Dịch bệnh tại hai điểm nóng nhất châu Âu

Tình hình dịch Covid-19 tại hai điểm nóng nhất ở châu Âu là Italy và Tây Ban Nha chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Italy vừa quyết định ngừng tất cả hoạt động không thiết yếu trong khi Tây Ban Nha dự báo điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra.

Quảng trường Puerta del Sol tại Madrid, Tây Ban Nha, tương đối vắng vẻ sau khi chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp. (Ảnh: Reuters)

Quảng trường Puerta del Sol tại Madrid, Tây Ban Nha, tương đối vắng vẻ sau khi chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp. (Ảnh: Reuters)

NDĐT - Tình hình dịch Covid-19 tại hai điểm nóng nhất ở châu Âu là Italy và Tây Ban Nha chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Italy vừa quyết định ngừng tất cả hoạt động không thiết yếu trong khi Tây Ban Nha dự báo điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra.

Italy ngừng tất cả hoạt động không thiết yếu

Sau khi ghi nhận gần 800 ca tử vong vào ngày 21-3, Italy đến nay có tới gần 5.000 người chết do Covid-19. Theo Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy, hôm qua số ca bệnh tại nước này đã tăng 13,9%, từ 47.021 ca lên 53.578 ca. Lombardy, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, vẫn đang trong tình trạng rất nguy hiểm, với 3.095 ca tử vong và 25.515 ca bệnh. Đến nay, đã có 6.072 người bệnh hồi phục hoàn toàn.

Chính quyền vùng Lombardy vừa thông qua một loạt biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, trong đó có mức phạt lên đến 5.000 euro đối với những trường hợp không tuân thủ lệnh cấm tụ tập ở nơi công cộng.

Trong nỗ lực mới nhất nhằm ngặn chặn dịch bệnh, Chính phủ Italy đã ra lệnh toàn bộ doanh nghiệp phải đóng cửa cho đến ngày 3-4, trừ các doanh nghiệp thiết yếu để duy trì chuỗi cung ứng của nước này. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte thừa nhận, đây là cuộc khủng hoảng khó khăn nhất trong thời kỳ sau chiến tranh của Italy và chỉ có những hoạt động sản xuất đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất quốc gia mới được phép tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, các siêu thị, hiệu thuốc, dịch vụ bưu chính và ngân hàng vẫn sẽ mở cửa; các dịch vụ công thiết yếu, trong đó có vận tải, cũng được bảo đảm duy trì.

Dự kiến, Chính phủ Italy sẽ ban bố sắc lệnh khẩn cấp trong ngày 22-3 để lập tức triển khai biện pháp mạnh tay nêu trên.

Tây Ban Nha dự báo điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến

Dù đã ghi nhận hơn 1.300 ca tử vong và gần 25 nghìn ca bệnh nhưng Chính phủ Tây Ban Nha thừa nhận rằng điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến. Tại châu Âu, Tây Ban Nha đang là quốc gia chịu nhiều tác động của dịch Covid-19 chỉ sau Italy.

Trong một cuộc họp báo, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho rằng, nước này không gặp phải tình huống bi thảm như hiện nay sau khi cuộc nội chiến giai đoạn 1936-1939 cướp đi tính mạng khoảng 500 nghìn người kết thúc.

Tình hình dịch bệnh tại nước này vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống. Đêm thứ Sáu vừa qua, các binh sĩ đã chuyển người bệnh từ bệnh viện ở Madrid sang các khu vực khác có nhiều không gian hơn. Quân đội Tây Ban Nha cũng đang xây dựng bệnh viện dã chiến tại một trung tâm hội nghị ở thủ đô Madrid và sẽ khử trùng các nhà dưỡng lão tại Madrid. Trong 17 vùng tại Tây Ban Nha, Madrid đang là điểm nóng nhất về dịch bệnh khi ghi nhận 60% số ca tử vong của nước này.

Chính phủ Tây Ban Nha khẳng định sẽ làm mọi việc cần thiết để chống lại đại dịch. Madrid đang nỗ lực triển khai kế hoạch sản xuất trong nước các thiết bị cần thiết phục vụ cuộc chiến với đại dịch.

Giới chức Tây Ban Nha bày tỏ quan ngại về tình trạng đông đúc tại các bệnh viện và thiếu trang thiết bị tại các cơ sở y tế. Hiện, khoảng 1.600 người bệnh đang được chăm sóc chuyên sâu trong bệnh viện. Ông Ricard Ferrer, Chủ tịch Hội Y học chuyên sâu của Tây Ban Nha cho biết trên kênh TVE, có thể trong 8-10 tuần tới, khoảng 10 nghìn bệnh nhân sẽ được đưa vào các đơn vị chăm sóc chuyên sâu.

Chính phủ Tây Ban Nha dự kiến tăng cường làm xét nghiệm cho người dân. Giới chức y tế của nước này đã tập hợp được hơn 640 nghìn thiết bị xét nghiệm và con số này sẽ nhanh chóng đạt mức một triệu. Những thiết bị đầu tiên đã được phân bổ vào ngày 21-3 và chính phủ đang tìm cách sở hữu bốn robot giúp nâng năng lực xét nghiệm của Tây Ban Nha lên mức 80 nghìn xét nghiệm/ngày. Hiện Tây Ban Nha có thể làm xét nghiệm từ 15 nghìn đến 20 nghìn lần/ngày.

Anh tiếp tục kêu gọi người dân ở nhà tránh dịch

Dù số ca tử vong do Covid-19 tại Anh (233 ca) thấp hơn nhiều lần so với tại Italy (gần 5.000 ca) nhưng Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn cảnh báo rằng, chỉ trong hai tuần virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 có thể “áp đảo” Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) của nước này như đang làm với hệ thống y tế của Italy.

Để tránh kịch bản này, Anh đã hối thúc 1,5 triệu người dân được NHS xác định là có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn những người khác ở nhà để bảo vệ chính mình. Anh đã và đang đẩy mạnh các biện pháp đẩy lùi Covid-19. Bác sĩ sẽ liên hệ với những người có nguy cơ mắc Covid-19 cao như người từng ghép tạng, người bệnh ung thư, người gặp vấn đề nghiêm trọng về hô hấp... và khuyến cáo nhóm người này ở trong nhà ít nhất 12 tuần.

Chủ nhật tuần trước, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết, những người hơn 70 tuổi sẽ được bảo vệ khỏi sự tấn công của virus SARS-CoV-2 bằng cách tự cách ly tới bốn tháng và thông báo này sẽ được công bố trong vài tuần tới.

Hôm qua, tờ Corriere della Sera của Italy dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng: “Điều mà chúng ta đều hiểu là không có nước nào trong EU có thể một mình đối mặt với mối đe dọa (do virus SARS-CoV-2 gây ra). Chủng virus này không có biên giới và EU sẽ mạnh mẽ hơn khi chúng ta thể hiện tình đoàn kết tối đa”.

Đêm qua, Hội đồng châu Âu đã chính thức thông qua thỏa thuận mà các bộ trưởng tài chính của EU đã nhất trí vào ngày 5-3 về việc tạm ngừng các nguyên tắc ngân sách của EU để hạn chế cho vay và hỗ trợ các nước thành viên đẩy lùi dịch bệnh.

H.H

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/43723202-dich-benh-tai-hai-diem-nong-nhat-chau-au.html