Dịch bệnh diễn biến phức tạp, cần gấp rút tiêm vaccine cho nhân viên nhà máy và bán lẻ
Hiện nay, tình hình cung ứng các mặt hàng thiết yếu ở Tp.HCM, Hà Nội một số tỉnh phía Nam đang rất căng thẳng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các hệ thống bán lẻ và các doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu dù đối mặt với tỉ lệ lao động nghỉ việc cao, vận chuyển hàng hóa khó khăn vẫn nỗ lực duy trì hoạt động, ổn định giá bán để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Thực tế cho thấy khi đa số các chợ đóng cửa, người dân đổ xô tới siêu thị, cửa hàng tiện ích để mua sắm và tích trữ thực phẩm, đồ uống, đồ dùng cá nhân.... Các cửa hàng, siêu thị hiện đang gánh vác thêm 70% nhu cầu mua sắm của thị trường do người tiêu dùng mua sắm tại chợ truyền thống, chợ dân sinh đang chuyển qua mua sắm tại các kênh bán lẻ hiện đại. Song song đó, các doanh nghiệp sản xuất cũng đang chi hàng nghìn tỷ đồng cho công tác phòng dịch, áp dụng mô hình “3 tại chỗ”, sản xuất ngày đêm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Tuy nhiên với đặc thù công việc như thường xuyên di chuyển, tiếp xúc nhiều người, nhân viên bán lẻvà các công nhân ở khu sản xuất luôn tiềm ẩn những nguy cơ lây nhiễm không thể lường trước.
Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng khi tình hình bệnh dịch còn phức tạp
Mới đây, Thanh Nga - một nhà cung cấp thịt cho nhiều bệnh viện, khách sạn, siêu thị tại Hà Nội đã phải tạm dừng hoạt động khi có hàng chục ca nhiễm. Nhiều doanh nghiệp “3 tại chỗ” ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đang trở thành ổ dịch mới khi hàng loạt công nhân được phát hiện dương tính Covid-19. Các hoạt động giao hàng, sản xuất ngừng lại ngay lập tức, toàn bộ nhân viên công ty và các đối tác phải cách ly tại chỗ và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Họ không chỉ đối diện với nguy cơ nhiễm bệnh cao, mà còn lo lắng sẽ trở thành nguồn lây bệnh trực tiếp cho người thân, gia đình và xã hội khi không may nhiễm bệnh.
Chị Mỹ Anh – nhân viên bán lẻ ở một siêu thị Bình Dương cho biết: “Trong thời điểm dịch cao điểm, tuy thành phố đang có lệnh giãn cách, khuyến khích người dân ở nhà, để duy trì hoạt động sản xuất, tôi hiện vẫn đang bán hàng các nhu yếu phẩm cho người dân. Tôi rất lo lắng về sự an toàn cho bản thân và cho gia đình trong khi chưa được tiêm vaccine. Hiện tại, trước mắt tôi chỉ có thể tuân theo những biện pháp phòng bệnh của công ty, tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y Tế. Tôi và đồng nghiệp rất mong muốn được sớm tiêm phòng vaccine”.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh cho biết: Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, các doanh nghiệp đã thực hiện phương thức “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường – 2 điểm đến” theo chỉ đạo của UBND Thành phố. Chưa bao giờ doanh nghiệp lại phải đối mặt với những áp lực khó khăn lớn như hiện nay, vừa phải ứng phó với việc đứt gãy chuỗi cung ứng, bất cập trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa vừa phải đảm bảo đời sống, sinh hoạt hàng ngày cho người lao động.
Theo ông, để thực hiện “3 tại chỗ” hay “1 cung đường – 2 điểm đến” là sự nỗ lực rất lớn của cả doanh nghiệp và người lao động nhằm thích nghi với điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp và thực hiện song song hai mục tiêu bảo vệ sức khỏe cho người dân và duy trì sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã phát sinh rất nhiều khó khăn, bất cập cần tháo gỡ.
Nhân viên bán lẻ và sản xuất hàng tiêu dùng cần sớm được tiêm vaccine
Nhằm duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu, Bộ Công Thương đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo ngành y tế địa phương và các cơ quan liên quan ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhóm đối tượng là người lao động tại các cơ sở trong chuỗi cung ứng các mặt hàng thiết yếu thuộc lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, dược phẩm, hàng hóa chống dịch…
Bộ Công Thương cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp nhận đăng ký tiêm vacine phòng COVID-19 của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã… tham gia cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, trước mắt theo danh sách đề xuất tiêm vaccine đã gửi Bộ Công Thương.
Là doanh nghiệp tiêu dùng bán lẻ có quy mô lớn nhất nước với hơn 30 nhà máy, tổ hợp chế biến thực phẩm, và gần 2.500 siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+ phủ sóng khắp Việt Nam. Masan có gần 40.000 nhân viên làm việc ở các lĩnh vực thiết yếu, thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng hàng tiêu dùng cho người dân. Họ hoạt động ở tuyến đầu chống dịch và có mức tiếp xúc cao với cộng đồng, nguy cơ phơi nhiễm cao. Tuy nhiên, hiện tại số lượng được tiêm vaccine chỉ mới có khoảng ¼ trong tổng nguồn lao động.
Trong khi chờ đợi nguồn vaccine, các hệ thống bán lẻ, các nhà máy của Masan trên cả nước đã thực hiện tuân thủ tuyệt đối quy định 5K phòng dịch. Hệ thống VinMart, VinMart+ đã thiết lập quy trình phòng chống dịch tuân thủ chặt chẽ quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế. Tất cả nhân viên bán lẻ tuân thủ nghiêm túc quy định phòng dịch và được trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ như khẩu trang, găng tay, nước rửa tay. Hàng hóa trước khi vào siêu thị phải được kiểm dịch khắt khe, đảm bảo hàng hóa đủ tiêu chuẩn mới được nhập vào hệ thống. Các nhà máy của Masan ở các tâm dịch thực hiện “3 tại chỗ”, vừa phải đảm bảo nơi ăn, ngủ, ở, đúng quy định về phòng chống dịch và đảm bảo đời sống người lao động, doanh nghiệp còn phải hoạt động ngày đêm nhằm đảm bảo sản lượng nhu yếu phẩm đủ cung cấp cho người tiêu dùng.