Địa phương vừa được Hòa Phát đề xuất đầu tư cụm dự án hơn 4,3 tỷ USD có tiềm năng gì đặc biệt?
Theo tính toán của tập đoàn Hòa Phát, các dự án ở địa phương này khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 3.000 tỷ đồng/năm và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động ở đây.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông mới đây, Tập đoàn Hòa Phát đã đề xuất đầu tư một số dự án trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, các dự án được Hòa Phát đề xuất gồm Dự án Alumin, công suất 2 triệu tấn Alumin/năm; Nhà máy tuyển quặng công suất 5 triệu tấn/năm. Địa điểm xây dựng nhà máy tuyển thuộc địa phận xã Đắk D’rung, Nhà máy Alumin và Nhôm tiếp giáp hai xã Nâm N’Jang và Trường Xuân (huyện Đắk Song). Ngoài ra còn có dự án điện phân nhôm công suất 0,5 triệu tấn/năm và dự án Nhà máy điện gió Hòa Phát công suất 1.500MW xây dựng tại huyện Đắk Song và Tuy Đức.
Tổng kinh phí đầu tư của tổ hợp các dự án trên khoảng 4,3 tỷ USD. Nếu được tỉnh Đắk Nông chấp thuận đầu tư Tập đoàn Hòa Phát cam kết sẽ tập trung nguồn lực mạnh nhất để khởi công xây dựng, sớm đưa các tổ hợp của dự án vào vận hành trong thời gian nhanh nhất.
Theo tính toán của tập đoàn, các dự án ở Đắk Nông khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 3.000 tỷ đồng/năm và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết, các dự án mà Hòa Phát triển khai cơ bản nhận được sự thuận lợi. Một số khó khăn được nêu ra cơ bản đều có hướng giải quyết.
“Hòa Phát khẳng định quyết tâm rất cao đối với dự án triển khai tại Đắk Nông, Tập đoàn sẽ sớm có văn bản gửi tỉnh Đắk Nông cụ thể sau buổi làm việc này”, ông Long cho hay.
Vậy Đắk Nông có thế mạnh và tiềm năng gì để có thể thu hút những dự án khai khoáng có giá trị cao như vậy?
Tại buổi tọa đàm về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông do UBND tỉnh tổ chức hồi tháng 2/2022, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Trần Du Lịch chia sẻ, Đắk Nông có vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ phía nam khu vực Tây nguyên, có quỹ đất bazan màu mỡ, khí hậu ôn hòa, nhiều danh lam thắng cảnh đẹp..., đây là những ưu thế sẵn có, trở thành tài nguyên dự trữ để Đắk Nông phát triển dài hạn, bền vững.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Đắk Nông có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức bình quân chung cả nước, GRDP bình quân ước đạt 5,92%/năm; quy mô nền kinh tế năm 2020 tăng 1,34 lần so với năm 2016, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 50 triệu đồng/người/năm. Giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng bình quân khu vực nông nghiệp cao hơn bình quân chung của cả nước.
Sang đến năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng các chỉ tiêu kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn giữ mức ổn định, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng khá. Theo thống kê, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Đắk Nông xếp thứ 2 trong khu vực Tây Nguyên và đứng thứ 7 của cả nước.
Cụ thể, tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn năm 2021 ước đạt trên 20.726 tỷ đồng, tăng 8,63% so với năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 7.917,97 tỷ đồng, tăng 4,45%; công nghiệp và xây dựng đạt gần 4.100 tỷ đồng, tăng 35,91%; dịch vụ đạt 7.777,65 tỷ đồng, tăng 1,93%. GRDP bình quân đầu người năm 2021 ước đạt 52,1 triệu đồng/người.
Đến quý I/2022, GRDP của tỉnh theo giá so sánh 2010 ước đạt 4.891,67 tỷ đồng, tăng 5,48%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 1.536,39 tỷ đồng, tăng 5,48%; Khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 1.252,59 tỷ đồng, tăng 12,47%; Khu vực dịch vụ ước đạt 1.897,78 tỷ đồng, tăng 2,04%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước đạt 204,91 tỷ đồng, giảm 1,24%. GRDP giá hiện hành ước đạt 8.571,74 tỷ đồng.
Trong quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 258 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ, đạt 22% kế hoạch; kim ngạch nhập khẩu dự kiến đạt 64,5 triệu USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 19,5% kế hoạch.
Tổng thu ngân sách nhà nước tháng 3/2022 ước thực hiện 233,9 tỷ đồng; lũy kế 3 tháng ước thực hiện 935 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ, đạt 31% dự toán địa phương giao. Tổng chi ngân sách nhà nước tháng 3/2022 là 621 tỷ đồng; lũy kế 3 tháng là 2.207 tỷ đồng, đạt 28% dự toán địa phương giao.
Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh sẵn có, Đại hội lần thứ 12 Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đã cơ bản xác định được lợi thế cạnh tranh, định hướng phát triển với ba trụ cột "đòn bẩy" để sớm đưa nền kinh tế địa phương phát triển bứt phá, bền vững.
Ba trụ cột "đòn bẩy" đó là phát triển công nghiệp (alumin, luyện nhôm, năng lượng tái tạo); phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (kinh tế rừng, trồng và chế biến dược liệu); phát triển du lịch (du lịch địa chất, thể thao mạo hiểm, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp xanh).
Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, Đắk Nông đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt bình quân từ 7,5-8%; tổng thu ngân sách đạt trên 18,4 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 70 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm từ 2% trở lên và phấn đấu đến năm 2025 có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới, mỗi xã đạt bình quân 17,2 tiêu chí trở lên.