Địa phương gặp khó trong hậu kiểm thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Theo đại diện Sở Y tế tỉnh Hòa Bình, các tỉnh không có khả năng về kinh phí và thiết bị thực hiện kiểm nghiệm nhiều loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Ngày 23-5, Bộ Y tế tổ chức hội nghị toàn quốc đánh giá đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế.

Hậu kiểm chỉ trên giấy tờ

Trao đổi tại hội nghị, đại diện các sở y tế cho biết hiện nay, việc đăng ký thực phẩm bảo vệ sức khỏe dễ dàng, hậu kiểm chỉ trên giấy tờ... là những bất cập trong công tác quản lý, cấp phép đối với sản phẩm là thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Đại diện Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cho hay theo Nghị định 15/2018, các công ty tự công bố và tự chịu trách nhiệm đối với sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe và sữa. Việc hậu kiểm thường theo chuyên đề, kế hoạch hoặc khi có thông tin về chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, tỉnh không có khả năng về kinh phí và thiết bị thực hiện kiểm nghiệm nhiều loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe và sữa.

"Nguồn lực thực hiện kiểm nghiệm còn hạn chế, trong khi các đối tượng sản xuất hàng giả rất tinh vi, không ở siêu thị, cửa hàng trên địa bàn mà bán trên sàn thương mại điện tử...", đại diện Sở Y tế tỉnh Hòa Bình nói.

Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an), cho biết từ đầu năm đến nay, riêng về tội phạm sản xuất buôn bán hàng giả, cơ quan công an đã khởi tố 6 vụ án.

Đại diện Bộ Công an cũng chỉ ra các nhóm thủ đoạn của các công ty sản xuất hàng giả.

Thứ nhất, các công ty lợi dụng cơ chế tự công bố sản phẩm, đăng ký tiêu chuẩn hàm lượng cao nhưng sản xuất sản phẩm lại không đúng tiêu chuẩn đã công bố.

Tiếp đó, các sản phẩm thổi phồng tính năng công dụng, lừa dối người tiêu dùng nhằm mục đích trục lợi.

Thứ ba, các đối tượng thành lập nhiều doanh nghiệp và đăng ký tại nhiều địa điểm khác nhau; nhập nguyên liệu, nhà máy sản xuất, đăng ký sản phẩm, phân phối, truyền thông... hoạt động khép kín để hợp thức, trốn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng.

 Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an). Ảnh: TRẦN MINH

Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an). Ảnh: TRẦN MINH

Thứ tư, các công ty sản xuất, kinh doanh hàng giả có sự móc nối với cơ quan chức năng, đơn vị liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp như cung cấp phiếu kiểm nghiệm khống để hợp thức hóa thủ tục xin công bố sản phẩm.

"Bên cạnh đó, có tồn tại những vướng mắc, bất cập trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này, cụ thể là tại Luật An toàn thực phẩm, Luật Dược và các văn bản hướng dẫn thi hành", đại diện Bộ Công an cho biết.

Trên cơ sở các kết quả điều tra, đánh giá, ông Tùng thông tin Bộ Công an đã có tham mưu về các sơ hở, bất cập trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Một số cán bộ chưa thực hiện hết đạo đức nghề nghiệp

Tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định nguyên nhân đầu tiên dẫn đến hàng loạt vụ sản xuất, buôn bán hàng giả thời gian vừa qua là do lĩnh vực này mang lại lợi nhuận rất cao.

Doanh nghiệp đã lợi dụng sự thông thoáng của các văn bản để vi phạm pháp luật, vì lợi nhuận mà bất chấp lợi ích, sức khỏe của người dân, cố tình làm hàng giả đưa ra thị trường.

Tiếp đó là vấn đề ý thức của người dân trong tố giác tội phạm còn hạn chế, vẫn còn thói quen tiện đâu mua đó.

Thứ ba, việc thực hiện chức năng quản lý trên địa bàn của địa phương còn hạn chế, chưa chủ động trong xây dựng, triển khai các hoạt động thanh kiểm tra.

Thứ tư, việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin để quản lý thống nhất thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe chưa hoàn thiện nên vấn đề theo dõi, giám sát rất khó.

 Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TRẦN MINH

Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TRẦN MINH

Cuối cùng, một số cán bộ, công chức chưa thực hiện hết đạo đức nghề nghiệp, chức trách nhiệm vụ được giao nên còn để xảy ra một số vi phạm. Vừa qua cơ quan chức năng đã khởi tố một số vụ việc.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị tăng cường công tác hướng dẫn triển khai cho các đơn vị ở địa phương để tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại địa phương.

Đây là trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Bộ, trong đó có Cục Quản lý Dược, Cục An toàn thực phẩm, Cục Y, Dược cổ truyền, Cục Hạ tầng và thiết bị y tế.

"Thấy địa phương còn khó khăn, vướng mắc gì trong quá trình triển khai thực hiện thì phải hướng dẫn, tháo gỡ ngay, hoặc đề xuất các bộ, ngành liên quan có giải pháp phù hợp", Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Đồng thời, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị chấn chỉnh việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, công vụ liên quan tới cấp phép, gia hạn, tiếp nhận bản công bố, kiểm tra kiểm định…

Từ trung ương đến địa phương đều cần rà soát lại, chấn chỉnh xem khâu nào còn kẽ hở, còn vướng mắc. Cạnh đó, cần quán triệt, nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân viên triển khai thực hiện các nhiệm vụ này.

Bộ Y tế đã có đề xuất sửa đổi Luật An toàn thực phẩm 2010 và Nghị định 15/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Trong lần sửa đổi này, các văn bản sẽ tăng cường nội dung liên quan đến phòng, chống hàng giả.

THANH THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/dia-phuong-gap-kho-trong-hau-kiem-thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-post851363.html