả và tránh trùng lặp.

Ngoài ra, trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố phối hợp với liên đoàn lao động các cấp, ban quản lý các KCN, KCX tuyên truyền vận động, hướng dẫn đại diện người sử dụng lao động và đại diện tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp xây dựng các chính sách về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động trong thỏa ước lao động tập thể.

Đề án “Tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2024-2030” đã được Bộ Y tế chính thức phê duyệt tại Quyết định số 2899/QĐ-BYT ngày 30.9.2024. Theo đó, đề án này sẽ tập trung vào các giải pháp như: tăng cường truyền thông, vận động chính sách; nâng cao năng lực cho cán bộ y tế làm công tác truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động; truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với điều kiện sinh hoạt và thời gian làm việc của công nhân lao động tại các KCN, KCX; xây dựng mô hình điểm và nhân rộng.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/dia-phuong-chua-dap-ung-viec-cham-soc-suc-khoe-sinh-san-cho-cong-nhan-o-cac-kcn-kcx-227295.html