Dịch bệnh thần kinh gây liệt tăng mạnh tại Ấn Độ

Giới chức y tế địa phương đã khuyên người dân bang Maharashtra (Ấn Độ) uống nước đun sôi để nguội và tránh ăn thịt sống, thức ăn ôi thiu… sau khi có hàng trăm trường hợp nhiễm bệnh và 5 người tử vong do dịch bệnh thần kinh có thể gây liệt.

Tờ Independent (Anh) đưa tin, bang Maharashtra đang phải chống chọi với đợt bùng phát của Hội chứng Guillain-Barre (GBS). Số ca mắc GBS đã tăng lên 163 trường hợp, phần lớn trong số đó được ghi nhận ở trong và xung quanh thành phố Pune. Đây vốn là trung tâm công nghệ thông tin mới nổi, cách Mumbai khoảng 180km.

Theo chính quyền bang Maharashtra, ít nhất 21 bệnh nhân đang được hỗ trợ thở máy và 48 người đã vào phòng chăm sóc đặc biệt. Theo tờ The Hindu (Ấn Độ), khoảng 90 % các trường hợp nghi ngờ mắc GBS nằm trong nhóm từ 0-59 tuổi. Nhóm có nhiều ca mắc nhất là từ 20-29 tuổi.

Tại bang Assam, một cô gái 17 tuổi đã tử vong tại bệnh viện tư nhân vì nghi ngờ mắc GBS. Tuy nhiên, chính quyền Assam vẫn chưa công bố thông tin cập nhật về các trường hợp được báo cáo.

Theo đài BBC (Anh), dịch GBS bùng phát tại thành phố Pune bắt nguồn từ tác nhân gây bệnh có tên là campylobacter jejuni.

Trong khi đó, lãnh đạo cơ quan y tế tại Maharashtra cho biết đợt bùng phát này rất có thể bắt nguồn từ nước bị ô nhiễm. Điều tra đã phát hiện vi khuẩn E coli hiện diện trong mẫu lấy từ giếng khoan ở khu vực có nhiều trường hợp mắc bệnh. Theo các chuyên gia y tế, ở một số khu vực của Pune, đường ống nước và đường ống thoát nước chạy song song, dẫn đến ô nhiễm và gây gia tăng các ca mắc GBS.

Tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ đang hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại Pune để truy vết và xét nghiệm những trường hợp nghi ngờ, đồng thời theo dõi các trường hợp đã được xác nhận mắc GBS.

Hội chứng Guillain-Barré là chứng rối loạn thần kinh hiếm gặp, trong đó hệ thống miễn dịch vốn bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng và các dị vật khác lại tấn công nhầm các tế bào thần kinh ngoại biên. Cụ thể hơn, khiến bao myelin - lớp chất béo và protein bao quanh các tế bào thần kinh - bị viêm. Bao myelin tạo điều kiện để các tín hiệu đi qua dây thần kinh với tốc độ rất nhanh trong điều kiện bình thường. Do đó, nếu bao myelin bị viêm, dây thần kinh khó có thể truyền các kích thích.

Nói cách khác, người mắc hội chứng này sẽ gặp khó khăn trong nói, đi lại, nuốt, bài tiết hay thực hiện các chức năng bình thường khác của cơ thể. Tình trạng có thể ngày càng tồi tệ hơn. Do đó, các dây thần kinh ngoại biên, loại dây thần kinh phân nhánh từ não và tủy sống, sẽ bị tổn thương khiến cơ có thể trở nên yếu hoặc liệt. Các triệu chứng đầu tiên bao gồm cảm giác ngứa ran ở ngón tay, ngón chân, mũi; yếu ở chân lan lên phần trên cơ thể; cử động mặt khó khăn, đi không vững hoặc không thể đi lại, đau và trong trường hợp nặng có thể bị liệt.

Nguyên nhân chính xác của hội chứng Guillan-Barré vẫn chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, nó thường phát triển ngay sau khi một người mắc bệnh truyền nhiễm. Hội chứng này cũng có liên quan đến virus cytomegalo, virus Epstein Barr, virus Zika và thậm chí cả COVID-19.

Các nhà khoa học nói rằng hệ thống miễn dịch của chúng ta rất chuyên biệt để nhận ra các yếu tố lạ như virus, vi khuẩn và nấm. Nó tạo kháng thể để liên kết với cấu trúc bề mặt của mầm bệnh đồng thời hình thành phản ứng miễn dịch chống lại chúng. Đối với những bệnh như Hội chứng Guillan-Barré, “kẻ xâm lược” tự ngụy trang bằng một bề mặt bắt chước cấu trúc của chính cơ thể. "Ví dụ, cấu trúc bề mặt của vi khuẩn Campylobacter trông rất giống với bao myelin", nhà miễn dịch học Julian Zimmermann giải thích với kênh DW (Đức).

Tình trạng của bệnh nhân có xu hướng xấu đi trong 2 tuần sau khi phát bệnh. Vào tuần thứ tư, các triệu chứng ổn định, sau đó quá trình phục hồi bắt đầu. Quá trình phục hồi có thể kéo dài từ 6 đến 12 tháng và đôi khi lên đến 3 năm. Hiện tại, không có cách chữa trị đặc thù cho hội chứng Guillain-Barré.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo BBC, Independent)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/dich-benh-than-kinh-gay-liet-tang-manh-tai-an-do-20250205092946969.htm