Dịch bệnh COVID-19 diễn biến nghiêm trọng tại nhiều quốc gia
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 tại Pembroke Pines, bang Florida, Mỹ - Ảnh: AFP/TTXVN
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 30 sáng 7/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận hơn 49,64 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1,24 triệu ca tử vong.
Đến nay, đã có 35,24 triệu người nhiễm virus phục hồi. Hiện còn khoảng 13,15 triệu bệnh nhân đang được điều trị, trong đó tỉ lệ nguy kịch chiếm 1%. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận số người mới nhiễm virus SARS-CoV-2 cao chưa từng thấy - 129.634 ca - và cũng là cao nhất thế giới. Tính đến nay, tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 đã vượt con số 10 triệu ca, lên 10.055.680 ca, trong đó có 242.203 ca tử vong.
Tình hình dịch COVID-19 tại Mỹ có nguy cơ khó kiểm soát hơn khi biểu tình bùng phát tại nhiều thành phố sau ngày bầu cử tổng thống. Thống kê cho thấy có tới 17 trong số 50 bang tại Mỹ, đặc biệt là các bang Trung Tây, đồng loạt ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước tới nay.
Cụ thể, bang Illinois đã ghi nhận gần 10.000 ca mắc mới và cùng với bang Texas, hai bang này đang đứng đầu nước Mỹ về số bệnh nhân nhiễm mới cao nhất trong vòng 7 ngày trở lại đây. Trước tình hình này, một số bang và thành phố đã ban hành một số biện pháp mới như lệnh giới nghiêm, thu hẹp quy mô sự kiện tập trung. Tuy nhiên, hiện chưa có bất kỳ biện pháp nào ở cấp liên bang để chặn đứng làn sóng lây nhiễm này.
Toàn khu vực Bắc Mỹ trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 143.710 ca nhiễm, nâng tổng số ca dương tính với virus nguy hiểm này lên gần 12 triệu ca.
Tình hình dịch bệnh tại châu Âu vẫn diễn biến phức tạp khi có thêm nhiều nước, trong đó có Nga, Đức, Hungary ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong ngày.
Cụ thể, trong 24 giờ qua, Nga đã lần đầu tiên ghi nhận hơn 20.000 ca nhiễm mới tại toàn bộ 85 chủ thể liên bang, đưa tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 1.733.440 ca, trong đó có 29.887 ca tử vong.
Tại thủ đô Moscow, nơi có số ca nhiễm mới và mắc COVID-19 cao nhất cả nước, một số bệnh viện đều thông báo không còn giường trống để tiếp nhận bệnh nhân COVID-19. Trước tình hình trên, nhiều bệnh viện dã chiến đã được lập ở trung tâm triển lãm Sokolniki, cung điện băng Krylatskoye và một số cơ sở lớn khác để tiếp nhận bệnh nhân. Theo thị trưởng thủ đô, ông Sergei Sobyanin, 50% số giường tại các bệnh viện bổ sung này đã kín bệnh nhân.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia mang tên Gamalea, ông Alexander Gintsburg, ngày 6/11 cho biết lô vắcxin ngừa virus corona đầu tiên do trung tâm này phát triển sẽ được chuyển đến thủ đô Moscow và các tỉnh để tiêm chủng hàng loạt vào cuối tuần này.
Theo Bộ Y tế Nga, số vắcxin này chủ yếu phục vụ công tác tiêm chủng các y bác sĩ. Hiện ba địa điểm lớn đã được thiết lập để sản xuất các lô vắcxin lớn và địa điểm thứ tư sẽ sớm bắt đầu sản xuất vắcxin. Tỉnh Moscow đang chuẩn bị mở các điểm tiêm chủng hàng loạt. Bộ Y tế Nga cho biết các tỉnh sẽ nhận thêm một đợt vắcxin nữa để tiêm cho những người thuộc nhóm nguy cơ, trước hết là các nhân viên y tế.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, Cục trưởng Cục bảo vệ quyền lợi người tiên dùng và sức khỏe con người, Rospotrebnadzor, bà Anna Popova trong chương trình Vesti trên kênh truyền hình Rossya 1 cho biết thông thường, người dân Nga nhiễm virus corona khi đi phương tiện công cộng.
Tại "điểm nóng" dịch bệnh châu Âu, trong 24 giờ qua, Pháp, Ý và Ba Lan là 3 nước ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất "Lục địa Già", trong đó Pháp ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong cao nhất khu vực, lần lượt 60.486 ca và 828 ca.
