Địa phương không thể kiểm soát

Loạt bài 'Xuất khẩu lao động, những gam màu sáng - tối' đăng trên báo SGGP đã nhận được sự quan tâm lớn của bạn đọc và các ngành chức năng. Qua đó, có thể thấy rằng, chính quyền địa phương và các ngành chức năng không thể kiểm soát được dòng người Việt Nam đi lao động bất hợp pháp tại nước ngoài, nhất là các nước châu Âu.

Nhờ đi XKLĐ hợp pháp, người dân xã Đô Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) có nhà cửa khang trang. Ảnh: DUY CƯỜNG

Nhờ đi XKLĐ hợp pháp, người dân xã Đô Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) có nhà cửa khang trang. Ảnh: DUY CƯỜNG

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Phạm Thành Đồng, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Quảng Bình, cho biết mỗi năm tỉnh Quảng Bình xuất khẩu lao động (XKLĐ) hợp pháp qua các công ty hơn 3.500 người đi Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan, Nhật Bản. Còn không thể nắm được khối lượng lao động bất hợp pháp đi Anh, Australia, Pháp vì người đi không khai báo. Hàng năm, sở cũng khuyến cáo người dân địa phương không nên đi lao động chui tại nước ngoài, nhất là các nước châu Âu, vì rủi ro cao.

Theo ông Đặng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), thực tế ở địa phương có nhiều trường hợp người dân đi XKLĐ bất hợp pháp nhưng chính quyền địa phương không biết hết được, rất khó để kiểm soát, nên tỷ lệ gặp rủi ro rất cao. Thời gian gần đây, nhờ chính quyền địa phương phối hợp với Trung tâm Xúc tiến lao động việc làm của tỉnh và Phòng LĐTB-XH huyện tuyên truyền, vận động, định hướng cho người dân trên địa bàn chọn đi XKLĐ theo con đường hợp pháp. Đồng thời, đưa việc tuyên truyền, vận động này vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vừa tạo điều kiện công ăn việc làm vừa hướng nghiệp cho người dân, nhờ đó tỷ lệ người dân đi XKLĐ bất hợp pháp giảm đáng kể, người dân cũng bắt đầu biết lo sợ khi đi XKLĐ bất hợp pháp.

Một cán bộ Phòng LĐTB-XH huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) cho hay, Can Lộc là địa phương có người làm ăn ở nước ngoài thuộc diện nhiều tỉnh Hà Tĩnh, vì vậy, Phòng LĐTB-XH huyện thường xuyên phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền về chính sách XKLĐ, đồng thời khuyến cáo người dân không đi làm việc ở nước ngoài bằng đường dây bất hợp pháp. Tuy vậy, trên thực tế, địa phương vẫn không quản lý được tất cả…

Còn ông Lê Duy Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), cho biết thời gian qua chính quyền địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động con em địa phương đi XKLĐ theo con đường hợp pháp, làm giấy tờ hợp đồng theo quy định để đảm bảo quyền lợi và đảm bảo an toàn trong quá trinh đi lao động.

Anh Nguyễn Đ., (xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), người lập công ty chuyên XKLĐ đi thị trường châu Âu, tiết lộ, vì anh làm theo đường chính ngạch nên không quan tâm lắm về các đường dây XKLĐ bất hợp pháp, nhưng anh biết là có rất nhiều đường dây này. “Có cái gọi là đường dây, nhưng cũng có nhiều trường hợp dắt díu nhau đi. Anh đi rồi móc nối cho em sang, người thân này đi kết nối cho người thân kia sang. Trong số đường dây không hợp pháp thì vẫn có đường dây làm được, làm đàng hoàng, còn phần nhiều là đường dây không chắc chắn”, anh Đ. nói.

Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Đô Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) cho biết, xã Đô Thành trên danh nghĩa là xã thuần nông nhưng nguồn thu chính là từ XKLĐ. Riêng về XKLĐ chiếm 46% tổng nguồn thu của xã. Chỉ riêng 10 tháng đầu năm nay, lĩnh vực này mang về cho xã khoảng 147 tỷ đồng. Theo thống kê chưa đầy đủ, xã có 1.471 người đang đi XKLĐ ở các nước như Anh, Pháp, Đức. Ngoài số đi châu Âu, có khoảng 1.000 người đi Lào, Campuchia, Thái Lan, Nhật, Canada, Malaysia, Angola…

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính, hiện có 164 triệu người là lao động di cư, tăng 9% kể từ 2013, khi con số này là 150 triệu. Theo báo cáo nghiên cứu ấn hành lần thứ 2 của ILO, ước tính toàn cầu về lao động di cư giai đoạn 2013-2017, đa số lao động di cư là nam giới với 96 triệu người, so với 68 triệu người là phụ nữ. Trong tổng số 164 triệu lao động di cư trên toàn thế giới, có khoảng 111,2 triệu người (67,9%) sống tại các nước thu nhập cao, 30,5 triệu người (18,6%) tại các nước thu nhập trung bình cao, 16,6 triệu người (10,1%) tại các nước thu nhập trung bình thấp và 5,6 triệu người (3,4%) tại các nước thu nhập thấp.

Theo thống kê chính thức của Bộ LĐTB-XH, trong giai đoạn 2007-2017, có hơn 1 triệu lao động làm việc ở nước ngoài, khoảng 1/3 trong số đó là phụ nữ. Lao động di cư Việt Nam chủ yếu làm việc trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất, giúp việc gia đình, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp và ngư nghiệp. Trong số các nghề này, nghề giúp việc gia đình và đánh bắt cá được xem là dễ tổn thương nhất, do nơi làm việc bị cô lập và thường xuyên thiếu các biện pháp bảo vệ về mặt pháp lý.

Ngày 29-9, trong bài viết “Mua bán người: Đừng đặt cược tương lai của mình”, Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam, ông Gareth Ward, đã chia sẻ về tình trạng di cư trái phép và mua bán người.

Theo ông Gareth Ward, Việt Nam là đối tác chiến lược của Anh trong rất nhiều lĩnh vực như thương mại, giáo dục, quốc phòng và những xu hướng kinh tế tích cực nhưng một trong những thách thức đó là nạn mua bán người và di cư trái phép, mà ở Anh gọi là “Nô lệ thời hiện đại”, bởi vì rất nhiều nạn nhân bị ép làm việc trong điều kiện vô cùng tồi tệ, bị lạm dụng thân thể và tình dục. Nhiều người trong số họ đến từ những tỉnh nghèo như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Đại sứ Gareth Ward khuyến cáo: “Anh quốc chào đón những người đến Anh một cách hợp pháp, để học tập và làm những công việc có chuyên môn, phù hợp với luật pháp của chúng tôi. Đừng nghe theo những kẻ nói với các bạn rằng, họ có thể đưa bạn sang Anh bằng “cửa sau” và giúp bạn kiếm tiền nhờ làm việc trái pháp luật. Hãy nhận thức về những hiểm họa, đừng trở thành nạn nhân”.

NHÓM PV

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dia-phuong-khong-the-kiem-soat-625711.html