Dịch bệnh COVID-19 tại châu Phi và châu Mỹ tiếp tục diễn biến phức tạp
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Midrand, Johannesburg, Nam Phi, ngày 5/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo trang thống kê worldometes.info, tính đến 9 giờ sáng 25/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 42.924.533 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 1.154.761 ca tử vong.
Hơn 31,6 triệu người nhiễm SARS-CoV-2 hiện đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus này, trong khi vẫn còn hơn 10,1 triệu người dương tính, trong đó 1% đang cần điều trị tích cực.
Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới, với 8.827.932 ca nhiễm và 230.068 trường hợp tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 88.973 ca mắc COVID-19 và 906 người tử vong. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong ngày.
Tiếp sau Mỹ là Ấn Độ có 7.863.892 ca nhiễm và 118.567 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba thế giới, nhưng đứng đầu khu vực Nam Mỹ về số ca mắc COVID-19, với 5.381.224 ca nhiễm và 156.926 trường hợp tử vong.
Tại châu Đại dương, bang Victoria - "tâm dịch" của Úc, đã hoãn việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đối với các quán cà phê, nhà hàng và quán rượu tại thành phố Melbourne sau khi phát hiện một "ổ dịch" ở ngoại ô phía bắc thành phố này.
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi ngày 24/10 cho biết số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được xác nhận ở châu lục này hiện đã lên tới 1.696.286 ca, trong khi số ca tử vong là 40.922 ca tính từ chiều cùng ngày.
Có tổng cộng 1.394.094 ca trên toàn Lục địa Đen được chữa khỏi bệnh. Quốc gia châu Phi có số ca mắc COVID-19 và số ca tử vong nhiều nhất là Nam Phi với các con số lần lượt là 712.412 và 18.891. Đứng đứng thứ hai là Marốc với 190.416 ca mắc bệnh và 3.205 ca tử vong.
Ai Cập đứng thứ 3 với 106.230 ca mắc bệnh và 6.176 ca tử vong. Ngoài ra, Ethiopia và Nigeria cũng nằm trong số những nước có tỉ lệ mắc bệnh cao nhất ở châu Phi. Tính theo khu vực, miền Nam châu Phi là khu vực có nhiều ca mắc bệnh cũng như ca tử vong nhất, đứng thứ 2 là khu vực Bắc Phi.
Cùng ngày, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo sẽ viện trợ các thiết bị y tế trị giá 2 triệu USD cho Iraq để giúp nước này đối phó với dịch COVID-19, trong bối cảnh Bộ Y tế Iraq báo cáo về 3.204 ca mắc bệnh mới trong nước.
Theo ông Wael Hatahit, trưởng nhóm hành động khẩn cấp của WHO tại Iraq, WHO sẽ hỗ trợ y tế cho Iraq vào những tháng cuối năm nay để giúp ngành y tế nước này ứng phó với dịch COVID-19.
Trong hai tháng tới, WHO sẽ tập trung vào việc chuẩn bị một lô hàng lớn thiết bị bảo hộ chống COVID-19 để chuyển tới Iraq, trong đó có các thiết bị chẩn đoán bệnh cho các nhân viên y tế để đảm bảo sự an toàn lâu dài cho những nhân viên này. Trong năm 2021, WHO sẽ lại tiếp tục thực hiện sự hỗ trợ như vậy cho Iraq nếu dịch bệnh chưa chấm dứt.
Cũng theo ông Hatahit, tình hình dịch COVID-19 ở Iraq đã trở nên trầm trọng hơn với sự gia tăng các ca mắc bệnh, chủ yếu là do người dân không tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, chưa nhận thức đầy đủ về mức độ nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 và không tuân thủ đầy đủ các biện pháp giãn cách xã hội.
L.H (tổng hợp từ Vietnam+)