Dịch bệnh bủa vây

Vào thời điểm giữa mùa hè, cùng với những đợt nắng nóng gay gắt ở Bắc bộ và Trung bộ là những cơn mưa trắng trời ở phía Nam. Thời tiết bất thường đang là điều kiện thuận lợi để nhiều dịch bệnh bùng phát, lan rộng, trong đó đáng ngại nhất là dịch sốt xuất huyết (SXH) với số người mắc tăng rất cao.

Các gia đình cần hợp tác chặt chẽ với cơ quan y tế trong việc vệ sinh môi trường. Ảnh: Quốc Khánh

Các gia đình cần hợp tác chặt chẽ với cơ quan y tế trong việc vệ sinh môi trường. Ảnh: Quốc Khánh

Nhiều dịch bệnh sởi, viêm não, ho gà, cúm, thủy đậu, dù đã có vaccine phòng ngừa vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Mắc bệnh vì không tiêm vaccine

Dù thời tiết đang trong giai đoạn nóng bức, không phải là “mùa” của dịch sởi nhưng nhiều cơ sở điều trị trên địa bàn Hà Nội vẫn thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp mắc sởi cả trẻ em và người lớn, trong đó phần lớn đều chưa tiêm phòng vaccine sởi, hoặc tiêm không đầy đủ. Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, đến đầu tháng 7, Hà Nội đã ghi nhận hơn 2.500 trường hợp mắc sốt phát ban nghi sởi. Trong khi đó, ghi nhận tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) có những ngày nơi đây tiếp nhận trên 10 ca mắc sởi ở người lớn với nhiều trường hợp là phụ nữ có thai. PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, cho biết, tỷ lệ mắc sởi ở người lớn khá cao nhưng bệnh nhân thường chủ quan và không nghĩ mình có thể mắc sởi. Chỉ đến khi bệnh chuyển biến rất nặng, hoặc có biến chứng như viêm đường hô hấp, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết... mới đến bệnh viện khám và điều trị. Nhiều phụ nữ mang thai bị sởi rất nguy hiểm tới sức khỏe và thai nhi dù trước đó bác sĩ đã khuyến cáo nên tiêm phòng vaccine sởi trước khi mang thai.

Thời tiết nắng nóng cũng là cao điểm của mùa viêm não, viêm não Nhật Bản nhưng nhiều gia đình vẫn chủ quan, không cho trẻ tiêm phòng. Khoa Điều trị tích cực (Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương) có nhiều bệnh nhi bị viêm não trong tình trạng hôn mê, co giật, phải thở máy, tiên lượng xấu khiến việc điều trị rất khó khăn và có cứu sống được thì trẻ cũng dễ tổn thương thần kinh. TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay đã có hơn 30 ca viêm màng não, viêm não Nhật Bản nhập viện và hầu hết trẻ chưa tiêm phòng, trong khi viêm não là bệnh nhiễm trùng nặng nhất ở trẻ, tỷ lệ tử vong cao và để lại nhiều di chứng nặng nề. Hiện đã có các loại vaccine phòng bệnh viêm màng não mủ do vi khuẩn HIB, phế cầu, viêm não Nhật Bản B và viêm màng não do não mô cầu. Cha mẹ phải chủ động đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch để làm giảm nguy cơ trẻ mắc viêm não, cũng như ngăn chặn các bệnh lây truyền nhiễm do virus cúm, thủy đậu, sởi, quai bị có thể gây viêm màng não.

Ca mắc sốt xuất huyết tăng đột biến

Thời tiết nắng nóng cùng với mưa trên cả nước cũng đang là điều kiện thuận lợi để dịch SXH bùng phát dữ dội. Theo Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận khoảng 80.000 trường hợp SXH, tăng gấp 3 lần cùng kỳ 2018. Trong khoảng vài tuần trở lại đây, số ca mắc liên tục tăng cao ở mức khoảng 5.000 người mắc SXH/tuần. SXH đã lan đến 60/63 địa phương, trong đó, số người mắc cao tập trung các tỉnh miền Trung, miền Nam. Tại một số tỉnh, thành phía Bắc, nhất là Hà Nội, số người mắc SXH cũng đang gia tăng. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, trong tuần đầu tiên của tháng 7, Hà Nội đã ghi nhận thêm 178 trường hợp mắc SXH, nâng số người mắc dịch bệnh này lên xấp xỉ 1.000 ca từ đầu năm tới nay. Thời tiết hiện tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển nên nguy cơ số người mắc SXH ở Hà Nội còn tiếp tục tăng.

Theo nhiều chuyên gia dịch tễ, thông thường từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm, dịch bệnh SXH mới xuất hiện và đỉnh dịch thường rơi vào tháng 9 đến tháng 11. Tuy nhiên, hiện nay SXH đã bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh, thành là khá bất thường. PGS-TS Đỗ Duy Cường lưu ý, dịch bệnh SXH có 4 chủng khác nhau nên nếu đã mắc SXH vẫn có thể mắc lại vì có thể bị ở chủng khác. Bệnh SXH chưa có vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu nên nếu là SXH thông thường chỉ cần theo dõi, bổ sung nước, Oresol, dùng thuốc hạ sốt. Với trường hợp nặng hơn, cần tới bệnh viện khám để được bác sĩ theo dõi điều trị nhằm phòng tránh các biến chứng xuất huyết tiêu hóa, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu. Biện pháp hiệu quả nhất là tránh bị muỗi đốt bằng việc nằm ngủ mắc mùng, thoa kem chống côn trùng. Các gia đình tích cực dọn dẹp nhà cửa, các dụng cụ chứa nước nhằm diệt bọ gậy/lăng quăng, giữ vệ sinh môi trường sạch sẽ và hợp tác chặt chẽ với cơ quan y tế trong việc phun hóa chất thuốc diệt muỗi.

MINH KHANG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dich-benh-bua-vay-604084.html