Địa phương lo mất rừng khi doanh nghiệp đề xuất thăm dò khoáng sản vàng gốc

Ngày 28-8, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản truyền đạt ý kiến của ông Phan Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh liên quan đến việc thăm dò khoáng sản vàng gốc tại huyện Phước Sơn.

Theo đó, Sở TN-MT có đề nghị một số vấn đề liên quan đến quốc phòng và rừng đối với khu vực Công ty TNHH Vàng Phước Sơn đề nghị cấp giấy phép thăm dò khoáng sản. Qua đó, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam có ý kiến chỉ đạo UBND huyện phước Sơn xem xét phương án thi công dự kiến thăm dò khoáng sản và kiểm tra thực tế, có ý kiến về đề nghị của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn và báo cáo với UBND tỉnh.

 Diện tích công ty TNHH Vàng Phước Sơn đề nghị cấp giấy phép thăm dò lên đến 16,09km2 có nhiều diện tích rừng tự nhiên. Ảnh minh họa: Rừng nguyên sinh tại Vườn Quốc gia Sông Thanh

Diện tích công ty TNHH Vàng Phước Sơn đề nghị cấp giấy phép thăm dò lên đến 16,09km2 có nhiều diện tích rừng tự nhiên. Ảnh minh họa: Rừng nguyên sinh tại Vườn Quốc gia Sông Thanh

Trước đó, theo báo cáo của Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam thì Cục Khoáng sản Việt Nam có công văn về việc lấy ý kiến khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản và quy hoạch rừng tại khu vực thăm dò vàng gốc Trà Long - Suối Cây, K7, thuộc các xã Phước Đức, Phước Năng và Phước Xuân của huyện Phước Sơn.

Ngày 10-10-2023, UBND tỉnh có công văn giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan kiểm tra, tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, có ý kiến về các nội dung đề nghị tại văn bản nêu trên, gửi về Cục Khoáng sản Việt Nam.

Còn theo công văn của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn thì công tác thăm dò trong diện tích 16,09km2 sẽ được tiến hành bao gồm: công tác đo vẽ bản đồ địa chất, công tác địa hóa, công tác đo địa vật lý, công tác dọn vết lộ, công tác đào hào, công tác trắc địa và công tác khoan thăm dò bằng lỗ khoan. Công ty này cho rằng, các công tác trên sẽ có ảnh hưởng rất nhỏ đến đất mặt, hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến cây rừng tại khu vực triển khai khoảng 14,23km2. Chỉ có công tác khoan thăm dò (tổng 101 lỗ khoan) tại 3 khu vực là Trà Long - Suối Cây, K7 và Bãi Bướm thuộc các xã Phước Đức, Phước Xuân và Phước Năng, trong diện tích 1,86km2 còn lại (tương đương 186 ha) là có tác động trực tiếp xuống nền đất tự nhiên nhưng ở diện tích nhỏ…

Sở NN-PTNT đề nghị Công ty TNHH Vàng Phước Sơn cam kết với UBND huyện Phước Sơn chỉ tận dụng đường dân sinh, đường mòn, lối đi có sẵn để vận chuyển máy móc, thiết bị phục vụ khoan thăm dò khoáng sản (khi được cấp thẩm quyền cho phép khoan thăm dò), không được tác động đến rừng tự nhiên hoặc mở các tuyến đường mới khi thực hiện dự án.

 Đội bảo vệ rừng của Vườn Quốc gia Sông Thanh tuần tra tại một khu vực từng khai thác vàng trái phép

Đội bảo vệ rừng của Vườn Quốc gia Sông Thanh tuần tra tại một khu vực từng khai thác vàng trái phép

Còn UBND huyện Phước Sơn thì cho rằng khu vực đề nghị cấp phép thăm dò có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích (99%). Diện tích này tuy không nằm trong vùng lõi lâm phận Vườn Quốc gia Sông Thanh, nhưng nằm ở đầu nguồn Sông Thanh liền kề, tiếp giáp với lâm phận và thuộc vùng đệm của Vườn Quốc gia Sông Thanh. Hiện trạng rừng tự nhiên có hệ động, thực vật khá phong phú, đa dạng.

“Khi thực hiện công tác thăm dò, khai thác thì trong quá trình mở đường vận hành, vận chuyển máy móc, thiết bị, làm lán trại, nhà xưởng, đưa người vào rừng sẽ làm ảnh hưởng nguồn nước đầu nguồn Sông Thanh, gây ảnh hưởng đến hệ động, thực vật, mất rừng, ảnh hưởng lớn đến môi trường hệ sinh thái rừng và khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ Vườn Quốc gia Sông Thanh cũng như công tác quản lý, bảo vệ rừng của huyện Phước Sơn…”, ý kiến của UBND huyện Phước Sơn nêu rõ.

Do đó, UBND huyện Phước Sơn không thống nhất đề nghị của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn về cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản vàng gốc tại khu vực: Trà Long - Suối Cây, K7 thuộc địa phận các xã: Phước Đức, Phước Năng, Phước Xuân.

NGUYỄN CƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dia-phuong-lo-mat-rung-khi-doanh-nghiep-de-xuat-tham-do-khoang-san-vang-goc-post756118.html