Đây cũng là ngày Pháp ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục trong 1 ngày. Ý có thêm 37.809 ca nhiễm và 355 ca tử vong. Ba Lan ghi nhận thêm 27.086 ca và 485 ca tử vong. Toàn khu vực châu Âu đến nay có 11,62 triệu ca nhiễm virus, trong đó có hơn 287.000 ca tử vong.
Trong khi đó, tỉ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong ngày ở Đức tiếp tục đạt đỉnh mới khi chỉ trong 24 giờ qua cả nước Đức đã ghi nhận thêm trên 23.000 ca mắc mới, trong khi số trường hợp tỉ vong cũng tiếp tục tăng mạnh.
Dữ liệu của các cơ quan y tế Đức cho biết số ca mắc COVID-19 mới ở Đức trong ngày đã tăng thêm 23.069 trường hợp, mức cao nhất từ đầu dịch, trong khi số ca tử vong cũng tăng thêm 169 ca.
Theo số liệu của hệ thống giường chăm sóc tích cực ở Đức, số bệnh nhân nặng phải điều trị đặc biệt vì COVID-19 ở nước này tiếp tục tăng mạnh với tổng số ca hiện đang được điều trị ở mức trên 2.700 ca (tăng 100 ca), trong đó có gần 1.500 ca phải dùng máy trợ thở.
Trong khi đó, Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa ngày 6/11 đã ban bố tình trạng y tế khẩn cấp, qua đó cho phép chính phủ nước này triển khai áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm ứng phó với dịch COVID-19 đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng tại châu Âu.
Trong bài phát biểu trên sóng truyền hình, ông Marcelo Rebelo de Sousa cho biết ông đã ký sắc lệnh liên quan đến tình trạng khẩn cấp quốc gia lần thứ 2 kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại nước này.
Sắc lệnh này dự kiến có hiệu lực ít nhất 2 tuần, bắt đầu ngày 9/11, theo đó giới chức nước này có thể áp đặt các biện pháp để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đặc biệt tại các vùng có nguy cơ cao.
Dự kiến, Hội đồng Bộ trưởng Bồ Đào Nha sẽ nhóm họp trong ngày 7/11 để quyết định biện pháp ứng phó dịch bệnh cụ thể như lệnh giới nghiêm ban đêm giống với một số nước châu Âu khác hoặc đo thân nhiệt tại các địa điểm tập trung đông người.
Tại châu Á, Ấn Độ là nước chịu ảnh hưởng nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng 8,46 triệu ca. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 49.739 ca nhiễm và 576 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm tại Ấn Độ chiếm 60% trong tổng số hơn 14 triệu ca dương tính với SARS-CoV-2 toàn châu Á.
Hàn Quốc ghi nhận nhiều ổ dịch mới. Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới ở Hàn Quốc được ghi nhận duy trì ở mức trên 100 ca/ngày trong ngày thứ ba liên tiếp. Nguyên nhân chủ yếu là do sự gia tăng của các ca lây nhiễm tập thể theo cụm trên khắp đất nước và điều này khiến cuộc chiến chống COVID-19 gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh mùa Đông đang đến gần.
Số liệu của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố ngày 6/11 cho thấy đã có thêm 145 ca mắc mới COVID-19, bao gồm 117 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm của Hàn Quốc lên 27.195 ca.
Chính phủ Nhật Bản cũng cảnh báo các dấu hiệu tái bùng phát dịch COVID-19 trong bối cảnh có thêm nhiều ca nhiễm mới được phát hiện ở khu vực phía Bắc nước này.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 6/11, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 8.984 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên 23.680 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN vẫn có 5 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Myanmar. Indonesia hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” vẫn duy trì đà tăng nhiệt sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây.
Philippines dịch vẫn diễn biến xấu, số ca mắc mới cao, song số ca tử vong tiếp tục đà giảm những ngày gần đây. Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang hiện hữu khi nước này ghi nhận 1.755 ca bệnh phát sinh và 2 ca tử vong trong 1 ngày qua.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 7 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Có Lào, Campuchia, Brunei và Timor Leste là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 6/11.
Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chuyên gia dịch tễ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Maria Van Kerkhove cảnh báo các nước có thể bỏ sót các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nếu giảm thời gian cách ly từ 14 ngày xuống còn 10 ngày.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)