Dịch bệnh COVID-19 tại châu Phi và châu Mỹ tiếp tục diễn biến phức tạp
Số ca mắc COVID-19 tại châu Phi đã lên tới gần 1,7 triệu, số tử vong là gần 41.000 ca trong khi đó, Mỹ tiếp tục là quốc gia có số ca mắc và tử vong do COVID cao nhất thế giới.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi ngày 24/10 cho biết số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được xác nhận ở châu lục này hiện đã lên tới 1.696.286 ca, trong khi số ca tử vong là 40.922 ca tính từ chiều cùng ngày.
Trong khi đó, có tổng cộng 1.394.094 ca trên toàn Lục địa Đen được chữa khỏi bệnh.
Quốc gia châu Phi có số ca mắc COVID-19 và số ca tử vong nhiều nhất là Nam Phi với các con số lần lượt là 712.412 và 18.891. Đứng đứng thứ hai là Maroc với 190.416 ca mắc bệnh và 3.205 ca tử vong.
Ai Cập đứng thứ Ba với 106.230 ca mắc bệnh và 6.176 ca tử vong. Ngoài ra, Ethiopia và Nigeria cũng nằm trong số những nước có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở châu Phi.
Tính theo khu vực, miền Nam châu Phi là khu vực có nhiều ca mắc bệnh cũng như ca tử vong nhất, đứng thứ 2 là khu vực Bắc Phi.
Cùng ngày, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo sẽ viện trợ các thiết bị y tế trị giá 2 triệu USD cho Iraq để giúp nước này đối phó với dịch COVID-19, trong bối cảnh Bộ Y tế Iraq báo cáo về 3.204 ca mắc bệnh mới trong nước.
Theo ông Wael Hatahit, trưởng nhóm hành động khẩn cấp của WHO tại Iraq, WHO sẽ hỗ trợ y tế cho Iraq vào những tháng cuối năm nay để giúp ngành y tế nước này ứng phó với dịch COVID-19.
Trong hai tháng tới, WHO sẽ tập trung vào việc chuẩn bị một lô hàng lớn thiết bị bảo hộ chống COVID-19 để chuyển tới Iraq, trong đó có các thiết bị chẩn đoán bệnh cho các nhân viên y tế để đảm bảo sự an toàn lâu dài cho những nhân viên này. Trong năm 2021, WHO sẽ lại tiếp tục thực hiện sự hỗ trợ như vậy cho Iraq nếu dịch bệnh chưa chấm dứt.
Cũng theo ông Hatahit, tình hình dịch COVID-19 ở Iraq đã trở nên trầm trọng hơn với sự gia tăng các ca mắc bệnh, chủ yếu là do người dân không tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, chưa nhận thức đầy đủ về mức độ nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 và không tuân thủ đầy đủ các biện pháp giãn cách xã hội.
Ông nhấn mạnh, giải pháp duy nhất để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trên là đeo khẩu trang, tuân thủ triệt để các biện pháp giãn cách xã hội... và tập trung một cách nghiêm túc vào việc đối phó với dịch bệnh.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại châu Mỹ tiếp tục diễn biến phức tạp.
Ngày 24/10, Colombia đã trở thành quốc gia đứng thứ 8 thế giới và thứ 3 tại khu vực Nam Mỹ khi số ca mắc COVID-19 tại nước này đã vượt qua mốc 1 triệu ca.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, quốc gia 50 triệu dân này đã ghi nhận thêm 8.769 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 1.007.711 ca, trong đó có 30.000 ca tử vong.
Như vậy, tính đến nay, Colombia là nước đứng thứ 8 trên thế giới về số ca mắc, sau Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Nga, Argentina, Tây Ban Nha và Pháp.
Phát biểu tại một sự kiện ở thành phố Chinchina thuộc bang Caldas, Tổng thống Colombia Ivan Duque cho rằng nước này có tỷ lệ tử vong do COVID-19 khá thấp so với các nước Mỹ Latinh tính trên tỷ lệ dân số.
Ông Duque nói: "Chúng tôi đã nỗ lực hơn nhiều nước khác. Tôi nói điều này không phải để tự hào mà tôi đề cập đến bởi vì chúng tôi muốn tự bảo vệ mình tốt hơn."
Theo Viện Y tế Quốc gia, Colombia đứng thứ 10 trong khu vực về tỷ lệ tử vong, với trung bình 561 ca/1 triệu dân, gần một nửa so với mức 1.061 ca/1 triệu dân của Peru và 719 ca/1 triệu dân tại Brazil.
Cùng ngày, Mỹ ghi nhận ngày thứ hai liên tiếp, số ca mắc COVID-19 mới theo ngày cao nhất.
Theo số liệu thống kê của Trường Đại học Johns Hopkins, Mỹ đã ghi nhận 88.973 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới, phá kỷ lục của một ngày trước đó là 79.963 ca.
Cho đến nay Mỹ đã có tổng cộng 8.827.932 ca mắc và 230.068 ca tử vong, là quốc gia có số ca mắc và tử vong cao nhất thế giới./.