Dịch bệnh bủa vây, bác sĩ chỉ nguyên nhân nhiều trẻ ốm liên miên

Theo bác sĩ, nhiều trẻ rơi vào tình trạng 'nợ miễn dịch' sau kỳ nghỉ dài ngày ở nhà, làm khả năng chống lại tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng bị ảnh hưởng lớn.

Theo Phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khi trẻ tiếp xúc với môi trường hàng ngày đều có các vi khuẩn, virus đây là cơ hội để miễn dich của trẻ được hoạt động sinh ra các đề kháng chống lại tác nhân gây bệnh.

Tuy nhiên, trong 2 năm thời kỳ giãn cách xã hội do dịch Covid-19, trẻ ở nhà ít ra ngoài tiếp xúc nên sức đề kháng giảm, tạo ra khái niệm mới là tình trạng “Nợ miễn dịch”. Thực tế lâm sàng, bác sĩ Thúy tiếp nhận thấy nhiều trẻ “hở ra là ốm” từ viêm hô hấp trên đến viêm phổi.

Thậm chí, gần đây nhất là bệnh nhi mới chỉ 7 ngày tuổi đã mắc sốt xuất huyết. Theo y văn, tỷ lệ sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh thường rất thấp. Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh hiếm gặp và ít phổ biến trên toàn thế giới, thế nhưng trong những năm gần đây, sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi cũng bắt đầu xuất hiện với tỷ lệ tăng dần.

PGS Nguyễn Thị Diệu Thúy chia sẻ về lý do trẻ hay ốm.

PGS Nguyễn Thị Diệu Thúy chia sẻ về lý do trẻ hay ốm.

Khi trẻ quay trở lại cuộc sống bình thường, đi học, tiếp xúc nơi đông người “va chạm” với các chủng virus gây bệnh cũ như sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu, adenovirus, trẻ lại có phản ứng dữ dội, khả năng tăng mức độ nghiêm trọng nếu nhiễm virus.

Điều này giống thời điểm đầu năm học trẻ thường ốm nhiều hơn do 2-3 tháng nghỉ hè trẻ không tiếp xúc thường xuyên nơi đông người, đi học lại dễ mắc bệnh ốm vặt hơn. Phó giáo sư Thúy cho rằng đây là hiện tượng nợ miễn dịch sau kỳ nghỉ dài ở nhà. Hiện tượng này làm cho khả năng chống lại tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng bị ảnh hưởng lớn.

Ngoài ra, bác sĩ Thúy lo ngại trẻ em đang chịu thách thức tình trạng thiếu vi chất. Theo khảo sát của tổ chức dinh dưỡng Đông Nam Á, bữa cơm của trẻ em Việt thiếu 50% vi chất như vitamin A, B1, C, D3, sắt, kẽm, canxi điển hình là thiếu sắt và kẽm. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia nghiên cứu năm 2020, cứ 3 trẻ em có 1 trẻ thiếu sắt, 60% trẻ em thiếu kẽm, đặc biệt thiếu sắt thường đi đôi với thiếu kẽm và ngược lại. Thiếu vi chất cộng với khoảng trống miễn dịch ảnh hưởng đến sức đề kháng, là nguyên nhân dẫn tới trẻ hay ốm hơn.

Theo bác sĩ Thúy, trong thời điểm này, cách tốt nhất để bù lại miễn dịch, giúp con "nhân đôi đề kháng" là:

- Xây dựng môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát. Người lớn tuyệt đối không hút thuốc trong nhà, dạy trẻ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên. Cha mẹ nên cho con vui chơi vận động ngoài trời nhiều để hệ miễn dịch của trẻ có cơ hội phát triển và hoàn thiện. Tạo thói quen cho trẻ ngủ sớm và đủ giấc.

- Tiêm các loại vắc xin theo khuyến cáo của cơ quan y tế. Lưu ý, khi tiếm vắc xin cần tiêm đủ mũi, đúng hạn để đảm bảo miễn dịch đủ và bền vững.

Đối với một số dịch bệnh không còn tuân theo quy luật thông thường, chưa có vắc xin dự phòng, cha mẹ nên tăng đề kháng bổ sung bằng dinh dưỡng.

Phương Thúy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dich-benh-bua-vay-bac-si-chi-nguyen-nhan-tre-om-lien-mien-2188446.html