Dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt, nông dân phấn khởi sản xuất trở lại
Sau thời gian dài giá cả chạm đáy vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực tại Lâm Đồng tăng trở lại đã tiếp thêm động lực cho nông dân vượt khó khôi phục sản xuất.
Những thửa để đất trống cả tháng qua của nhà vườn ở các phường 7, 8, 11, 12... TP Đà Lạt và vùng lân cận nay đã được gia chủ đồng loạt cho xuống giống rau, hoa. Không khí tăng gia sản xuất đang trở lại trên những cánh đồng sau một thời gian dài trầm lắng vì hàng hóa làm ra rơi vào ế ẩm. Thời gian qua, khi các tỉnh, thành phía Nam “đương đầu” với sự bùng phát dữ dội của dịch bệnh COVID-19 thì ngành sản xuất nông nghiệp của Đà Lạt đã lâm vào cảnh khó khăn. Nhiều loại rau và các loại hoa tại TP Đà Lạt, huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng... bán không ai mua khiến người dân thua lỗ nặng. Tuy nhiên, vài tuần qua, khi dịch bệnh COVID-19 có những tiến triển khả quan, nhiều biện pháp phòng chống dịch được các tỉnh, thành nới lỏng, giá cả không ít các loại rau và hoa đã tăng trở lại. Thậm chí, có loại rau còn tăng cao hơn cả thời điểm chưa bùng phát dịch.
Bà Nguyễn Thị Thu, ngụ phường 8, TP Đà Lạt vừa bán được vườn xà lách 1.500m2 với giá 1.000 đồng/cây. Sau khi trừ chi phí, gia đình bà Thu lãi gần 15 triệu đồng sau gần 1 tháng gieo trồng. Theo bà Thu, giá bán này còn cao hơn thời điểm trước khi bùng phát dịch COVID-19 từ 300 - 400 đồng/cây. Tương tự, những gia đình trồng ớt chuông cũng đang hết sức phấn khởi khi giá cả loại mặt hàng này liên tục tăng cao. Từ 5.000 đồng/kg loại đẹp cách đây gần tháng, tăng lên 7.000 đồng/kg và hiện nay là 15.000 đồng/kg. Mặc dù giá ớt ngọt chưa cao bằng thời điểm trước khi bùng phát dịch nhưng đây là tín hiệu lạc quan để các nông hộ đẩy mạnh sản xuất, tự tin đầu tư trở lại sau khi đã bị thiệt hại nặng nề trong thời gian dài.
Gia đình anh Lê Quốc Hưng, ngụ phường 7, TP Đà Lạt, vừa mạnh dạn bỏ ra gần 20 triệu đồng để mua các loại phân về bón thúc, khôi phục lại trang trại ớt ngọt bị “bỏ lơ” suốt hai tháng qua khiến cây bị còi cọc cho quả nhỏ. Ngay khi giá cả nhiều loại nông sản tăng lên, tình hình dịch bệnh lại được kiểm soát, mặc dù đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng gia đình anh Hưng vẫn vay mượn thêm tiền để tái sản xuất. “Không chỉ khôi phục lại vườn ớt ngọt, tôi vừa xuống giống thêm gần 2.000 m2 bắp cải. Hi vọng tới thời điểm được thu hoạch giá sẽ vẫn cao để bù đắp lại khoảng thời gian thua lỗ do ảnh hưởng của dịch bệnh!..”, anh Hưng kỳ vọng.
Đặc biệt, sau thời gian dài phải nhổ bỏ, đắp thành từng đống để đốt vì cho không ai lấy, người trồng hoa cúc tại Đà Lạt và huyện Lạc Dương lại đang “rủng rỉnh” tiền bạc nếu lứa hoa của gia đình họ cho thu hoạch đúng vào thời điểm hiện nay. Mấy tuần gần đây, giá hoa cúc tăng vọt lên gần 30.000 đồng/bình tại vườn đối với cúc lưới. Các loại cúc chùm cũng dao động ở mức trên dưới 15.000 đồng/bình. Với giá bán này, sau khi trừ chi phí đầu tư, trung bình cứ 1.000m2 hoa cúc nhà vườn có lãi không dưới 30 triệu đồng sau 3 tháng gieo trồng. Theo nhiều nhà vườn, có hai nguyên nhân khiến giá một số loại rau, hoa tăng mạnh trong thời gian qua là do khan hiếm hàng và thị trường tiêu thụ bắt đầu phục hồi trở lại. Phải đổ bỏ quá nhiều, không ít gia đình chuyên trồng rau, hoa tại Lâm Đồng buộc phải “treo đất”, khi thị trường phục hồi đã dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung.
Theo ông Nguyễn Đông Hải, Giám đốc Công ty TNHH Vietfarm Đà Lạt, nếu mọi hoạt động thường nhật ở các tỉnh, thành phía Nam chưa thực sự trở lại bình thường thì việc giá cả nhiều loại rau, hoa tăng cao như hiện nay chỉ là nhất thời do khan hiếm hàng cục bộ. Tuy nhiên, ông Hải cũng dự báo, nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, chính quyền nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch và phục hồi kinh doanh, sản xuất thì dự kiến vào cuối tháng 10/2021 này giá cả nông sản Đà Lạt mới tăng cao và giữ ở mức ổn định. Do vậy, việc người dân nỗ lực khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất vào thời điểm này là rất hợp lý.