Địa y 'ứng viên' sáng giá cho sự sống ngoài Trái Đất

Trong hành trình tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất, nếu có sinh vật nào trên hành tinh chúng ta có thể chịu đựng được điều kiện khắc nghiệt của các hành tinh khác, thì địa y chính là một cái tên đầy tiềm năng.

Một nghiên cứu mới từ Đại học Jagiellonian và Trung tâm Nghiên cứu Không gian thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan đã chỉ ra rằng, địa y dạng sống cộng sinh giữa nấm và các sinh vật quang hợp như tảo hoặc vi khuẩn lam có thể là hình mẫu cho sự sống từng tồn tại hoặc vẫn còn ẩn mình trên Sao Hỏa.

Hình ảnh cận cho thấy cấu trúc của một số loại địa y trên Trái Đất - Ảnh: VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC BA LAN

Hình ảnh cận cho thấy cấu trúc của một số loại địa y trên Trái Đất - Ảnh: VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC BA LAN

Địa y không chỉ xuất hiện phổ biến trên Trái Đất mà còn là “nhà vô địch sinh tồn” khi có thể sống sót ở những môi trường khắc nghiệt nhất từ vùng sa mạc khô cằn đến các sườn núi phủ băng, nơi không sinh vật đa bào nào khác trụ nổi. Nhờ khả năng quang hợp, chống bức xạ, kháng oxy hóa, cùng tỉ lệ trao đổi chất cực thấp và nhu cầu dinh dưỡng tối thiểu, chúng có thể chịu đựng điều kiện cực đoan như bức xạ mạnh, nhiệt độ biến thiên và tình trạng thiếu nước kéo dài những đặc điểm tương đồng với môi trường trên Sao Hỏa.

Sao Hỏa từ lâu đã là điểm đến trọng yếu trong hành trình khám phá sinh học vũ trụ. Dù bề mặt hiện tại không thuận lợi cho sự sống, giới khoa học cho rằng bên dưới lớp đất đá có thể tồn tại môi trường khả thi hơn và trong quá khứ, hành tinh đỏ từng có điều kiện “dễ thở” hơn nhiều.

Một rào cản lớn vẫn tồn tại: bức xạ ion hóa từ Mặt Trời vốn được xem là “kẻ hủy diệt” sự sống liên tục tấn công bề mặt hành tinh. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đã mang đến cái nhìn khác.

Trong thí nghiệm mô phỏng điều kiện Sao Hỏa, các nhà khoa học đã đặt địa y Diploschistes muscorum vào môi trường có áp suất thấp, khí quyển mỏng, dao động nhiệt độ mạnh và bức xạ tia X trong suốt 5 giờ. Kết quả bất ngờ: địa y không chỉ sống sót mà còn duy trì hoạt động trao đổi chất mạnh mẽ.

Đặc biệt, ngay cả trong giai đoạn hoạt động Mặt Trời đạt đỉnh thời điểm bức xạ tăng cao nhất theo chu kỳ 11 năm phần nấm của địa y vẫn không bị ảnh hưởng đáng kể.

“Phát hiện này không chỉ hé lộ tiềm năng sinh tồn ngoài Trái Đất của địa y, mà còn mở rộng hiểu biết của chúng ta về giới hạn sự sống và khả năng chinh phục các hành tinh khác của sinh vật Trái Đất”, nhóm nghiên cứu nhận định.

Như Ý (t/h)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/dia-y-ung-vien-sang-gia-cho-su-song-ngoai-trai-dat/20250505094526523