Dịch bệnh được khống chế, thị trường trong nước sôi động trở lại
Hoạt động mua sắm hàng hóa tăng trưởng trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát đã giúp doanh thu thị trường trong nước được cải thiện đáng kể.
Chuyển hướng kịp thời
Xác định vai trò quan trọng của một kênh phân phối thuần Việt trong việc cung ứng hàng hóa cho người tiêu dùng trong mùa dịch bệnh và dịp lễ Tết, hệ thống Saigon Co.op với hơn 800 điểm bán đã luôn đảm bảo được lượng hàng cung ứng đầy đủ trong suốt mùa dịch nhờ lên kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ ngay từ đầu tháng 2/2020. Saigon Co.op cũng thực hiện đàm phán ký thỏa thuận dự trữ hàng tại kho các nhà cung cấp; dự trữ tại kho các siêu thị để kịp thời cung ứng hàng; có kế hoạch dự trữ riêng cho từng siêu thị để kịp thời cung cấp hàng hóa cho khách hàng. Kể cả khi nhu cầu tiêu dùng bật tăng trở lại sau khi dịch bệnh được khống chế, cũng như trong dịp lễ 30/4, kênh phân phối này cũng đảm bảo hàng hóa được duy trì ổn định cả về nguồn cung và giá cả.
Đặc biệt, nắm bắt được xu hướng tiêu dùng thông qua thương mại điện tử để hạn chế lây lan dịch bệnh, Saigon Co.op đã đẩy mạnh kinh doanh online. Việc đẩy nhanh các hình thức này đã giúp doanh số bán ra của Saigon Co.op được duy trì, trong đó kênh bán online đã tăng gấp 10 lần so với trước đây.
Theo Bộ Công Thương, sau thời gian giãn cách xã hội, tháng 5, hoạt động kinh tế - xã hội đã bắt đầu trở lại bình thường, cùng với kỳ nghỉ Lễ 30/4-1/5 nên hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng của người dân có dấu hiệu tăng trở lại.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tính đạt 384,8 nghìn tỷ đồng, tăng đến 26,9% so với tháng trước. Mặc dù chưa thể đạt được con số như cùng kỳ năm trước, song mức tăng này là dấu hiệu đáng mừng, cho thấy sức mua đã được cải thiện đáng kể sau thời gian ảm đạm do giãn cách xã hội.
Đóng góp cho con số này, so với tháng trước đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đã đạt 311,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 32,5 nghìn tỷ đồng, tăng 95,8%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 0,4 nghìn tỷ đồng, tăng 780,1%; doanh thu dịch vụ khác đạt 40,8 nghìn tỷ đồng, tăng 91,3%...
Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.913,9 nghìn tỷ đồng, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 8,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,5%).
Thị trường trong nước với hơn 90 triệu dân chính là bệ đỡ cho doanh nghiệp phục hồi doanh số. Trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực xoay xở, tìm kiếm khách hàng, dồn lực đầu tư các dòng sản phẩm mới, phù hợp sức mua từng địa bàn để tăng doanh số thị trường nội địa. Dù người dân giảm chi tiêu các mặt hàng xa xỉ, nhưng nhóm hàng thiết yếu vẫn tăng trưởng, bởi nhu cầu tiêu dùng không giảm nhiều, nên vẫn tạo dư địa cho các ngành hàng như thực phẩm chế biến, lương thực, thủy sản… đẩy mạnh tiêu thụ.
Theo đó, xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng ước tính đạt 1.543,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,6% tổng mức và tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm tăng nhẹ do các siêu thị, trung tâm thương mại bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, không có biến động về giá, đồng thời người dân có xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng theo hình thức mua sắm trực tuyến.
Tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường nội địa
Xuất khẩu dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong ngắn hạn khi nhiều thị trường chính của nước ta vẫn gặp khó khăn do dịch. Do đó, thị trường trong nước vẫn được đánh giá là động lực chính cho sản xuất, phát triển kinh tế.
Do đó, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa theo hướng bảo đảm đầy đủ thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân. Phối hợp với các địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường nội địa, đặc biệt là các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu do nhu cầu đột biến từ dịch bệnh để kịp thời có biện pháp điều hành.
Bên cạnh đó, theo dõi sát diễn biến của giá dầu thế giới do tác động của dịch bệnh để tham mưu điều hành giá mặt hàng xăng dầu phù hợp với kịnh bản điều hành giá của Chính phủ. Rà soát, lồng ghép ngay các hoạt động hỗ trợ phát triển hàng hóa, sản phẩm vào các chương trình, hoạt động được giao triển khai thực hiện như Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) để tổ chức triển khai thực hiện. Tổ chức hoạt động kết nối cung cầu, kết nối giữa vùng sản xuất nông sản, thủy sản tập trung với địa phương có cửa khẩu xuất khẩu nhằm đẩy mạnh và mở rộng thị trường tiêu thụ ngoài nước.
Đơn cử, mới đây, Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội năm 2020 và Phiên chợ quảng bá, tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản, thực phẩm an toàn đã tổ chức tại Hà Nội năm 2020, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, thu hút đông người tiêu dùng. Sự kiện đã quảng bá hiệu quả nông sản địa phương đến người tiêu dùng Thủ đô; hỗ trợ tiêu thụ nông sản địa phương.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để tuyên truyền, quảng bá và kết nối hàng hóa, sản phẩm vào các hệ thống phân phối hàng hóa bán buôn, bán lẻ trên toàn quốc. Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, tuyên truyền, kết nối tiêu thụ hàng Việt Nam tại thị trường trong nước nhằm hỗ trợ người tiêu dùng Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam sau dịch Covid 19 thông qua Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo chống dịch Covid - 19 Trung ương và địa phương. Khẩn trương hoàn thiện nội dung Đề án "Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản" để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành và tổ chức triển khai thực hiện.