Các chuyên gia lo ngại rằng ngay cả khi số ca Covid-19 tạm thời giảm xuống ở nhiều bang ở Mỹ, dịch bệnh vẫn có thể trở lại ở mức nguy hiểm khi lệnh phong tỏa hết hiệu lực và cư dân chủ quan hơn. Trong ảnh, tình nguyện viên phát đồ bảo hộ cá nhân, bao gồm khẩu trang và nước rửa tay, cho các chủ doanh nghiệp nhỏ hôm 24/6 ở Orlando, Mỹ.
Các thành viên của Đội cứu hỏa quận Cam gói các thiết bị bảo hộ cá nhân, bao gồm khẩu trang dùng một lần, khẩu trang có thể tái sử dụng và nước rửa tay vào hộp để phân phát cho các doanh nghiệp nhỏ. Quận hy vọng có thể cung cấp các mặt hàng này cho 10.000 doanh nghiệp trong vài ngày tới. Ngày 24/6, Mỹ ghi nhận tổng cộng 34.700 ca Covid-19 mới, mức cao nhất kể từ cuối tháng 4, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins.
Thống đốc bang Arizona Doug Ducey đeo khẩu trang tại cuộc họp báo hôm 24/6. Trong khi số ca bệnh mới trong ngày đang giảm dần ở các điểm nóng từ giai đoạn đầu đại dịch như New York và New Jersey, một số bang khác của Mỹ đã lập kỷ lục số ca nhiễm mới trong ngày, bao gồm Arizona, California, Mississippi, Nevada, Texas và Oklahoma. Một số khu vực khác như Bắc Carolina và Nam Carolina lập kỷ lục về số ca Covid-19 phải nhập viện.
Tại California, Thống đốc Gavin Newsom hôm 24/6 cho biết số ca Covid-19 ở đây đã tăng 69% chỉ trong hai ngày khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ. Quận Los Angeles ở bang này hiện dẫn đầu cả nước với hơn 88.500 ca nhiễm Covid-19, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins. Bang California hôm 23/6 phá kỷ lục ca bệnh mới trong ngày với 7.149 trường hợp. Trong ảnh, một cậu bé đeo khẩu trang và kính chống giọt bắn tại sân bay quốc tế Los Angeles hôm 24/6.
Thống đốc bang California Gavin Newsom đã cầu xin người dân nghĩ cho người khác bằng cách đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn và tăng cường rửa tay. Trích dẫn vài câu Kinh thánh, thống đốc này kêu gọi cư dân "hãy yêu hàng xóm của bạn như chính bạn".
"Người dân đang tỏ ra tự mãn. Covid-19 đang quay lại và cắn chúng ta, không kiêng dè", tiến sĩ Marc Boom, Giám đốc điều hành của hệ thống bệnh viện Houston Methodist, nói với AP và cho rằng người dân Texas cần phải hành xử đúng đắn và phối hợp với nhau để làm chậm tốc độ lây nhiễm. "Khi tôi nhìn thấy một nhà hàng hay doanh nghiệp nào đó... coi thường quy định, tôi cảm thấy rất tức giận", chuyên gia này chia sẻ.
Nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế United Memorial, nơi xét nghiệm Covid-19 ở Houston, bang Texas, hôm 24/6. Thống đốc bang Texas Greg Abbott hối thúc người dân ở nhà vì đợt tăng đột biến này, trong khi một số quan chức y tế kêu gọi áp đặt các lệnh ở nhà nghiêm ngặt hơn. “Vì lây nhiễm đang tràn lan lúc này, không có lý do gì để bạn phải rời khỏi nhà”, ông Abbott nói với CNN. “Trừ khi có việc thực sự cần ra ngoài, nơi an toàn nhất lúc này ở trong nhà”.
Ngoài điểm nóng Covid-19 hiện nay là Mỹ, Mexico đứng thứ 7 trên thế giới về số ca tử vong do đại dịch, và nằm trong số 20 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì Covid-19, theo Đại học Johns Hopkins. Trong ảnh, nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ tại bệnh viện điều trị Covid-19 ở Naucalpan, Mexico, hôm 23/6.
Ca nhiễm Covid-19 cũng bắt đầu tăng trở lại ở một số quốc gia khác trên thế giới như Iraq và Mexico. Ấn Độ, quốc gia chịu ảnh hưởng lớn thứ 4 vì Covid-19, cũng vừa ghi nhận kỷ lục ca nhiễm mới trong ngày gần đạt mức 16.000 trường hợp. Trong ảnh, tài xế ở Ấn Độ đeo khẩu trang trong khi chờ khách ở Kochi, bang Kerala hôm 24/6.
Tại Trung Quốc, Bắc Kinh tỏ ra có thể đã kiềm chế được ổ dịch mới khi số ca nhiễm trong ngày hôm 24/6 là 12 trường hợp, giảm từ 22 ca của một ngày trước đó. Chính quyền Trung Quốc đã xét nghiệm cho gần 2,5 triệu người ở Bắc Kinh trong 11 ngày.
Bên trong phòng thí nghiệm chế vaccine Covid-19 của Trung Quốc Trong bối cảnh nguy cơ bùng phát làn sóng dịch Covid-19 thứ hai, Mỹ và Trung Quốc là 2 nước dẫn đầu trong công cuộc tìm ra loại vaccine an toàn và hiệu quả nhất.
Hương Ly
Ảnh: AP