Địa phương đầu tiên vùng Đồng bằng sông Hồng được phê duyệt quy hoạch tỉnh
Sáng 12/2, trong khuôn khổ Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị đã diễn ra lễ công bố và trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040.
Tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh mới là địa phương thứ 3 trong cả nước (sau Bắc Giang và Hà Tĩnh) được phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Đồng thời, Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên của vùng Đồng bằng sông Hồng được phê duyệt quy hoạch.
Theo quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch tỉnh Quảng Ninh bao gồm toàn bộ tỉnh Quảng Ninh với tổng diện tích tự nhiên trên đất liền 6.206,9 km2 và phần diện tích biển có ranh giới ngoài cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm một khoảng cách 6 hải lý do Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định và công bố, với 13 đơn vị hành chính gồm: 4 thành phố (Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí); 2 thị xã (Quảng Yên, Đông Triều) và 7 huyện (Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Ba Chẽ, Vân Đồn, Cô Tô).
Định hướng phát triển đến năm 2030 là xây dựng, phát triển Quảng Ninh thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; là khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.
Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh.
Trong đó, quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 10/2/2023, có phạm vi khu vực lập quy hoạch là toàn bộ đơn vị hành chính TP Hạ Long theo Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phía Bắc giáp huyện Ba Chẽ và huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang). Phía Nam giáp vùng biển Cát Bà - Hải Phòng; vùng biển Bái Tử Long và vịnh Bắc Bộ. Phía Đông giáp TP Cẩm Phả. Phía Tây giáp thị xã Quảng Yên, TP Uông Bí. Quy mô lập quy hoạch khoảng 1.121,322km2 (112.132 ha) và diện tích mặt biển khoảng 402km2 (40.251ha).
Quy hoạch nhằm xây dựng, phát triển TP Hạ Long trở thành đô thị dịch vụ, du lịch văn minh, thân thiện, trung tâm dịch vụ - du lịch quốc gia mang tầm quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại và đồng bộ gắn kết giữa bảo tồn và phát triển bền vững Di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng.
Phát triển TP Hạ Long theo hướng phát triển bền vững, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu, lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, theo hướng đa cực, hài hòa với di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và các vùng núi phía Bắc TP. Đồng thời, khai thác tối ưu tiềm năng, lợi thế của TP Hạ Long; tạo việc làm; nâng cao chất lượng đô thị; khai thác tốt hệ thống hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư trên địa bàn để kết nối, mở rộng không gian phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch.
Được biết theo quy hoạch, TP Hạ Long sẽ phát triển theo mô hình gồm 5 vùng (vùng Hạ Long, vùng phía Đông, vùng phía Tây, vùng vịnh Cửa Lục - khu vực phía Bắc vịnh Cửa Lục, vùng đồi núi phía Bắc) và 1 hành lang ven vịnh Hạ Long, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối.